Công ty cổ phần Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, Công ty cổ phần thương mại vận tải Anh Huy vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT Hải Phòng về quyết định sắp xếp các tuyến vận tải ở các bến xe.

Hải Phòng sắp xếp lại các tuyến vận tải, doanh nghiệp kêu khó

Lam Thanh | 23/12/2020, 17:18

Công ty cổ phần Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, Công ty cổ phần thương mại vận tải Anh Huy vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT Hải Phòng về quyết định sắp xếp các tuyến vận tải ở các bến xe.

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hải Phòng vừa ban hành quyết định số 1759/QĐ-SGTVT ngày 15.12.2020 về việc toàn bộ hoạt động khai thác các tuyến vận tải khách cố định từ bến xe Lạc Long, quận Hồng Bàng, Hải Phòng đi các bến xe Yên Nghĩa, Giáp Bát (Hà Nội) sẽ ngừng kể từ 0 giờ ngày 25.12.

ben-xe.jpg
Nhiều DN kiến nghị về việc bị chuyển bến - Ảnh: Internet

Cụ thể, các tuyến vận tải khách cố định đang hoạt động tại bến xe khách Lạc Long được sắp xếp điều chuyển đến bến xe khách Thượng Lý cũng trong quận Hồng Bàng theo các quyết định của TP. Hải Phòng và ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT tại văn bản số 8005/ BGTVT-VT ngày 26.8.2019 về việc thống nhất cập nhật, điều chỉnh danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến năm 2020.

Theo Sở này, việc sắp xếp hoạt động các tuyến vận tải khách từ bến xe Lạc Long về bến xe Thượng Lý nhằm tiếp tục hoạt động ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của hành khách; giữ nguyên các đơn vị đang khai thác tuyến, số lượng xe, số chuyến xe, tần suất hoạt động, giờ xe xuất bến; hành trình chạy xe được giữ nguyên và chỉ hủy bỏ hành trình chạy xe đoạn từ bến xe Lạc Long đến bến xe Thượng Lý.

Theo đó, tuyến bến xe Lạc Long đi bến xe Yên Nghĩa nay chuyển đổi thành tuyến bến xe Thượng Lý đi bến xe Yên Nghĩa với số chuyến hoạt động là 60 chuyến/ngày; trong đó, các đơn vị khai thác gồm Công ty cổ phần Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng 30 chuyến/ngày, Công ty cổ phần thương mại vận tải Anh Huy 30 chuyến/ngày.

Tuyến bến xe Lạc Long đi bến xe Giáp Bát nay chuyển đổi thành tuyến bến xe Thượng Lý đi bến xe Giáp Bát với số chuyến hoạt động 39 chuyến/ngày. Đơn vị khai thác là Công ty cổ phần Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng.

Thời gian thực hiện và hoàn thành phương án điều chuyển trong vòng 10 ngày, kể từ ngày 15.12.2020 cho đến hết ngày 24.12.2020.

Liên quan đến việc này, thông tin tới Một Thế Giới, Công ty cổ phần Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, Công ty cổ phần thương mại vận tải Anh Huy vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi UBND TP Hải Phòng, Sở GTVT Hải Phòng.

Theo các DN, căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, Nghị định 10/NĐ-CP, Thông tư 12/TT-BGTVT thì doanh nghiệp vận tải có quyền lựa chọn các phương án vận tải phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp và nhu cầu đi lại của người dân.

Do đó, việc Sở GTVT Hải Phòng áp đặt DN về hoạt động tại bến xe Thượng Lý chỉ trong vài ngày kể từ ngày ra quyết định sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, lượng khách tại bến xe Thượng Lý rất ít do vị trí nằm xa trung tâm so với bến xe Niệm Nghĩa và bến xe Lạc Long, không có hệ thống kết nối giao thông đồng bộ, xe trung chuyển từ nội thành ra bến xe. Bên cạnh đó, việc thu phí cao cũng là nguyên nhân dẫn đến các DN phải dừng hoạt động nhiều.

Hiện cũng có công ty TNHH Bus Hải Phòng do không đủ lượng khách hoạt động đã phải cắt giảm gần 50% số chuyến đã đăng ký hoạt động. Gần 200 chuyến xe được điều chuyển từ bến xe Lạc Long về bến xe Thượng Lý cũng do không có khách nê DN cũng xin hoạt động trên 70% số chuyến do không hiệu quả.

Do đó, DN này cho rằng việc Sở GTVT Hải Phòng áp đặt doanh nghiệp về hoạt động tại bến xe Thượng Lý chỉ sau 3 ngày để thực hiện việc điều chuyển là không thể thực hiện được. Lý do là hệ thống hoạt động điều hành của DN từ các phòng, ban nghiệp vụ, gần 100 phương tiện và 200 người lao động không thể trở tay kịp và đặc biệt không có thời gian thông báo rộng rãi cho hành khách biết luồng tuyến hoạt động mới.

Hơn nữa, vừa qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên hoạt động kinh doanh vận tải của công ty cũng như các DN nói chung bị tê liệt, hoạt động cầm chừng. Mặc dù DN và người lao động đều thuộc diện hỗ trợ của Nhà nước nhưng cho đến nay DN vẫn hoàn toàn chủ động nguồn tài chính để duy trì hoạt động, trả lương cho lao động mà chưa có bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước.

Theo các DN, hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát nhưng doanh thu từ hoạt động vận tải vẫn giảm sút nghiêm trọng, DN luôn phải bù lỗ.

Do vậy, nếu phải chuyển tuyến ngay lúc này thì công ty chúng tôi phải phát sinh thêm chi phí rất lớn, trong khi mức phí xe ra vào bến và các chi phí khác tại bến xe Thượng Lý cao gần gấp đôi bến xe Lạc Long. Việc này sẽ tiếp tục kéo theo tình hình tài chính của công ty rơi vào khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ phá sản lớn.

Do đó, DN này kiến nghị Sở GTVT gia hạn thêm giời gian di chuyển các tuyến xe đang hoạt động tại bến xe khách Lạc Long; cho phép DN lựa chọn bến xe có khả năng tiếp nhận chuyến xe phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

DN này cũng cam kết sẽ di chuyển hoạt động vận tải trong vòng 15 ngày nếu thành phố có quyết định dừng hoạt động bến xe Lạc Long.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải Phòng sắp xếp lại các tuyến vận tải, doanh nghiệp kêu khó