Lãnh đạo Cục Hải quan Bình Định cho biết dù có sai phạm liên quan đến việc gây khó dễ cho doanh nghiệp và bị xử lý về mặt Đảng và chính quyền nhưng chưa điều chuyển Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn vì ông này mới lên chức.
Nhiều sai phạm, tự ý thông quan?
Như Một Thế Giới đã có bài phản ánh, cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn (HQCK cảng Quy Nhơn) có nhiều sai phạm khi làm thủ tục thông quan lô hàng dây hàn MIG Metallic của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tuệ Mẫn (13 đường số 9, KP5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, TP.HCM) vào tháng 8.2016.
>> Bình Định: Doanh nghiệp đòi Hải quan bồi thường lô hàng bị 'giam' 5 tháng
Cụ thể, theo trình bày của bà Trần Thị Lệ Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tuệ Mẫn, ngày 1.8.2016, công ty này có nhập về lô hàng trên tại cảng Quy Nhơn. Lô hàng được phân luồng vàng, theo nguyên tắc phải thông quan trong vòng 2 giờ. “Từ ngày 2 đến 3.8.2016, hải quan cảng Quy Nhơn tự ý mở container hàng của chúng tôi nói là xem hàng rồi sẽ thông quan nhưng hải quan không làm điều đó mà tự ý lấy cả cuộn dây hàng về chi cục kiểm tra, đến ngày 4.8.2016 mới đem bỏ lại rồi niêm phong hải quan và trả hồ sơ hải quan”, bà Thanh cho biết.
Ngoài ra, trong suốt quá trình này có rất nhiều biểu hiện sai phạm mà bà Thanh sau đó đã 2 lần khiếu nại lên Chi cục HQCKcảng Quy Nhơn và Cục Hải quan tỉnh Bình Định. Kết quả, theo quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 do ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định ký thì đã công nhận 6/9 nội dung khiếu nại của bà Trần Thị Lệ Thanh đối với Chi cục HQCKcảng Quy Nhơn là đúng. Có 2/9 nội dung đúng một phần và 1 nội dung sai hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Định thì đơn vị đã xử lý kỷ luật 3 cán bộ gồm ông Bùi Xuân Bắc, Chi cục trưởng; ông Phạm Đức Long, Đội trưởng Đội thủ tục và bà Nguyễn Lê Tuyết, công chức Chi cục. Theo đó, ông Bắc và ông Long bị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và chính quyền. Ông Long bị mất chức đội trưởng và chuyển về phòng Tham mưu của Cục Hải quan Bình Định. Bà Nguyễn Lê Tuyết cũng bị điều chuyển về phòng Tham mưu.
“Sau khi kết luận (chi cục) sai rồi, chúng tôi chỉ đạo anh em nhanh chóng thông quan trên hệ thống điện tử, chỉ đạo Chi cục trưởng gửi công văn thông báo và nhắn tin cho doanh nghiệp nhưng đến giờ doanh nghiệp vẫn chưa ra lấy hàng”, ông Thịnh cho hay.
Trả lời về việc này, bà Trần Thị Lệ Thanh cho hay, sau khi hải quan Bình Định có nhiều sai phạm và tự ý mở hàng nên công ty đã tiến hành khiếu nại đến các đơn vị liên quan. “Sau khi tôi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Cục Hải quan Bình Định thì Chi cục HQCK cảng Quy Nhơn tự ý thông quan cho lô hàng nhập khẩu của công ty tôi nhưng tôi không hề hay biết”.
Bà Thanh cho rằng, giữa doanh nghiệp và đơn vị hải quan đang trong quá trình khiếu nại khiếu kiện thì việc thông quan phải được thông báo cho doanh nghiệp nhưng HQCK cảng Quy Nhơn đã tự thông quan rồi sau đó mới gửi công văn thông báo và nhắn tin qua điện thoại cho bà.
