Xét xử trực tuyến và trợ lý ảo cho thẩm phán là 2 ứng dụng công nghệ nổi bật đã được ngành tòa án triển khai trong thời gian qua.
Khoa học - công nghệ

Hai ứng dụng công nghệ nổi bật, đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành tòa án

Nhã Thanh 04/12/2023 06:05

Xét xử trực tuyến và trợ lý ảo cho thẩm phán là 2 ứng dụng công nghệ nổi bật đã được ngành tòa án triển khai trong thời gian qua.

Cũng như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, thời gian qua, ngành tòa án đã và đang tiếp tục công cuộc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các phiên tòa xét xử, cũng như hỗ trợ trực tiếp cho các thẩm phán trong quá trình nghiên cứu tài liệu…

Xét xử trực tuyến giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án

Theo tìm hiểu và quan sát của PV, phiên tòa trực tuyến (xét xử trực tuyến) là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định.

Điều này vẫn bảo đảm phiên tòa diễn ra có đầy đủ hình ảnh, âm thanh; vẫn được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa công khai.

chanh-an-nguyen-ba-thang.jpeg
Thẩm phán Nguyễn Bá Thắng, Chánh án TAND huyện Thanh Oai - Ảnh: N.A

Theo Thẩm phán Nguyễn Bá Thắng - Chánh án TAND huyện Thanh Oai (TP.Hà Nội), xét xử trực tuyến là một hình thức cụ thể hóa khái niệm “chuyển đổi số” trong hoạt động của hệ thống tòa án. TAND huyện Thanh Oai đã tăng cường tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến đối với những vụ án đơn giản, nhằm tạo cơ hội cho các thẩm phán và các cán bộ tòa án có thể từng bước tiếp cận, ứng dụng CNTT vào trong hoạt động xét xử.

Để có thể đảm bảo cho việc xét xử trực tuyến được hiệu quả, Chánh án Nguyễn Bá Thắng nêu rõ: “Đường truyền cùng đội ngũ nhân sự CNTT là yếu tố then chốt. Việc đảm bảo phiên tòa xét xử trực tuyến được diễn ra tốt đẹp nhất cần phải có đội ngũ CNTT am hiểu rõ về lĩnh vực này, như vậy mới phát huy được hết hiệu quả và đảm bảo chất lượng của phiên tòa”.

Tuy nhiên, theo Chánh án TAND huyện Thanh Oai, đơn vị chưa được trang bị phòng xét xử trực tuyến vì trang thiết bị chưa đảm bảo. Mỗi khi có phiên tòa xét xử trực tuyến, đơn vị đều phải mượn phòng xét xử trực tuyến của TAND TP.Hà Nội. Đây là một khó khăn khá lớn đối với các thẩm phán và cả đơn vị.

Qua một thời gian đi vào triển khai cũng như có nhiều phiên toà xét xử trực tuyến được thực hiện, Chánh án Nguyễn Bá Thắng nhận thấy việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của tòa án, tạo đòn bẩy cho quá trình giải quyết vụ việc, vụ án được nhanh chóng, thuận lợi hơn, đáp ứng đầy đủ quyền công dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân.

Đặc biệt, điều này cũng tạo điều kiện cho tòa án có thể linh hoạt trong hoạt động xét xử, đẩy nhanh quá trình giải quyết vụ án mà vẫn đảm bảo được chất lượng giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

toa-an-se-su-dung-phan-mem-tro-ly-ao-cho-tham-phan.jpg
Ứng dụng trợ lý ảo - Ảnh: Internet

Bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, xét xử trực tuyến vẫn còn điểm bất cập. Theo ông Thắng, tại Việt Nam, hình thức xét xử trực tuyến còn khá mới mẻ, việc bố trí phòng xét xử, các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các tòa án, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ.

Ngoài ra, vị chánh án còn cho biết việc am hiểu để lựa chọn những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản vẫn còn tùy thuộc vào nhận thức và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi thẩm phán.

Ông Thắng phân tích rằng một vụ án đơn giản tưởng chừng có thể đưa ra xét xử bằng hình thức trực tuyến, song những thông tin, tài liệu trong hồ sơ vụ án lại không hề đơn giản và nó trở thành một rào cản để quyết định xét xử trực tiếp hay trực tuyến…

Cần thiết nâng cấp phần mềm trợ lý ảo

Cũng là một giải pháp về CNTT được ứng dụng cho ngành tòa án, “trợ lý ảo” được coi là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các thẩm phán, công chức tòa án trong công tác quản lý nghiệp vụ, giải quyết vụ án; cung cấp nhiều văn bản pháp luật, các tình huống pháp lý… mang tính tổng thể.

Theo Thẩm phán Tạ Duy Ước - Chánh tòa Dân sự (TAND tỉnh Quảng Ninh), các thẩm phán đều đã có kiến thức cơ bản về CNTT nên việc tiếp cận sử dụng phần mềm được tất cả thẩm phán khai thác, sử dụng phục vụ trong công tác xét xử, áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, hạ tầng mạng còn có những hạn chế về đường truyền, chưa được xây dựng đầy đủ tại các phòng xét xử, đặc biệt ở một số vùng miền núi, hải đảo…

Tuy nhiên, ông Ước nhận thấy ngay từ khi phần mềm trợ lý ảo được đưa vào hoạt động, 100% thẩm phán đã tham gia bình luận, đóng góp các tình huống pháp lý vào phần mềm này và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử, quản lý nghiệp vụ trong năm 2022 và 2023.

Trong giai đoạn 2023-2030, để đáp ứng nhu cầu quản lý nghiệp vụ, tra cứu, cũng như tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cao cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho cán bộ, thẩm phán có đầy đủ các điều kiện tốt nhất để khai thác trợ lý ảo ở tất cả các giai đoạn giải quyết vụ án, tiếp tục nâng cao kỹ năng khai thác, sử dụng trợ lý ảo có hiệu quả…

tp-ta-duy-uoc.jpeg
Thẩm phán Tạ Duy Ước, Chánh tòa Dân sự (TAND tỉnh Quảng Ninh) - Ảnh: N.A

Qua một thời gian sử dụng, theo ông Ước, phần mềm này đã giúp thẩm phán và cán bộ tòa án nâng cao nhận thức pháp luật, tạo ra những kỹ năng trong thao tác nghiệp vụ, tìm kiếm quy định pháp luật, xử lý các tình huống thực tiễn được nhanh chóng, chuyên nghiệp, tiết kiệm nhiều thời gian, giải quyết các vụ án đúng hạn…

Ông Ước cũng cho biết với những giá trị, kết quả tích cực của phần mềm trợ lý ảo mang lại, qua 2 năm ứng dụng vào hoạt động thực tiễn quản lý hành chính tư pháp, công tác xét xử của tòa án hai cấp tỉnh Quảng Ninh nói riêng và hệ thống tòa án nói chung đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong hoạt động xét xử.

“Chúng ta cần thiết tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp phần mềm trợ lý ảo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xu thế phát triển của kỷ nguyên số trên thế giới, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ công lý, xây dựng tòa án điện tử trong những năm tới” - Thẩm phán Tạ Duy Ước nhấn mạnh.

Bài liên quan
Sóc Trăng triển khai kế hoạch thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi số
Ngày 29.11, tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức hội nghị thảo luận thực hiện các mô hình điểm nhằm đẩy mạnh việc triển khai đề án và giải pháp nâng cao tỉ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai ứng dụng công nghệ nổi bật, đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành tòa án