Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard cho biết, đến năm 2030, Việt Nam sẽ tới 15.700 ca tử vong sớm do ô nhiễm nhiệt điện than.

Hàng chục nghìn người Việt sẽ chết vì ô nhiễm khí than

Theo VOV | 29/07/2017, 10:30

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard cho biết, đến năm 2030, Việt Nam sẽ tới 15.700 ca tử vong sớm do ô nhiễm nhiệt điện than.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard về gánh nặng bệnh tật do nhiệt điện than đã ước tính rằng số ca tử vong sớm ở Việt Nam do ô nhiễm nhiệt điện than sẽ tăng từ 4.300 ca (năm 2011) lên 15.700 ca vào năm 2030.

Đây là những thông tin được đưa ra tại buổi hội thảo “Ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khoẻ cộng đồng” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) – Tổ chức điều phối liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Trung tâm Sáng tạo Xanh (GreenID) – Tổ chức điều phối Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp tổ chức sáng 28.7, tại Hà Nội.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người trong đó trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất về sức khoẻ. Các nguồn ô nhiễm không khí liên tục tăng trong thời gian qua. Ô nhiễm có thể xuất phát từ các nhà máy sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng, phương tiện giao thông và đặc biệt là nguồn ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện chạy than. Hiện nay, vẫn chưa có số liệu chính xác xác định được đâu là nguyên nhân hàng đầu.

Tuy nhiên, trong một dự án thí điểm ở Hà Nam (8.2016 - 7.2017), nhóm khảo sát đã tiến hành khám lâm sàng cho 54 trẻ em dưới 5 tuổi và 69 người trên 65 tuổi ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm. Địa điểm này được biết nằm cách Nhà máy Nhiệt điện than Ninh Bình 14km về phía Tây Nam, có nhiều nhà máy sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng khác.

Qua kết quả khám lâm sàng cho thấy 70% số người trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh hô hấp hoặc tim mạch. Tỷ lệ bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em tương đương nhóm trẻ em bị phơi nhiễm ở khu vực ô nhiễm nặng trong các nghiên cứu quốc tế khác.

Thậm chí, ThS.BS Nguyễn Trọng An – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, chuyên gia về Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em chia sẻ: “Một xã đô thị hạng 5 ở tỉnh Hà Nam 1 năm có tới 79 người chết, từ già đến trẻ, mà có tới 39 người chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư phổi”.

Năm 2011, ở Việt Nam có thêm 4.300 người chết do ô nhiệm nhiệt điện than (Báo cáo của nhóm nghiên cứu Đại học Harvard). Có thể thấy, lượng khói thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than có liên quan đến hàng ngàn cái chết ở Việt Nam, chưa kể những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng đất, mùa màng. Nhưng điều đáng nói là hiện nay, số lượng các nhà máy nhiệt điện lại đang tăng lên rất nhanh.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm 41 nhà máy nhiệt điện than. Nếu các dự án nhiệt điện này đều được đưa vào vận hành thì số người “chết yểu” ở Việt Nam có thể tăng lên đến 25.000 người mỗi năm, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do sự suy giảm sức khoẻ của người dân.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân - Ảnh: Việt Quốc

Gần đây dư luận cả nước đang rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và nhà máy nhiệt điện Duyên Hải. Trong quá trình vận hành, khói bụi từ hai nhà máy này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất. Tới đây, ở khu vực ĐBSCL sẽ có 14 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng. Khi đó, những nguy cơ chúng ta phải đối mặt là rất lớn.

Ông Trần Đình Sính – Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cho biết, khi các nhà máy được xây dựng sẽ được lắp bộ lọc tĩnh điện. Những bộ lọc này có thể lọc được tới hơn 99% lượng khói thải. Tuy nhiên, một kết quả khảo sát cũng gây “giật mình” với chính nhóm nghiên cứu.

“Khi tìm hiểu một nhà máy đang vận hành, nhà máy này có khả năng lọc tới 99,75% và chỉ có 0,25% lượng khí thải thoát ra ngoài. Nhưng một nhà máy 1.200MW trong một ngày đêm thải ra ngoài tới 7,7 tấn bụi, vậy nếu xây dựng thêm 41 nhà máy nữa thì lượng khói sẽ thải ra không khí bao nhiêu?”

Khi Quy hoạch điện Điện VII được phê duyệt, có rất nhiều ý kiến đưa ra tại sao không phát triển điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời. Trả lời cho câu hỏi này, ông Đình cho biết: điện gió, điện mặt trời chi phí quá lớn, chưa kể mặt trời chỉ chiếu 12h/ngày và không phải lúc nào cũng có gió lớn, nếu không có điện dự trữ rất dễ dẫn đến tình trạng cắt điện khi thời tiết không thuận lợi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để phát triển điện hạt nhân. Đây là những lý do để phát triển nhiệt điện than.

GS.TS Lê Vũ Anh

Tuy nhiên, GS.TS Lê Vũ Anh – Nguyên hiệu trưởng trường ĐH Y tế Công cộng cho rằng nếu tính cả chi phí sức khoẻ, y tế, môi trường thì giá nhiệt điện than không hề rẻ. Chưa kể sắp tới Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than từ Indonesia và Úc, dự kiến nhập khẩu tới 85 triệu tấn/năm vào năm 2030. Chưa nói đến vấn đề an ninh năng lượng, nếu không khống chế được chất lượng than thì ảnh hưởng đến sức khoẻ vô cùng lớn.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đều cho rằng cần phải xem xét đến chất lượng không khí và đánh giá những tác động đến sức khoẻ khi quy hoạch các nhà máy nhiệt điên than. Các nhà máy nên công khai mức khí thải của nhà máy ở từng thời điểm để đánh giá tác động. Các nhà máy cũng cần lắp đặt các thiết bị quản lý, lọc thải tốt hơn. Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách và chương trình liên ngành (y tế, giao thông, công nghiệp, năng lượng, quy hoạch và phát triển đô thị) dài hạn nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí và cải thiện sức khoẻ người dân.

Hải Yến - VOV
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
9 phút trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng chục nghìn người Việt sẽ chết vì ô nhiễm khí than