Diễn viên chia sẻ nét dịu dàng của nhân vật Lệ Sa Sa trong phim điện ảnh về người chuyển giới mới đúng bản chất thật của anh.
Vai của anh trong phim "Lô tô" vừa ra mắt của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nhận phản hồi tích cực từ khán giả. Cảm xúc của anh ra sao?
Vai Lệ Sa Sa là cơ hội để tôi khẳng định thực lực trong nghề. Trước đó, không ai tin tôi diễn được vai chuyển giới này, ngay cả thầy Hữu Châu (đóng vai chính Lệ Liễu trong Lô tô) cũng có chút nghi ngờ. Điều đó trở thành động lực cho tôi phải cố gắng hóa thân vào nhân vật.
Ngày trước, mỗi khi được khen, tôi thường vui đến không ngủ được. Nhưng giờ, tôi vui có chừng mực thôi. Tôi hài lòng vì mọi người công nhận nỗ lực của mình. Tuy nhiên, tôi ý thức phải trau dồi bản thân nhiều hơn nữa chứ không phải được khen thì lơ là rồi diễn tệ đi.
Làm thế nào anh lột tả được vẻ dịu dàng của nhân vật này?
Khi diễn vai Lệ Sa Sa, tôi không gặp trở ngại trong việc nhập vai do tôi vốn quen đóng vai giả gái. Giờ, ở đoàn phim hay trên sân khấu kịch, mọi người đều nghĩ tôi là con gái rồi (cười).
Điều khó khăn nhất là tôi dám lôi ra tính cách thật - thứ mình chôn giấu bấy lâu - để diễn xuất. Sự đằm thắm của Lệ Sa Sa chính là bản tính của tôi ngoài đời. Nhiều năm nay, tôi giấu phần tính cách đó vào bên trong và khoác "áo giáp" mạnh mẽ ở ngoài. Tôi luôn tâm niệm, sống ở Sài Gòn, lăn lộn trong giới showbiz thì phải có lớp vỏ xù xì để chống lại các tác nhân gây hại cho mình.
Khả năng giả gái của tôi bắt đầu từ những ngày còn hành nghề trang điểm. Tôi tự xem các đoạn phim trên Youtube để học hỏi. Do không có tiền mướn người mẫu, tôi mày mò làm trên mặt mình và dần quen với việc trang điểm mặt nữ. Theo tôi, điều quan trọng nhất khi giả gái là phải thật sự tin mình là nữ. Dù có hóa trang, mặc đồ xấu, nếu thật sự tin mình là con gái vẫn diễn được.
Anh gọi nghệ sĩ Hoài Linh là bố, vậy anh chịu ảnh hưởng thế nào từ danh hài?
Bố Hoài Linh là một trong số ít người tôi noi gương để hành nghề và tồn tại trong giới showbiz. Nghệ sĩ Hoài Linh chỉ dạy tôi nhiều "chiêu" trang điểm để ngoại hình toát lên chất nữ tùy theo từng nhân vật. Còn về lối diễn, tôi không chỉ chịu ảnh hưởng từ Hoài Linh mà còn nhiều người khác nữa. Thấy ai có nét diễn hay, tôi đều ghi nhớ và vận dụng cho mình. Người nghệ sĩ thu thập vốn sống từ cuộc đời, nhưng phải biến nó thành nét riêng, không bắt chước rập khuôn người khác.
Hình ảnh của anh hiện bị đóng khung với vai nữ, điều này gây áp lực gì cho anh?
Thành công với dạng vai này khiến tôi vừa mừng vừa sợ bởi khi lớn tuổi hơn tôi sẽ khó nhận tiếp các vai giả gái. Vì vậy, tôi đang thay đổi dần để đa dạng phong cách hơn. Ngày xưa tôi đóng toàn vai giả gái tưng tửng. Đến phim Lô tô là bước chuyển nhẹ, cũng là vai giả gái nhưng dịu dàng hơn.
Một bước ngoặt khác là phim Thằng ròm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy. Tôi đóng vai đàn ông hoàn toàn, không đả động gì đến giới tính. Nhân vật của tôi là một gã chuyên đi dụ người dân giao đất để nhận tiền bồi thường. Không có cảnh quay nào là tôi không bị quần chúng mắng chửi và rượt đánh. Vai diễn này khác hẳn hình tượng từ trước đến nay. Trong lúc diễn xuất, tôi phải nói giọng trầm chứ không giữ tông cao như ngoài đời.
Ngoài ra, tôi thích vai tâm lý hoặc kẻ tâm thần phân liệt, hai mặt. Tôi hứng thú với mẫu nhân vật có số phận đau đớn hơn cả bà Lệ Liễu - nhân vật chính trong Lô tô. Thông thường trong phim Việt, nhân vật dù có bất hạnh, đến cuối hay được giúp đỡ hoặc kết phim để lửng không giải quyết. Còn nước ngoài có nhiều phim rất nghiệt ngã, kết thúc không có hậu. Nhân vật đầy bi kịch, đến khi có tia hy vọng le lói thì cũng bị dập tắt luôn. Tôi nghĩ khán giả thích sự chân thật, đi đến tận cùng cảm xúc như thế.
Anh đến với nghề diễn hài như thế nào?
Tôi từng định học ngành bào chế thuốc, nhưng bỏ qua dự định đó để theo nghiệp diễn. Bố mẹ cũng không phản ứng gì nhiều vì lúc đó tôi học kém lắm (cười). Sau này, gia đình cũng không phàn nàn gì việc tôi giả gái trên màn ảnh vì biết đó chỉ là nghề nghiệp.
Niềm cảm hứng nghệ thuật đến với tôi từ những băng video cũ những tiểu phẩm hài của Vân Sơn, Hoài Linh. Vô tình trong nhóm bạn học chung trường có hai người đăng ký trường Sân khấu Điện ảnh, nên tôi cũng lên Sài Gòn thi theo họ. Lúc mới lên thành phố, tôi gặp vô vàn khó khăn. Tôi không có tiền bạc, công việc bấp bênh, rồi thi rớt, phải chật vật kiếm sống.
Thời điểm tệ nhất - khiến tôi cảm thấy “chạm đáy” - là khoảng năm 2011. Tôi không có nhà ở và phải trải qua một đêm ngủ vạ vật ngoài công viên. Sau đó, tôi làm tiếp tân ở quán bar, có vài bạn thấy tội nghiệp nên cho ở nhờ. Rồi tôi ở ghép với một người bạn chung trường và đi học lại. Tôi bắt đầu với những buổi diễn nhỏ trong trường, cố gắng bám trụ theo các phim, sân khấu và dần dần khá lên. Trải nghiệm những ngày “trôi sông lạc chợ” giúp tôi nhiều trong việc thể hiện nhân vật chuyển giới ở phim mới.
Theo Ân Nguyễn (VNExpress)