Ngày 8.9.2020, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức tọa đàm với chủ đề 75 năm thành lập Hải quan Việt Nam (10.9.1945-10.9.2020) “Vì mục tiêu bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”.
Buổi làm việc được chia làm hai phiên, phiên một với chủ đề “Bảo vệ lợi ích chủ quyền, an ninh, an toàn cộng đồng”, phiên hai: “Cải cách hiện đại hoá mạnh mẽ , tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại”.
Nội dung thảo luận và trao đổi xoay quanh tiến trình cải cách, hiện đại hoá Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Những dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực cải cách thể chế, cải đổi mới trong ứng dụng công nghệ, các kết quả đấu tranh, kịp thời phát hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng,
Tại phiên thứ nhất, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn điểm lại các dấu mốc, các sự kiện quan trọng trong lịch sử 75 năm xây dựng, phát triển của Hải quan Việt Nam. Nổi bật trên lĩnh vực đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng, những năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây (2015-2019), ngành Hải quan đã lập được nhiều chiến công, khẳng định được vai trò chủ công, trụ cột trên mặt trận chống buôn lậu.
Nội dung thu hút được sự quan tâm tại Tọa đàm là những chia sẻ thú vị của Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn và các diễn giả về những gian khó, vất vả trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, đặc biệt qua các vụ án điển hình với trị giá hàng vi phạm lên đến cả trăm tỷ đồng.
Cũng liên quan đến những hiểm nguy khi triệt phá tội phạm ma túy,Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng chia sẻ về quá trình trực tiếp chỉ đạo thực hiện thành công chuyên án M918 (tháng 5.2019), triệt phá đường dây vận chuyển trái phép ma tuý, thu giữ 500 kg ketamine.
“Chuyên án thành công sau khi trải qua 6 tháng thu thập chứng cứ, đeo bám vất vả, căng thẳng, theo sát việc vận chuyển hàng hóa từ khi mới nhập khẩu. Cùng với sự phối hợp, phân công công việc rất khoa học để vừa phân tích tình hình, vừa theo dõi sát được động thái của các đối tượng, đặc biệt khi các đối tượng thường xuyên thay đổi phương tiện, khách sạn, kho hàng…
Chuyên án thể hiện sự thống nhất cao giữa lãnh đạo cơ quan Hải quan và cơ quan Công an trong việc đánh giá chứng cứ tang vật, thông tin, hàng hóa, lộ trình... phá án. Đây là vụ án điển hình, tiêu biểu nhất, lớn nhất của sự phối hợp giữa Cục Hải quan TP.HCM và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04). Về nguy hiểm khi thực hiện Chuyên án, tôi nghĩ cả quá trình theo dõi, theo sát việc vận chuyển hàng hóa hay kiểm tra xác minh kho hàng đều nguy hiểm tới cá nhân của những người tham gia. Nhưng cao trào nhất là ngày họp bàn với lực lượng Công an về phương án bắt giữ đối tượng. Đó là khi quyết định việc tham gia đánh án ngoài địa bàn hoạt động, hàng loạt vấn đề đặt ra là cơ sở pháp lý, là trang thiết bị bảo vệ an toàn cho cán bộ chiến sỹ... Khi đó với màu cờ sắc áo, với sự quyết tâm, tôi trực tiếp báo cáo xin ý kiến của đồng chí Tổng cục trưởng để tham gia đánh án cùng các lực lượng chức năng”- ôngĐinh Ngọc Thắng chia sẻ.
Tại phiên thứ hai, các diễn giả thảo luận, trao đổi về tiến trình cải cách, hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, với những dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực cải cách thể chế; cải cách đổi mới ứng dụng trong công nghệ; bài học kinh nghiệm trong triển khai tại địa phương, những đóng góp của đội ngũ cán bộ công chức.
Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, Hải quan Việt Nam đã có sự phát triển, trưởng thành về mọi mặt. Trong suốt chặng đường phát triển đã qua, đặc biệt từ những năm 1980 của thế kỷ trước khi đất nước bước vào tiến trình hội nhập quốc tế, 2 nhiệm vụ quan trọng, 2 trục “xương sống” của ngành Hải quan là tạo thuận lợi thương mại và chống buôn lậu, đảm bảo an ninh, an toàn cộng đồng.
Buổi toạ đàm góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công chức, người lao động ngành hải quan, nỗ lực thi đua, đoàn kết, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sụ quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ tài chính, các bộ ngành, địa phương và sự tin cậy của nhân dân cả nước.
HQ