Chuyên gia cho rằng ESG phải là một trong những mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Khoa học - công nghệ

Đâu là mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp?

Thu Anh 19:03 02/12/2023

Chuyên gia cho rằng ESG phải là một trong những mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Theo báo cáo của tổ chức McKinsey and Company năm 2022, đã có 670 công ty trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặt mục tiêu, hoặc cam kết về giảm thiểu phát thải, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới về công nghệ xanh trong khu vực.

Tổ chức này ước tính thị trường có thể tiếp cận được của các cơ hội kinh doanh xanh tại châu Á sẽ lên đến 4 - 5 nghìn tỉ USD vào năm 2030.

Số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho thấy đến nay đã có ít nhất 39 quốc gia đang thực hiện hoặc đã lên kế hoạch cho các quy định về mức phát thải carbon trong hoạt động kinh doanh và sản xuất, trong đó có nhiều nước hiện là đối tác kinh doanh lớn của Việt Nam.

img_9964.jpg
Các chuyên gia chia sẻ tại Vietnam Innovation Summit - Ảnh: BTC

Tại sự kiện Vietnam Innovation Summit, ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc logistics của Lazada Việt Nam cho rằng ESG (tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị) phải là một trong những mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Ông Thịnh nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đòi hỏi sự phát triển tương ứng của số lượng các phương tiện vận tải, gây ra áp lực khổng lồ lên giao thông và môi trường.

Theo báo cáo do PwC công bố ngày 29.8 vừa qua, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93% và mức trung bình của doanh nghiệp Việt là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch triển khai ESG. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết đang và sẽ ở giai đoạn lập kế hoạch trong 2 - 4 năm tới.

Liên quan đến những thách thức trong việc áp dụng tiêu chí ESG trong đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Giang - Trưởng bộ phận Bền vững của thương hiệu giày dép “quốc dân” Biti's cho rằng đa số công ty chưa có đủ năng lực để thực hiện đo đạc và báo cáo các tác động kinh doanh theo tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị.

Theo bà Giang, cần có sự hợp tác, cộng hưởng mạnh mẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp để đạt các mục tiêu bền vững của quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.

dsc00257.jpg
Quang cảnh sự kiện - Ảnh: BTC

Chia sẻ về kinh nghiệm tại Biti’s, bà Giang cho biết công ty đặt yếu tố con người làm trọng tâm trong mô hình 3P của phát triển bền vững (people - con người, profit - lợi nhuận, planet - hành tinh).

Cụ thể, công ty đưa ra quy tắc 3H (head - đầu, heart - trái tim, hand - bàn tay), nghĩa là đảm bảo mỗi thành viên trong tổ chức hiểu đúng về tác động của doanh nghiệp tới môi trường và nền kinh tế; thiết lập một môi trường làm việc hạnh phúc để khuyến khích mọi người yêu thương, kết nối và bảo vệ môi trường.

"Cuối cùng là đưa các tiêu chí ESG vào mọi chiến lược của doanh nghiệp để mọi người chung tay thực hiện", đại diện Biti’s nói.

Bà Trần Hương Giang - Trưởng phòng thử nghiệm Accelerator Lab tại Việt Nam trong Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) cho biết xe máy chiếm 92% tổng các phương tiện giao thông đường bộ được sử dụng ở Việt Nam. Với số lượng khoảng 60 triệu xe máy lăn bánh trên đường, loại phương tiện này đang phát thải lên đến 42 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Trong lĩnh vực giao vận, theo một thử nghiệm của UNDP tại Thừa Thiên-Huế, bà Hương Giang cho rằng dù xe điện mang lại kết quả cao hơn về kinh tế và môi trường, người giao hàng vẫn lo ngại về chi phí đầu tư mua xe và các vấn đề liên quan đến hiệu suất của pin, tốc độ và sức mạnh của xe.

Chia sẻ về khó khăn này đối với các doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Anh - nhà sáng lập và CEO của Ecotruck cho biết câu chuyện “lợi nhuận” vẫn là một bài toán khó khi doanh nghiệp cân nhắc các yếu tố, như chi phí đầu tư xe điện ban đầu, thời gian chờ sạc bị lãng phí, hay bài toán về hiệu suất và trọng lượng pin trên xe ảnh hưởng tới khối lượng hàng hóa có thể được giao...

Bài liên quan
TP.HCM luôn đồng hành với cộng đồng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo
Đó là lời khẳng định được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu tại chương trình Dấu ấn Techfest - Whise năm 2023 tổ chức chiều 25.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đâu là mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp?