Sáng 12.10, đê sông Bùi 2 thuộc Chương Mỹ, Hà Nội đã bị vỡ, may mắn không có thiệt hại về người. Lãnh đạo TP.Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão lũ.

Hà Nội: Vỡ đê sông Bùi, nhiều nhà dân ngập nặng

Trí Lâm | 12/10/2017, 14:22

Sáng 12.10, đê sông Bùi 2 thuộc Chương Mỹ, Hà Nội đã bị vỡ, may mắn không có thiệt hại về người. Lãnh đạo TP.Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó bão lũ.

Sáng nay, đê sông Bùi 2 thuộc Chương Mỹ, Hà Nội đã bị vỡ một đoạn. Ông Lê Trung Hà – Chủ tịch xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) xác nhận thông tin này và cho biết, vào khoảng 6 giờ sáng nay đê vỡ nhưng không có thiệt hại về người. Lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục sự cố.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Hoàng Minh Hiến, Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết đê sông Bùi bị lở 15 mét và ngập cũng tương đối nặng.

Vị này cho rằng đây là vùng chịu ảnh hưởng của mưa và lũ những ngày qua. Lũ từ Lương Sơn (Hòa Bình) ra và tập trung ở sông Bùi và các suối nhỏ. Cộng với mấy ngày gần đây, lượng mưa trung bình lớn nên nước sông Bùi lên rất cao. Sông Bùi có 2 đê tả và hữu, vùng bị ảnh hưởng là các xã bên hữu Bùi, nhiều nơi bị ngập, tràn, đoạn đê lở 15 mét. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng ứng cứu.

Được biết chiều 11.10 lũ trên sông Bùi đã đạt báo động 2, nhiều điểm xung yếu bị tràn và có nguy cơ mất an toàn. Tại thôn Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, trong ngày 11.10, các lực lượng đã tổ chức di dời 115 hộ dân đến nơi an toàn, đảm bảo không bị nước lũ gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Nước tràn qua đê vào trong nhà dân

Theo báo của mới nhất của UBND huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã có mưa kéo dài, lượng mưa đo được từ 7 giờ ngày 9.10 đến 17 giờ ngày 11.10 tại Chúc Sơn là 119mm. Tại trạm bơm Hạ Dục là 269mm, tại trạm Tri Thủy là 317mm, trạm Đồng Sương là 331mm. Lượng mưa lớn làm lượng nước trên sông Bùi dâng nhanh (đạt mức báo động 3). Ngoài ra, các hồ chứa cũng ở mức cao như: hồ Miễu 40,2/39,5m, hồ Đông Sương 18,7/18,2m, hồ Văn Sơn 20,1/19,5m.

Trước tình hình mưa lũ phức tạp, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp thị sát tình hình lũ lụt tại Chương Mỹ.

Tại đây, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu tập trung lực lượng di dời tất cả người, tài sản đảm bảo nếu trong đêm có xảy ra vỡ đê hay nước lũ tràn qua đê vào khu vực dân cư sinh sống tập trung, đảm bảo không để xảy ra tai nạn đối với nhân dân; Tập trung di dời gia súc, gia cầm ở các trang trại ngoài đồng; Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các lực lượng dân quân, nhân dân túc trực thường xuyên, sử dụng bao cát gia cố mặt đê.

Theo đó, những đoạn đê nào có nguy cơ tràn thì phải tiếp tục đắp chống tràn; Chuẩn bị mọi phương tiện, công cụ để hướng dẫn người dân đến nơi tạm trú an toàn; Chuẩn bị cung ứng đầy đủ lương thực thực phẩm, đặc biệt là nước sạch phục vụ nhân dân; chuẩn bị thuốc men đề phòng các trường hợp ốm đau bệnh tật được cứu chữa kịp thời…

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung thị sát tình hình ngay trong đêm

Tuy nhiên, nói trên tờ Lao Động, ông Lê Trọng Khuê – Bí thư Huyện ủyhuyện Chương Mỹ (Hà Nội) khẳng định không có chuyện vỡ đê trên địa bàn.

Theo ông Khuê, cốt đê trong thiết kế là 7m, khi tình hình nước dâng lên cao hơn 7m, mức báo động 3 thì cần phải có phương án cho tràn theo thiết kế kỹ thuật. Điều này hoàn toàn nằm trong phương án dự tính, chỉ đạo điều hành của huyện. Trước đó, lãnh đạo huyện đã lên các phương án cho sơ tán dân cư để tránh thiệt hại về người và của.

“Quá trình tràn có thể có những điểm, sạt, mất chân chứ không có chuyện vỡ đê. Việc cho tràn nước này nằm trong phương án tính toán của huyện. Phương án phòng chống ngập úng cũng luôn xác định khi tràn thì sẽ như thế nào, điều này nằm trong tầm kiểm soát, do đó không có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra”, ông Khuê nói.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Vỡ đê sông Bùi, nhiều nhà dân ngập nặng