Theo kết quả đo đạc của và căn cứ vào độ tuổi cùng khung xương, Viện Khoa học TDTT Việt Nam kết luận đội tuyển U.19 Việt Nam gần như không còn cơ hội để tăng chiều cao. Chiều cao trung bình của Tuyển U.19 Việt Nam hiện chỉ vào khoảng 1,69m – một thông số khá thất vọng.
Cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG “còi” hơi nơi khác!
Cuộc đo đạc các chỉ số cơ thể của Tuyển U.19 Việt Nam được thực hiện sau giải Tứ hùng TP.HCM do các chuyên gia dinh dưỡng, bác sỹ thực hiện và được gửi cho Viện Khoa học TDTT đánh giá. Độ tuổi của 23 cầu thủ U.19 Việt Nam hầu hết đều là 19 tuổi với năm sinh 1995 (18 người), một số ít còn lại sinh năm 1996 (4 người) và 1997 (1 người).
Bảng chiều cao-cân nặng của Tuyển U.19 VN được thực hiện sau giải Tứ hùng TP.HCM vào đầu tháng 1.2014. |
Trong số 23 cầu thủ U.19 Việt Nam, số cầu thủ có chiều cao 1,70m đổ lại chiếm số lượng khá lớn, đến 12 người, trong đó có những gương mặt nổi bật như Công Phượng (1,685m), Đông Triều (1,70m), Văn Toàn (1,68m), Thanh Hậu (1,685m), Tiến Hoài (1,62m)…
Số cầu thủ có vóc dáng nổi trội lại rơi vào ba thủ môn là Nguyễn Trung Thủ (1,82m), Lê Văn Trường (1,78m), Phí Minh Long (1,79m). Cầu thủ đá ở tuyến trên có chiều cao tốt nhất là Hoàng Văn Khánh (1,79m) của SLNA, người bị HLV Guillaume Graechen loại vì phạm lỗi thô bạo ở Cúp Tứ hùng.
Lương Xuân Trường - cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG có chiều cao tốt nhất: 1,77m. |
Một điều khá ngạc nhiên là cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG dù được chăm chút từ độ tuổi 12-13 với các bữa ăn đầy đủ và được cung cấp sữa, yaourt hằng ngày nhưng lại có thể hình “còi” hơn các cầu thủ ở nơi khác. Trong cuộc khảo sát dinh dưỡng mới nhất do Nutifood kết hợp với Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã tiến hành đo đạc tại trung tâm Hàm Rồng vào giữa tháng 2.2014, theo bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp – GĐ TT Dinh dưỡng đánh giá: “Khảo sát 78 em thì 100% các em có chiều cao dưới chuẩn trung bình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có ba em suy dinh dưỡng, thấp còi”.
Kết quả khảo sát này quả thật khá "buồn lòng" với những người quan tâm, yêu mến lò đào tạo “gà nòi” của bầu Đức.
Bị giới hạn bởi “gien”
Ngoài một số nguyên nhân về việc ăn uống, nghỉ ngơi chưa thật khoa học, hợp lý, chiều cao của các cầu thủ U.19 Việt Nam cũng như Học viện HA.GL Arsenal JMG nói riêng bị giới hạn bởi chiều cao chung của người Việt. Theo khảo sát mới được công bố của Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ là 1,644m (năm 2010), dự tính trong năm 2013 chỉ vào khoảng 1,65m.
Dù được chăm sóc tốt nhưng các cầu thủ Học viện HAGL Arsenal JMG vẫn không vượt qua hạn chế "gien" chiều cao của người Việt (Ảnh: báo TT&VH) |
Hạn chế về chiều cao của các cầu thủ U.19 Việt Nam hay Học viện HAGL Arsenal JMG về mặt nào đó có thể gây thất vọng nhưng không nằm ngoài quy luật chung về chiều cao bình quân người Việt Nam mà vẫn quen được gọi là “do gien”.
Cải thiện “gien” là quá trình rất lâu dài, mất hàng thập kỷ với nhiều yếu tố tác động. Người Nhật trước năm 1945 chiều cao trung bình nam giới chỉ vào khoảng 1,59m, được cho thấp hơn chiều cao trung bình của nam giới miền Bắc Việt Nam cùng thời điểm là 1,60m.
Hiện nay chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản là 1,714m. Chiều cao nam giới Hàn Quốc thậm chí đã đạt 1,74cm – xấp xỉ chiều cao trung bình của người Pháp (1,744m). Ở khu vực ĐNÁ, chiều cao trung bình của nam giới Singapore là 1,71m và Thái Lan là 1,69m.
Sỡ dĩ có sự chênh lệch lớn như vậy vì theo tính toán và thống kê, các nước châu Á nói chung, mất khoảng 10 năm để tăng được 3cm chiều cao, trong khi Việt Nam thì 10 năm chỉ cao thêm được… 1cm.
Thể hình kém, thể trạng cũng không nổi trội
Thông thường, chiều cao của cầu thủ bóng đá hơn chiều cao bình quân của người dân từ 5-8cm. Ví dụ, chiều cao của ĐTQG Nhật Bản dự World Cup 2010 là 1,788m – tức hơn 6cm với chiều cao trung bình của nam giới Nhật).
Hàn Quốc là đội tuyển có thể hình, thể lực tốt nhất châu Á với chiều cao trung bình 1,82m |
Thể hình thấp bé dẫn đến hạn chế về không chiến, tranh chấp, va chạm cơ bắp dù cầu thủ nhỏ con thường nhanh nhẹn, lắt léo và giữ thăng bằng tốt hơn. Các cầu thủ Tây có chiều cao hạn chế nhưng bù lại thể trạng của họ về sức bền, độ dẻo dai, tốc độ và linh hoạt lại không kém các cầu thủ cao to hơn. Có thể lấy ví dụ điển hình về các cầu thủ Barca như Messi, Iniesta, Xavi, Fabregas hay Philipp Lahm, Franck Ribery, Mario Gotze của Bayer Munich. Tuy nhiên, các cầu thủ nhỏ con như vẫn cần đứng chung với các cầu thủ cao to hơn trong đội hình để bổ khuyết ưu-nhược điểm cho nhau.
Làm thế nào để U.19 Việt Nam vượt qua giới hạn về thể hình-thể trạng? Lời giải đáp vẫn ở thì tương lai (ảnh: Dân Trí). |
Với ĐT U.19 Việt Nam và Học viện HAGL ArsenL JMG, bên cạnh hạn chế về chiều cao thì thể trạng của cầu thủ cũng không tốt, nhất là sức bền, độ va đập cơ bắp. Không cần so sánh ở giải Tứ hùng TPHCM với các cầu thủ “Tây” của U.19 Tottenham, U.19 AS Roma hay U.19 Nhật Bản mà ngay ở trận Chung kết giải U.19 ĐNÁ thì U.19 Việt Nam đã đuối hơn U.19 Indonesia về sức bền lẫn sức mạnh.
Không phải bi quan nhưng rõ ràng hạn chế về thể hình, thể trạng chính là “gót Achilles” của U.19 Việt Nam và Học viện HAGL Arsenal JMG. Để vượt qua giới hạn này, có lẽ cần đến một nỗ lực phi thường trong tập luyện, thi đấu cũng như sự vượt trội về yếu tố kỹ-chiến thuật của từng cá nhân cũng như tập thể đội bóng.
Đăng Khoa
Ảnh đại diện: Tuyển U.19 Việt Nam tại Pleiku (ảnh: Minh Vỹ)