Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đang có hiện tượng cài cắm một số “nhân sự” vào doanh nghiệp để thôn tính và chính chỗ này có khả năng lại xuất hiện một số Vũ Nhôm khác.

Lo có thêm nhiều Vũ Nhôm trong cổ phần hóa

27/10/2018, 16:04

Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng cho biết, đang có hiện tượng cài cắm một số “nhân sự” vào doanh nghiệp để thôn tính và chính chỗ này có khả năng lại xuất hiện một số Vũ Nhôm khác.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ảnh: VPQH

Phát biểu tại nghị trường sáng 27.10, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề cập đến việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ của ngành công thương.

Theo ông Nhưỡng, ví dụ như nhà máy Đình Vũ, nguyên liệu đầu vào và đầu ra đều đến từ thị trường miền Nam, trong khi nhà máy ở miền Bắc. Vì vậy, cứ 1 tấn sản phẩm phải mất 1 triệu đồng tiền công vận chuyển, dẫn đến khấu hao 1 năm mất 550 tỉ đồng trong khi bình thường chỉ là 370 tỉ đồng.

Hay với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương đã có chỉ đạo, bản thân doanh nghiệp cũng muốn cổ phần hoá để có tiền đầu tư giai đoạn mới. Thành phố Thái Nguyên cũng có ý kiến nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam vẫn để đấy. Điều này khiến cho nhà nước, doanh nghiệp, người lao động đều thiệt hại.

Ông Nhưỡng cho rằng tất cả những dự án của doanh nghiệp nhà nước, nếu dự án nào không thực hiện được thì đề nghị cho phá sản, còn dự án nào nếu cổ phần hóa được, thoái vốn được, bán được, cho thuê được phải cho làm ngay. Như vậy để tránh thất thoát tiền của Nhà nước.

“Có dư luận cho rằng, việc để các dự án chậm triển khai là khả năng có hiện tượng để đấy cho giảm bớt các khấu hao vô hình và hữu hình, để người ta mua lại các tài sản của Nhà nước. Khi đó chỉ có Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và người dân thiệt. Tôi đề nghị phải xem xét lại vấn đề này”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu này cho biết, hiện có hiện tượng cài cắm một số “nhân sự” vào doanh nghiệp để thôn tính. Chỗ này có khả năng lại xuất hiện một số Vũ Nhôm khác. Đề nghị các cơ quan phải vào cuộc kiểm tra, xem xét.

Nêu giải pháp, ông Nhưỡng đề nghị cần hoàn thiện ngay thể chế để “bịt” các lỗ hổng, đặc biệt các lỗ hổng cổ phần hóa để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Bên cạnh đó là tăng cường thanh tra, kiểm toán, kiểm tra và tăng cường hoạt động tư pháp.

“Những vụ như vụ Thuận Phong hay vụ dệt Long An, tôi đề nghị cơ quan điều tra, kiểm sát phải khẩn trương vào cuộc, làm hết trách nhiệm của mình để trả lời cho cử tri biết những vấn đề cử tri nêu lên hơn 1 năm nay mà chúng ta chưa giải đáp được”, ông Nhưỡng nêu.

Nói về 12 dự án thua lỗ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo lộ trình, năm 2018 và 2019 sẽ xử lý tương đối toàn diện, triệt để những vấn đề tồn tại để chấm dứt vào năm 2020.

Có các nguyên tắc lớn cần đảm bảo khi xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ, đó là các dự án này phải được triển khai giải quyết các tồn tại trong khuôn khổ của luật pháp.

Bên cạnh đó là việc đảm bảo đúng các nguyên tắc của thị trường và không có câu chuyện trợ cấp từ ngân sách; đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư các doanh nghiệp; đảm bảo nguyên tắc hội nhập quốc tế.

Theo Bộ trưởng thì đến nay, tiến độ đảm bảo và cơ bản đạt được một số kết quả tương đối tích cực. Với 6 dự án, nhà máy phải dừng kinh doanh vì nợ thì nay đã có 2 dự án có hiệu quả là không còn bị lỗ, có thể xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ. Đưa ra khỏi danh sách không phải để lấy thành tích mà để tạo điều kiện cho các dự án này hòa nhập vào đời sống cộng đồng kinh tế.

Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), nhìn vào bức tranh kinh tế tổng thể của nước ta thì niềm tin đang được khơi dậy, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh bảo đảm, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, đầu tư trong và ngoài nước được mở rộng, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp thì đó là một kỳ tích.

Tuy nhiên, ông Lộc vẫn còn một số băn khoăn như về tăng trưởng, qua các báo cáo, tôi thấy dường như chúng ta hơi quá lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế trong những năm tới.

“Việc đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5-7% cho cả giai đoạn 2016-2020, theo tôi vẫn là thách thức rất lớn. Nền kinh tế của chúng ta đang có những tác động rất nhạy cảm từ bên ngoài”, ông Lộc nói.

Cụ thể, ông Lộc cho rằng nền kinh tế của Việt Nam hiện có độ mở cao và rất nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tiền tệ, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ tiếp tục leo thang, liệu Việt Nam có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10% hằng năm cho 2 năm tới? Và liệu các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài có tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, trong khi cả xuất khẩu và đầu tư FDI đang là các động lực chính của tăng trưởng?

Về vấn đề lạm phát, trong khi có vẻ lạc quan về tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ dường như thiếu tự tin về mục tiêu kiềm chế lạm phát. Trong 3 năm qua, đặc biệt là 2018, chúng ta vẫn giữ vững lạm phát dưới 4%. Đó là một trong những thành tựu quan trọng.

“Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy kinh tế phát triển cao hơn, bền vững hơn. Vậy tại sao chúng ta lại không kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%?”, ông Lộc cho hay.

Lam Thanh

Bài liên quan
Khởi tố, bắt tạm giam Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà
Thông tin trên được Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sáng 22.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
13 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lo có thêm nhiều Vũ Nhôm trong cổ phần hóa