Với lý do khó khăn về nguồn kinh phí để vận hành hầm Hải Vân 1, công ty Đèo Cả đã gửi công văn đề nghị Bộ GTVT bố trí tiền trước ngày 5.11.2018. Ngoài việc vận động Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế tác động, công ty Đèo Cả cũng ‘dọa’ sẽ trả hầm Đèo Cả và Hải Vân cho Bộ GTVT vì cho rằng bộ này vi phạm hợp đồng.
>> Kiểm đếm được 321 vết nứt trong hầm Hải Vân
Ngày 18.10.2018, ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Đèo Cả đã ký công văn gửi Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ đề nghị bố trí kinh phí đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân.
‘Dọa’ trả hầm
Theo đó, công ty này cho rằngvớiphương án tài chính được Bộ GTVT phê duyệt ngày 5.10.2016, dự kiến trạm thu phí nam Hải Vân sẽ được thu phí kể từ ngày 1.1.2017 để phục vụ công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1. Phần còn lại sẽ được hoàn vốn cho hạng mục sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1A qua đèo Hải Vân.
“Tuy nhiên, do vướng mắc với trạm thu phí Phú Gia - Phước Tượng (trạm bắc Hải Vân) cách vị trí trạm thu nam Hải Vân khoảng 12km dẫn tới trạm thu phí nam Hải Vân không thể thu phí được”.
“Cùng với việc không được thu phí hoàn vốn tại trạm thu phí nam Hải Vân, Bộ GTVT lại tiếp tục đề xuất không thu phí tại trạm thu phí La Sơn - Túy Loan”.
“Như vậy, đến nay về cơ bản chi phí đầu tư xây dựng hầm Hải Vân chưa đảm bảo nguồn hoàn vốn”, công văn của công ty Đèo Cả cho hay.
Công ty CP đầu tư Đèo Cả cho rằng việc Bộ GTVT không cho đặt trạm thu phí phía nam hầm Hải Vân khiến công tykhông có nguồn thu để vận hành hầm.
Qua trao đổi, ông Thủy cho rằng: “Hiện nay, với các khó khăn vướng mắc kéo dài tại dự án mặc dù đã được bộ GTVT xác nhận thực trạng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên quá trình giải quyết chưa xác định có kết quả cụ thể. Tình trạng hiện nay với phương án tài chính của dự án đang mất cân đối nghiêm trọng, nhà đầu tư không thể đảm bảo duy trì được nguồn kinh phí cho công tác vận hành hầm Hải Vân 1.Đồng thời, do không có nguồn thu để chi trả theo kế hoạch dẫn đến việc vi phạm hợp đồng tín dụng và gây ra nguy cơ nợ xấu dẫn đến việc ngân hàng Viettinbank dừng giải ngân tại hạng mục hầm Hải Vân 2”.
Nội dung công văn tiếp tụccho biếtphía công ty quản lý hầm Hải Vân đã có nhiều công văn đề nghị thanh toán tiền điện và Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đã có văn bản gửi Cục quản lý đường bộ 3 xem xét cấp kinh phí hoạt động để công ty Hamadeco (đang quản lý và khai thác đường hầm Hải Vân)thanh toán tiền điện, phục vụ quản lý vận hành đường hầm Hải Vân liên tục, an toàn thông suốt.Công ty CP đầu tư Đèo Cả đề nghị Bộ GTVT ‘bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến QL1A qua đèo Hải Vân từ ngày 5.11.2018’.
“Trường hợp Bộ GTVT không đảm bảo được nguồn kinh phí, để xảy ra việc cắt điện, công nhân vận hành đình công, nhà thầu dừng thực hiện công tác quản lý vận hành… dẫn đến gián đoạn và không đảm bảo an toàn của việc lưu thông qua hầm Hải Vân 1 từ thời điểm sau ngày 5.11.2018 trở đi, Bộ GTVT hoàn toàn chịu trách nhiệm”, công văn của Đèo Cả nhấn mạnh.
