Nhà máy cung cấp nước sạch tại xã Đỉnh Bàn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư hơn 12,5 tỉ đồng, đưa vào sử dụng từ năm 2021, nhưng vài tháng trở lại đây phải dừng hoạt động vì không có nguồn nước để vận hành.
Nhà máy hơn 12,5 tỉ đồng “đắp chiếu”
Khoảng hai tháng nay, hàng trăm hộ dân sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy nước xã Đỉnh Bàn lâm vào tình cảnh sinh hoạt khó khăn vì mở vòi nhưng không có giọt nước nào. Nguyên nhân là nhà máy cấp nước dừng hoạt động.
Theo chính quyền xã Đỉnh Bàn, công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sạch (nhà máy nước) xã Đỉnh Bàn được xây dựng trên núi Nam Giới thuộc thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn, với tổng mức đầu tư hơn 12,5 tỉ đồng, do xã UBND Đỉnh Bàn làm chủ đầu tư; nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà và một phần do người dân xã Đỉnh Bàn đóng góp. Theo thiết kế, nguồn nước cung cấp cho nhà máy được lấy từ dòng khe Hao trên núi Nam Giới.
Nhà máy nước xã Đỉnh Bàn được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022 với chức năng cung cấp nước sạch cho khoảng 600 hộ dân tại các thôn Tân Phong, Thanh Long, Bình Sơn và Vĩnh Sơn.
Thời gian đầu, nhà máy hoạt động ổn định, đưa nguồn nước sạch về phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, sau vài tháng thì công trình vận hành ngắt quãng, đến tháng 6.2023 thì dừng hẳn việc cấp nước.
Theo ông Phạm Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, việc nhà máy dừng cấp nước là do thiếu nguồn nước đầu vào. Theo thiết kế thì nhà máy lấy nước nguồn từ khe Hao, nhưng do mùa hè này nắng nóng nên khe bị khô, không có nước dẫn về cấp cho nhà máy.
“Do nguồn nước đầu vào phụ thuộc hoàn toàn vào dòng nước trên khe Hao, nên khi thời tiết nắng nóng, khô hạn như hiện nay khiến khe bị khô, công trình cấp nước phải ngừng hoạt động, đây là tình thế bất khả kháng”, ông Tùng cho hay.
Dân đi mua từng can nước để ăn uống
Trước tình trạng nhà máy cấp nước dừng hoạt động, hàng trăm hộ dân tại xã Đỉnh Bàn phải tự tìm nguồn nước sạch để thay thế, phục vụ nhu cầu nước ăn uống hằng ngày.
Chị Trương Thị Thế (thôn Tân Phong, xã Đỉnh Bàn) cho biết, từ khi nhà máy nước của xã đi vào hoạt động, gia đình chị sử dụng nguồn nước này để ăn uống và sinh hoạt.
“Khoảng hơn hai tháng nay nước từ nhà máy không chảy nữa, mở vòi cả ngày cũng không có giọt nước nào. Nhà tôi phải đi mua nước đóng bình từ một cơ sở kinh doanh nước sạch ở trong xã để sử dụng ăn uống. Mỗi ngày gia đình tôi sử dụng khoảng 2 - 3 bình 20 lít, mỗi bình như thế phải mua với giá 5 nghìn đồng. Còn tắm giặt thì dùng nước giếng khoan nhưng nguồn nước này cũng bị nhiễm phèn”, chị Thế cho hay.
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Khánh cũng phải đi mua từng can nước để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, gia đình ông bơm nước từ giếng khoan lên cho chảy qua bể lọc bằng cát để sử dụng tắm rửa, giặt giũ. Tuy nhiên, dù được lọc qua cát nhưng nước này vẫn có màu vàng vì nhiễm phèn.
Ông Khánh nói: “Nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn nên dù qua bể lọc thủ công cũng không thể sử dụng để ăn uống được, nên chúng tôi phải mua từng can nước 20 lít về để nấu ăn và uống. Còn nước giếng khoan thì dùng để tắm rửa nhưng cũng không yên tâm vì nhiễm phèn, quần áo giặt bằng nước này bị ố vàng”.
Nói về giải pháp nước sạch cho người dân, ông Phạm Công Tùng, Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn cho biết, trước mắt sẽ xin chủ trương của cấp trên để thực hiện khoan giếng tại vị trí có nước ngầm dồi dào, sau đó đấu nối nguồn này vào hệ thống đường ống sẵn có của nhà máy nước.
“Về phương án để vận hành lại công trình cấp nước sạch của xã thì hiện tại chúng tôi chưa tính toán được phương án nào khả thi, việc vận hành đang phải phụ thuộc vào thiên nhiên”, ông Tùng nói.