Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang & Cộng sự cho rằng việc để cho hàng nghìn container phế liệu có dấu hiệu sai phạm được nhập khẩu về Việt Nam là rất nghiêm trọng và rất có thể nó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Hàng nghìn container tồn đọng: Luật đã đủ, vướng ở khâu thực thi

01/11/2018, 11:38

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang & Cộng sự cho rằng việc để cho hàng nghìn container phế liệu có dấu hiệu sai phạm được nhập khẩu về Việt Nam là rất nghiêm trọng và rất có thể nó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Hàng nghìn container ùn ứ tại cảng - Ảnh: Internet

2 tháng là dẹp được container tồn đọng tại cảng?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) đề cập đến tình trạng nhập phế liệu khi vừa qua, hàng trăm container chứa rác thải không có người đến nhận tại các cảng trong cả nước biến nước ta có nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới.

“Cử tri đặt ra là lỗ hổng nào để xảy ra tình trạng này? Do pháp luật quy định chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ hay do công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, trách nhiệm chính thuộc về ai”, bà Lan nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam có nhu cầu cho sản xuất thì cần phải nhập một số phế liệu và luật đã quy định cụ thể danh mục được nhập khẩu, tức là hành lang pháp lý chúng ta có đầy đủ.

“Ở đây nếu có một lỗ hổng thì chính là chưa kiểm soát được trước khi hàng hóa vào lãnh thổ chúng ta và chúng ta chưa có một cơ chế để các cơ quan gác cổng phối hợp với các cơ quan quản lý để kiểm soát nó trước khi vào nước ta”, Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận ngay cả khi đã có chỉ thị của Thủ tướng không cho vào thì thực tế số container vẫn tăng lên, nhưng giải quyết vấn đề này không khó.

Hiện nay lưu trên 1.400 trong đó có đến 58% là số container không có giấy tờ hợp pháp, không đủ điều kiện. Đó là container nhập lậu mà hiện nay đang nói chưa có chủ nhưng chắc chắn là có chủ. Vừa rồi Bộ Công an đã chọn ra một số đối tượng để truy nã về tội nhập lậu và đã xử lý.

“Việc chúng ta kiểm soát không cho vào là trong tầm tay, còn việc xử lý tồn đọng thì những người có giấy tờ đầy đủ nếu không đáp ứng yêu cầu thì họ phải bỏ tiền ra để tái xuất. Còn 58% nhập lậu sẽ yêu cầu một là công an điều tra, hai là đã nhập lậu không có giấy tờ thì thực hiện các biện pháp để xử lý. Trong đó không chỉ phế liệu mà có cả rác nên cần áp dụng theo đây không phải là hàng hóa nữa mà nó là chất thải. Có thể cho doanh nghiệp đấu giá để xử lý”, ông Hà nói.

Bộ trưởng Bộ TN-MT - Ảnh chụp màn hình

Cũng theo Bộ trưởng, việc xử lý này nhà nước không phải bỏ một đồng nào vì trong đó vẫn có hàng hóa, có phế liệu và các doanh nghiệp đó có quyền sử dụng. Hàng hóa đó sẽ được bán đấu giá, một phần bù đắp lại cho nhà nước, một phần để xử lý chất thải. Nếu vậy, chỉ trong 2 tháng là hoàn toàn giải phóng được cảng.

Về lâu dài, Bộ đã tính toán đến việc trước khi các lô hàng này vào nước ta, sẽ yêu cầu các tổ chức độc lập để kiểm tra. Phía Bộ đã có nghiên cứu kỹ và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để có thể hoàn toàn giám định được.

“Hiện nay, có hiện tượng trong khi các lô hàng đang chất lên rất nhiều nhưng chúng ta đang tiến hành một số biện pháp không phải theo pháp luật mà bằng văn bản hành chính nên có tình trạng trùng chéo trong giám định. Nếu ai giám định không đúng theo quy định sẽ bị xử lý, nhưng không thể 1 doanh nghiệp cùng lúc có 2 cơ quan giám định”, ông Hà nói.

Luật đã đủ, vướng ở khâu thực thi

Theo Luật sư Vũ Văn Thiệu, Hãng luật Incip, tình trạng tồn đọng phế liệu ở các cảng biển có rất nhiều nguyên nhân như chủ hàng không đến làm thủ tục thông quan do thiếu giấy tờ hoặc giấy giả mạo, nên không thể làm thủ tục; địa chỉ kinh doanh của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không đúng thực tế (địa chỉ ma)...

Thậm chí, có hãng tàu khai trong tờ khai E-Manifest không có phế liệu, nhưng khi bốc dỡ container lên cảng mới khai có phế liệu; nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường.

Một lý do quan trọng khác, là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa, từ ngoài biên giới. Chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sẳp xêp lên bờ, làm thủ tục thông quan, mới kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng bị động phải đối phó với những chủ tàu.

Luật sư này cho rằng hiện nay chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ hàng, chủ tàu vận tải biển trong vận chuyển phế liệu. Bên cạnh đó, giấy phép nhập khẩu phế liệu cũng chưa được quy định là điều kiện bắt buộc trong các hợp đồng giao dịch giữa doanh nghiệp nhập khẩu, chủ tàu và nhà xuất khẩu nước ngoài.

Cùng với đó, còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác siết chặt việc nhập khẩu phế liệu: Bằng công văn số 3738/TCHQ-GSQL, hải quan chỉ định duy nhất Cục Kiểm định hải quan hoặc Chi cục Kiểm định hải quan, mới được phép giám định phế liệu nhập khẩu.

Ông Thiệu cho rằng đây là một động thái nhằm siết chặt việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam nhưng vô hình trung cũng khiến cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp khó khăn vì ngay cả những danh mục hàng hóa không thuộc diện bị cấm nhập khẩu cũng bị gom chung một giỏ là “rác”, khiến doanh nghiệp bị thiếu nguyên liệu.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng khung pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta liên quan đến vấn đề này khá đầy đủ.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Ảnh: CafeF

“Không ai có thể đổ lỗi cho khoảng trống của pháp luật được mà nguyên nhân của sự việc hoàn toàn nằm ở khâu thi hành pháp luật. Việc để cho tới 6000 container phế liệu có dâu hiệu sai phạm được nhập khẩu về Việt Nam là rất nghiêm trọng và rất có thể nó chỉ là phần nổi của tảng băng”, ông Lập nói.

Theo luật sư này, điều này cho thấy cả trách nhiệm quản lý lẫn sự giám sát thực thi pháp luật về môi trường của tất các các cơ quan chức năng có liên quan đều không đạt yêu cầu hoặc kém hiệu lực và hiệu quả.

“Nhập khẩu phế liệu được coi là hoạt động có tính nhạy cảm cao đối với nền kinh tế, do đó nó được kiểm soát nghiêm ngặt và đặc biệt ở tất cả các quốc gia mà không liên quan gì đến quyền tự do kinh doanh hay tự do thương mại. Do đó, theo tôi, khi sự vụ xảy ra, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các cơ quan quản lý của nhà nước, sau đó mới là doanh nghiệp và các bên liên quan”, ông Lập nói.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng nghìn container tồn đọng: Luật đã đủ, vướng ở khâu thực thi