Hiện nay, thí sinh đang ở chặng đường chạy nước rút cho kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội.

Hà Nội: Tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao, học sinh bị nhiều áp lực

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 21/05/2023, 15:52

Hiện nay, thí sinh đang ở chặng đường chạy nước rút cho kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội.

Đề thi vào lớp 10 gồm các câu hỏi về kiến thức chuẩn và kỹ năng

Sở GD-ĐT đã công bố số lượng học sinh đăng ký dự thi của từng trường năm học 2023-2024 và kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 10 - 11.6. Năm nay là năm số lượng thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 khá cao, chính vì thế các em phải căng mình chuẩn bị cho một kỳ thi đầy áp lực.

Trong số 117 trường công lập trên địa bàn TP.Hà Nội, thì Trường tiểu học, THCS và THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân) có tỷ lệ chọi cao nhất 1/3,55. Năm học 2023-2024, Hà Nội dự kiến tuyển 72.000 chỉ tiêu vào 10 trường THPT công lập. Con số này chỉ chiếm 55,7% trong tổng số gần 130.000 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy, trung bình cứ 10 học sinh lớp 9 ở thủ đô, có chưa đến 6 em được chỗ học ở lớp 10 công lập.

thi-lop-10-3.png
Một kỳ thi vào lớp 10

Chia sẻ với phóng viên Một Thế Giới, chị Đào Thùy Trang có con năm nay đăng ký thi vào Trường THPT Chu Văn An (Q.Tây Hồ) cho biết: "Tôi căn cứ vào kết quả học tập của con để đăng ký trường thi cho con và cũng muốn con cố gắng một chút cho việc học của mình. Nếu con đỗ vào trường công lập thì áp lực kinh tế đối với gia đình sẽ giảm xuống nhiều, vì nhà còn 2 em nữa nên cũng khá căng thẳng nếu con không đỗ một trường công lập nào cả".

Không như chị Trang, anh Hùng Long (Q.Bắc Từ Liêm) cho biết mặc dù con học ở trường dân lập sẽ gặp khó khăn về việc nộp học phí nhưng thà bố mẹ cố gắng một chút cho con đỡ áp lực còn hơn là bắt con học ngày, học đêm dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe. "Cho con học các trường dân lập thì có thuận tiện là gần nhà và con cũng không bị áp lực về việc học hành. Quan trọng nhất là con có thời gian nghỉ ngơi sau thời gian dài học tập và bố mẹ cũng không bị căng thẳng để bắt ép con bằng được vào các trường công lập, nơi có sự cạnh tranh cao", anh nói.

Một trong những yếu tố thuyết phục để thí sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng, là đề thi vào lớp 10 gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi môn Toán và Ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao, đề thi môn ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng.

Kỳ thi nào cũng không tránh khỏi áp lực, cạnh tranh và đòi hỏi mỗi học sinh phải có nền tảng kiến thức cộng tinh thần thực học, học có phương pháp, có trách nhiệm, có định hướng.

Phụ huynh càng kỳ vọng, con càng bị áp lực

Từ nhiều năm nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, dân số cơ học tăng nhanh, nhất là khu vực nội thành, nên gây áp lực không nhỏ về nơi học tập cho học sinh. Kỳ thi vào lớp 10 từ nhiều năm nay luôn được coi là một kỳ thi áp lực nhất vì có sự cạnh tranh cao, thậm chí còn được coi "khó hơn thi đại học". Cái khó đầu tiên là chỉ tiêu tuyển sinh vào trường công lập chỉ chiếm hơn 50% trên tổng số thí sinh dự tuyển, thậm chí các trường tốp đầu còn có tỷ lệ chọi cao hơn.

truong-chuyen-ha-noi-amsterdam-2.jpg
Năm nay, Hà Nội dự kiến tuyển vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023)

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo - Hiệu trưởng Trường THCS Mai Dịch (Q.Cầu Giấy) cho biết nhiều phụ huynh lâu nay vẫn quan niệm trường công lập tốt hơn dân lập, và chỉ có học sinh học trung bình mới xin xét tuyển vào các trường nghề hay các trường dân lập mà thôi. "Vì kỳ vọng và ý nghĩ của phụ huynh như vậy nên học sinh vô hình trung cũng bị áp lực theo. Tuy nhiên hiện nay có nhiều học sinh học rất khá nhưng bố mẹ lại định hướng nghề sớm vì không muốn con gặp áp lực trong việc học hành. Chính vì thế, những áp lực không nhỏ đến từ phụ huynh khiến học sinh dù trong giai đoạn ôn thi cũng trở nên căng thẳng hơn nhiều".

Theo các chuyên gia giáo dục, áp lực của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chủ yếu đến từ kỳ vọng của phụ huynh, bởi ai cũng mong muốn con trúng tuyển vào ngôi trường tốt nhất. Tuy nhiên vài năm gần đây, nhiều học sinh đã chủ động không thi lớp 10 mà chọn hướng đi khác cho mình. Trong đó, nhiều em là học sinh giỏi, khá, không tham gia vào kỳ thi này mà chọn học những nghề mình yêu thích.

Ông Nguyễn Đức Thuận giảng viên môn Toán tại Trường THPT chuyên Amsterdam cho biết điều căn bản nhất khi học sinh đi thi là luôn giữ bình tĩnh và ôn luyện thật kỹ các dạng bài căn bản, trọng tâm. Việc cố nhồi nhét hay sa đà vào học các bài quá khó, quá đánh đố là điều nên hạn chế. "Hơn hết, các em nên luyện thêm các loại đề tổng hợp để đưa ra những cách giải tối ưu, tiết kiệm thời gian cũng như tạo ra sự sáng tạo trong từng bài học".

Thầy Thuận cũng nhấn mạnh ngoài việc ôn luyện thì các thí sinh nên chú ý chăm sóc sức khỏe mình. Một cơ thể khỏe mạnh thì tinh thần minh mẫn hơn, gặt hái được kết quả tốt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Tỷ lệ chọi vào lớp 10 cao, học sinh bị nhiều áp lực