Chiều 4.9, Sở Y tế Hà Nội thông tin trong tuần qua thành phố ghi nhận 1.129 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng 73 ca so với tuần trước đó).
Sở Y tế cho biết, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất trên cả nước. Số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 500-600 ca/tuần thì hiện tại đã vượt mốc 1.000 ca/tuần, trong đó, thành phố cũng vừa ghi nhận 2 ca tử vong. Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm là những quận có nhiều bệnh nhân nhất trong tuần (Đống Đa 105 ca, Cầu Giấy 86 ca, Nam Từ Liêm 77 ca, Hoàng Mai 76 ca, Đan Phượng 68 ca, Phú Xuyên 63 ca).
Tuần qua cũng ghi nhận thêm 66 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã: Đông Anh (10 ổ dịch); Phúc Thọ (8 ổ dịch); Bắc Từ Liêm (7 ổ dịch); Nam Từ Liêm (6 ổ dịch); Cầu Giấy (4 ổ dịch).
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận các ca bệnh sốt xuất huyết với các biểu hiện như sốt cao liên tục, nôn ra máu, tiểu cầu hạ, men gan tăng....
Các ca sốt xuất huyết tăng cao, TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm nhưng có nguy cơ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Đây là thời điểm các thầy thuốc cần đặc biệt chú ý trong điều trị, giảm tử vong ở trẻ.
"Với sốt xuất huyết dengue thường chúng ta có hướng dẫn chăm sóc điều trị tại nhà, còn với sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo như đau, triệu chứng nặng thì chúng ta phải cho nhập viện và trong số sốt xuất huyết dengue nhập viện, thoát dịch, thậm chí bệnh nhân sốc do thoát dịch, phải nhập viện cấp cứu, chống sốc bù dịch đúng để cứu sống bệnh nhân", TS.BS Nguyễn Văn Lâm cho hay.
Bác sĩ Lâm cũng chia sẻ, khi bệnh nhân sốt cao liên tục, để phân biệt với các bệnh khác thì bệnh sốt xuất huyết sẽ có thêm triệu chứng đau hốc mắt, xuất huyết trên da dạng phát ban, trên da có các xuất huyết li ti hoặc xuất huyết niêm mạc, chảy máu cam, rối loạn kinh nguyệt.
Nếu có biểu hiện sốt cao, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân trước. Còn khi để bệnh nhân theo dõi tại nhà, người bệnh cần nằm nghỉ, không nên mặc quá kín. Hằng ngày, người bệnh cần theo dõi nhiệt độ và chú ý phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh trở nặng để đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.
Khi bị sốt xuất huyết chỉ dùng hạ sốt bằng paracetamol đơn chất, dùng 10 - 15mg/kg cân nặng. Người bệnh không dùng thuốc hạ sốt Ibuprofen, aspirin làm nặng thêm tình trạng xuất huyết. Người bệnh nên uống nhiều nước, có thể dùng oresol hoặc nước cam, chanh tươi, dừa thay thế. Tăng cường các loại thức ăn mềm như cháo, súp. Không ăn các thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ.
Để kiểm soát dịch bệnh sốt xuất huyết ngày càng lan rộng, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành y tế thành phố tiếp tục tăng cường giám sát tại các quận/huyện như: Phú Xuyên, Tây Hồ, Thanh trì, Hai Bà Trưng, Ứng Hòa, Hoàn Kiến, Thanh Xuân nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa để giảm số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết.
"Tình hình dịch Hà Nội sẽ cao điểm vào tháng 10, 11 đặc biệt sau khi học sinh, sinh viên nhập học, cộng thêm điều kiện thời tiết thuận lợi, vì vậy Hà Nội cũng đã chủ động phòng sốt xuất huyết từ đầu năm, cùng nhiều công việc chỉ đạo theo tinh thần phòng chống dịch bệnh nói chung, sốt xuất huyết với tinh thần 4 tại chỗ", ông Vũ Cao Cương cho hay.
Theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 8.2023, cả nước ghi nhận gần 70 nghìn ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 16 bệnh nhân tử vong. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Bởi những ai đã mắc phải sốt xuất huyết đều cảm thấy sởn gai ốc trước căn bệnh này, bởi nó gây tác hại lớn tới sức khỏe. Có người mắc bệnh, do chủ quan, đã dẫn tới hậu quả lớn.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.