Hành vi giết hại hải cẩu là đáng lên án nhưng đừng vận dụng luật thiếu chính xác để hù dọa. Chính quyền địa phương cũng nên tìm hiểu kỹ về luật trước khi chỉ đạo công an điều tra mà không cần biết luật quy định thế nào.

Hải cẩu bị đánh chết, công an định điều tra ai?

07/01/2017, 11:27

Hành vi giết hại hải cẩu là đáng lên án nhưng đừng vận dụng luật thiếu chính xác để hù dọa. Chính quyền địa phương cũng nên tìm hiểu kỹ về luật trước khi chỉ đạo công an điều tra mà không cần biết luật quy định thế nào.

Chú hải cẩu trước khi bị đánh chết ở Bình Thuận

Vừa qua, sự kiện chú hải cẩu hay chơi đùa với người dân ở Bình Thuận bị đánh chết gây hiệu ứng mạnh trong dư luận. Trước hết, tôi cũng cảm thấy rất buồn và tiếc với hành động rất phản cảm nêu trên vì đáng ra thì có nhiều cách xử lý phù hợp với tinh thần nhân văn hơn.

Tuy nhiên, cách phản ứng của quan chức địa phương sau đó thì rất lúng túng và hơi buồn cười. Trả lời báo Thanh Niên, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Huỳnh Văn Điển cho biết, ông đã chỉ đạo công an phải điều tra làm rõ nguyên nhân và ai đã tấn công con hải cẩu.

Tiếp đó trên Zing, ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch huyện Tuy Phong (Bình Thuận), cho biết UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng điều tra nguyên nhân việc con hải cẩu đốm bị chết trên bãi biển Đồi Dương (thị trấn Phan Rí Cửa). "Chúng tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân con hải cẩu chết, nếu nó bị xâm hại thì sẽ xử lý theo pháp luật quy định", Phó chủ tịch huyện Tuy Phong nói.

Nhưng thực lòng thì tôi không hiểu sau khi chính quyền yêu cầu công an điều tra mà truy tìm được hung thủ thì định xử tội gì?

Cũng theo bài viết trên Zing thì luật sư Phan Minh, Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định là "Với hành vi cụ thể đánh chết hải cẩu ở Bình Thuận, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm" dựa theo điều 190 Bộ luật Hình sự là "Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã, quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm" (cách trích dẫn luật này là không cập nhật đến sửa đổi vào năm 2009). Ông Phan Minh cũng không quên dẫn theo Thông tư 40 ban hành ngày 5.9.2013 của Bộ NN&PTNT đã quy định nghiêm cấm giết hại các loài hải cẩu nhỏ để củng cố quan điểm của mình.

Nhưng cách vận dụng luật như Zing trích lời ông Phan Minh khiến người ta phải thắc mắc. Và nếu dựa trên các văn bản luật hiện giờ thì Công an huyện Tuy Phong có bắt được hung thủ sát hại hải cẩu thì cũng chẳng biết truy tố theo luật nào.

Điều 190 đã được sửa đổi vào năm 2009 là: "Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Cần chú ý ở điều 190 sửa đổi thì đã bỏ qua từ "hoang dã" và chặt chẽ thêm ở chỗ đã nói rõ trong "danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ". Tiếp đến khi dựa vào danh mục được trích trong phụ lục I về "Nghị định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ" được Chính phủ ban hành năm 2013 thì ta không hề thấy hải cẩu trong danh sách này.

Riêng về Thông tư 40 ban hành ngày 5.9.2013 của Bộ NN&PTNT mà ông Phan Minh nêu ra để nói về hải cẩu cũng chưa giải thích đầy đủ cho người đọc. Trong Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thì hải cẩu nằm ở phụ lục II tức là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng có thể dẫn đến tuyệt chủng, nếu việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại những loài này không được kiểm soát. Cũng trong Phụ lục II của danh sách trên thì còn có cả một số loài bọ hung, bọ cạp, ếch, đỉa, ốc sên nữa... chứ không phải riêng hải cẩu. Danh sách này không được dùng áp dụng trong điều 190 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Nói tóm lại, hành vi giết hại hải cẩu là đáng lên án nhưng đừng vận dụng luật thiếu chính xác để hù dọa. Chính quyền địa phương cũng nên tìm hiểu kỹ về luật trước khi chỉ đạo công an điều tra mà không cần biết luật quy định thế nào. Việc lãnh đạo huyện Tuy Phong sốt sắng tuyên bố chỉ đạo công an điều tra có vẻ như chỉ là cách để thể hiện vai trò của địa phương, để làm dịu dư luận. Nếu địa phương làm tốt công tác quản lý thì đáng lẽ ra họ phải có các biện pháp bảo vệ hải cẩu trước khi nó bị đánh chết.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải cẩu bị đánh chết, công an định điều tra ai?