Chiều 1.9, đại diện Sở Y tế tỉnh Hà Giang cho biết hiện nay tại huyện Mèo Vạc đã ghi nhận tới 32 ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và có 2 ca tử vong do chính căn bệnh này.
Thêm một ca tử vong tại Hà Giang do bạch hầu
Tại tỉnh Hà Giang trong những ngày qua, liên tục ghi nhận các ca mắc bệnh bạch hầu. Phân bố chủ yếu tại huyện Mèo Vạc, tính đến cuối ngày 1.9, toàn huyện ghi nhận 32 trường hợp và có 2 ca tử vong. Về việc lấy mẫu xét nghiệm, tổng cộng có 51 trường hợp (gồm ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc, người nhà...), kết quả có 1 ca dương tính, 9 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, do mới lấy mẫu ngày 28.8, số còn lại (41 ca) âm tính.
Tất cả bệnh nhân xác định và nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đều ở huyện Mèo Vạc, tập trung tại 8 xã, thị trấn, nhiều nhất là xã Khâu Vai với 14 ca.
Về ca bệnh tử vong đầu tiên là em Và Mí D., (SN 2008, trú tại thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai), bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc ngày 21.8 nhưng chỉ 1 ngày sau phải chuyển tuyến về bệnh viện tỉnh. Do diễn biến quá nặng, bệnh nhân tử vong trên đường từ viện về nhà trước khi có kết quả dương tính bạch hầu. Được biết, gia đình bệnh nhân có 2 trẻ là em của bệnh nhân cũng có triệu chứng tương tự, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc.
Ca tử vong thứ 2 là nữ, tên G.T.S, 16 tuổi, ở xã Giàng Chu Phìn. Chị S. được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc ngày 25.8 và được lấy mẫu bệnh phẩm. 3 ngày sau, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trả kết quả chị âm tính bạch hầu. Tuy nhiên, 2 giờ ngày 28.8 người bệnh có biểu hiện bệnh nặng, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị. Một ngày sau, dù được thầy thuốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang vận động cho phép chuyển về bệnh viện trung ương để điều trị nhưng gia đình không đồng ý.
Chiều cùng ngày, bệnh nhân có diễn biến nặng lên, viêm cơ tim cấp tính, vài tiếng sau có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn, phản xạ âm tính, gia đình xin đưa bệnh nhân về. Nữ bệnh nhân đã tử vong trên đường trở về nhà. Hiện tại, 30 bệnh nhân nghi ngờ đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc. Một số bệnh nhân có biểu hiện ban đầu như sốt nhẹ, ho khan, đau rát thành họng, nuốt đau, mệt mỏi, ăn kém, có giả mạc...
Cũng trong chiều 1.9 được biết một trường hợp 12 tuổi ở xã Khâu Vai (nơi có 14 ca nghi ngờ), được chuyển từ Bệnh viện tỉnh Hà Giang lên Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 1.9, đang được cách ly, điều trị tại phòng riêng. Triệu chứng ban đầu của trường hợp này gồm sốt, đau đầu, đau họng, khó thở. Sau 10 ngày điều trị ở huyện không đỡ nên chuyển lên bệnh viện tỉnh, xét nghiệm phát hiện men tim tăng.
Theo Sở Y tế Hà Giang, các ca bệnh xuất hiện tản phát tại 8 xã, diễn biến tình hình dịch bệnh trong khoảng thời gian khá dài và tương đối phức tạp, nguy cơ có thể lan rộng. Dù việc giám sát và kiểm soát các ca bệnh tại địa bàn nguy cơ phải quyết liệt hơn, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị năm học mới, nhưng thực tế tồn tại nhiều khó khăn. Trong đó, do thái độ, nhận thức, chủ động phòng chống dịch của người dân rất kém, việc hợp tác trong quá trình điều trị của người bệnh và gia đình cùng với cơ quan y tế rất khó khăn. Ngoài ra, tỉnh cũng thiếu vắc xin tiêm chủng để triển khai chiến dịch tiêm phòng, tại các bệnh viện tỉnh, huyện không có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Tỉnh này cũng thiếu kinh phí mua thuốc, hóa chất phục vụ phòng chống dịch bệnh; chưa kể thiếu nhân lực và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế tại địa bàn các xã còn hạn chế. Hà Giang đề nghị cơ quan thuộc Bộ Y tế sớm hỗ trợ huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị những ca bệnh có dấu hiệu và diễn biến nặng; Hỗ trợ và sớm cấp vắc xin tiêm chủng để tỉnh tổ chức tiêm chủng phòng chống dịch chủ động, bền vững.
Sở Y tế Hà Giang cũng đề nghị các bệnh viện trung ương như Nhi Trung ương, Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương sẵn sàng cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tỉnh để điều trị ca bệnh, đặc biệt là các ca bệnh nặng.
Phòng chống lây nhiễm bệnh bạch hầu
Được biết, tại Hà Giang, đã rất nhiều năm nay không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Để phòng bệnh bạch hầu hiệu quả, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Người có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bạch hầu là bệnh nguy hiểm nhưng có thể đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm chủng phòng bệnh. Trì hoãn việc tiêm phòng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh. Bệnh bạch hầu không có tính miễn dịch trọn đời, vì thế nếu đã mắc bệnh nguy cơ bị tái nhiễm các lần sau vẫn rất cao. Vì thế, để chủ động tạo miễn dịch với vắc xin là biện pháp an toàn, hiệu quả và kinh tế nhất.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.