Đồng thời, công ty Đèo Cả cũng cho biết: “Hiện nay Bộ GTVT đang vi phạm hợp đồng dự án số 26/HĐXD-DEOCA, phụ lục hợp đồng số 04.HHD.BOT-BVTGT, phụ lục hợp đồng số 12/HĐ.BOT-BGTVT kéo theo việc vi phạm hợp đồng tín dụng giữa nhà đầu tư với ngân hàng Viettinbank.Do đó, buộc nhà đầu tư sẽ xem xét đến phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT tiếp nhận lại dự án Đèo Cả, Hải Vân để vận hành khai thác phần đã hoàn thành, tránh dự án phải ngừng thu phí dẫn đến việc đóng hầm gây mất an toàn giao thông cho người dân, hoặc đưa vụ việc ra giải quyết theo thủ tục tư pháp tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền”.
Đề nghị Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế tác động Bộ GTVT
Ngày 26.10.2018, ông Lưu Xuân Thủy tiếp tục ký 2 công văn gửi tới UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ‘đề nghị hỗ trợ đảm bảo công tác quản lý vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân’.
‘Kể khổ’ với các địa phương, công văn công ty Đèo Cả cho hay: “Theo cam kết của Bộ GTVT, công ty CP đầu tư Đèo Cả sẽ được thu phí tại trạm thu phí nam Hải Vân từ ngày 1.1.2017 để hoàn vốn cho kinh phí ứng trước (từ tháng 11.2015 đến tháng 1.2017) và đảm bảo nguồn duy trì công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và đường QL1A qua đèo các năm tiếp theo”.
“Trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn hẹp, từ tháng 11.2015, nhà đầu tư ứng vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng tại ngân hàng Viettinbank để thực hiện đến hết năm 2016 hơn 88 tỉ đồng.
Ngoài việc 'dọa' trả hầm, công ty Đèo Cả có công văn gửi Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế vận động tác động lên Bộ GTVT.
Đến nay, sau 3 năm nhà đầu tư đã ứng vốn cho công tác trên với kinh phí hơn 300 tỉ đồng. Việc này đang gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, gây mất cân đối về tài chính dẫn đến không duy trì được nguồn kinh phí để đảm bảo liên tục công việc này, có thể làm gián đoạn lưu thông qua hầm Hải Vân, gây mất an toàn giao thông, gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của đời sống xã hội và nhân dân”.
Do đó, công ty CP đầu tư Đèo Cả đã đề nghị UBND TP.Đà Nẵng và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ ‘có ý kiến với Bộ GTVT về việc bố trí vốn đảm bảo kinh phí để duy trì liên tục công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân’.
“Trong trường hợp vì các lý do khách quan như bị điện lực cắt điện, người lao động đình công… làm gián đoạn việc thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân 1 và tuyến đường QL1A qua đèo Hải Vân dẫn đến mất an toàn giao thông, đề nghị UBND TP.Đà Nẵng phối hợp và hỗ trợ công ty trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh đảm bảo công tác điều tiết giao thông khu vực hầm được an toàn, thông suốt”.
Hầm Hải Vân với chiều dài 6,28km là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, xuyên qua đèo Hải Vân, nằm trên quốc lộ 1A nối liền tỉnh Thừa Thiên - Huế với thành phố Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Hầm khởi công xây dựng vào ngày 27.8.2000 và được khánh thành vào ngày 5.6.2005. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án hầm đường bộ Hải Vân là 127.357.000 USD.
Sau gần 5 năm xây dựng, công trình hầm đường bộ Hải Vân đã hoàn thành với đường hầm chính dài gần 6,3km, hầm phụ chạy song song dài gần 6,3km, hầm thông gió dài 1,9km, 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng với 15 hầm ngang, tạo thành một hệ thống đường hầm hoàn chỉnh có tổng chiều dài khoảng 15,1km.
Theo báo cáo của đơn vị vận hành hầm Hải Vân, mỗi ngày đêm trung bình có hơn 10.000 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân. Trong dịp lễ, tết lưu lượng xe gia tăng đột biến lên 14.000-15.000 lượt xe /ngày đêm
Từ ngày 1.1.2016, dự án được bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả quản lý vận hành.
Dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2 được Bộ GTVT phê duyệt năm 2016, gồm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân (hiện đã hoàn thành nghiệm thu). Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe; mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe.
Hiện tại, hầm Hải Vân 2 đã đào và gia cố được hơn 1,9km đầu phía bắc; đầu phía nam đã đào và gia cố được hơn 1,4km. Biện pháp thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 được sử dụng là nổ mìn.