“Theo quy trình của hải quan là hàng hóa được khai báo trên hệ thống điện tử và được thông quan tự động theo phân luồng nhưng ông Bắc lại làm ngược lại là tự động thông quan hàng hóa của doanh nghiệp; điều đáng nói nữa là tự động thông quan hàng hóa khi không có ý kiến của doanh nghiệp như vậy có đúng không?”, bà Thanh đặt câu hỏi.
Chưa điều chuyển vì mới lên chức!
Dù có 6/9 khiếu nại của doanh nghiệp đối với những sai phạm của Chi cục HQCK cảng Quy Nhơn được Cục Hải quan Bình Định thừa nhận đúng hoàn toàn và đã tiến hành kỷ luật, điều chuyển công tác 2 cán bộ cấp dưới nhưng ông Bùi Xuân Bắc, Chi cục trưởng vẫn được ngồi yên ghế.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Thịnh cho hay: “Về công tác cán bộ đã xửlý rồi, Đảng đã xử lý, chính quyền cũng xử lý và luân chuyển cán bộ. Riêng đồng chí Chi cục trưởng chưa luân chuyển bởi lẽ bản thân đồng chí đó mới lên (ông Bắc nhậm chức Chi cục trưởng Chi cục HQCK cảng Quy Nhơn từ tháng 6.2016)”.
Ông Thịnh cũng không quên than phiền rằng: “Thực ra mà nói thì đã làm rất nghiêm túc nhưng không hiểu sao sự việclàm xong mà giờ vẫn quan tâm đến công tác xử lý cán bộ”.
Về việc doanh nghiệp đòi hải quan bồi thường giá trị mặt hàng, ông Thịnh nói: “Bây giờ hàng đã thông quan, chúng tôi đã trực tiếp xin lỗi doanh nghiệp và trực tiếp thông quan rồi. Nhưngdoanh nghiệp đòi bồi thường thì phải theo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước. Doanh nghiệp phải có đơn, trong đơn thống kê thiệt hại rồi gửi các cơ quan thụ lý, trong vòng 20 ngày thì các cơ quan có trách nhiệm giải quyết; rồi 2 bên thương lượng, nếu không được thì sẽ giải quyết các bước tiếp theo”.
Trong khi đó, theo công văn hỏa tốc số 378 của Tổng cục Hải quan gửi cho công ty Tuệ Mẫn ngày 18.1.2017 về việc yêu cầu đền bù thiệt hại, giải quyết hàng hóa nhập khẩu và xem xét việc làm của lãnh đạo Chi cục HQCK cảng Quy Nhơn thì khẳng định trường hợp xem xét bồi thường thiệt hại của công ty (nếu có) thuộc trách nhiệm của Cục Hải quan Bình Định.
Tuy nhiên, trong quyết định giải quyết đơn khiếu nại lần 2 của Cục Hải quan Bình Định lại chỉ ghi chung chung là "việc xem xét bồi thường thiệt hại (nếu có) cho Công ty TNHHSX-TM-DV Tuệ Mẫn được thực hiện theo quy định của pháp luật"chứ không nêu ra chủ thể nào phải đứng ra giải quyết.
Bà Trần Thị Lệ Thanh cho hay, từ sau quyết định giải quyết khiếu nại lần 2, không thấy Cục Hải quan Bình Định gọi bà lên hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc đền bù, bồi thường. “Công ty chúng tôi đến nay bị kinh doanh trì trệ, phải bồi thường thiệt hại cho đối tác khi không thực hiện đúng hợp đồng, tiền lãi ngân hàng phát sinh kéo dài mà ông Bắc chỉ nói ông làm sai và chấp nhận bồi thường phần lưu kho, lưu bãi. Bây giờ tôi cũng không biết cách giải quyết của Cục Hải quan Bình Định như thế nào đối với lô hàng của công ty”, bà Thanh nói.
Như vậy, liệu có chăng việc hải quan Bình Định chưa xử lý nghiêm túc cán bộ chỉ vì Chi cục trưởng mới lên chức? Và liệu hải quan không tiến hành xử lý đền bù, bồi thường giá trị hàng hóa cho doanh nghiệp sau khi làm ách tắc công việc kinh doanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bởi nhiều vi phạm có đúng?
Lê Đình Dũng