"Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2024" là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá hình ảnh hạt muối và mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối chất lượng cao. Từ đó, nghề muối nâng cao giá trị hạt muối, giúp cho đời sống diêm dân được cải thiện.
Chất lượng cao nhưng giá trị còn thấp
Nghề làm muối ở Bạc Liêu hình thành cách đây khoảng 100 năm, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng người làm muối ở địa phương vẫn kiên trì bám trụ để phát triển. Và hạt muối của Bạc Liêu được đánh giá là có vị ngon hơn so với nhiều nơi khác. Tuy nhiên, giá trị hạt muối vẫn chưa được đề cao, điệp khúc được mùa mất giá vẫn còn tái diễn và người làm muối ở Bạc Liêu vẫn chưa giàu lên từ nghề truyền thống này.
Một cán bộ công tác ở huyện Đông Hải đánh giá, muối Bạc Liêu nói chung, đặc biệt là muối Đông Hải nói riêng được đánh giá có chất lượng cao nhất nước, được người dân trong cả nước ưa chuộng. Thực tế cho thấy, khi khách đến huyện Đông Hải đều có nhu cầu mua muối làm quà tặng. Tuy nhiên, đời sống người dân làm muối của địa phương hiện gặp nhiều khó khăn, một số hộ có xu hướng chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập.
Theo cán bộ này, nguyên nhân chính là hạt muối sau khi thu hoạch chỉ bán nguyên liệu thô, giá trị thấp, phụ thuộc lớn vào thời tiết. Vào mùa mưa đất gần như để trống nên thu nhập của bà con diêm dân gần như là không có. Vì vậy, để hạn chế việc diêm dân bỏ nghề, UBND tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều văn bản tuyên truyền, định hướng bà con cố gắng gìn giữ lại nghề sản xuất muối truyền thống.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, giá trị hạt muối truyền thống của Bạc Liêu hiện nay chưa đảm bảo cho đời sống của diêm dân đã gắn bó với nghề qua nhiều thế hệ. Qua thống kê và đánh giá nhiều năm, nghề muối là nghề có thu nhập bấp bênh và thấp nhất trong tất cả nghề của ngành nông nghiệp. Trong sản xuất thì nghề này lệ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, khi thu hoạch thì giá bán phụ thuộc phần nhiều vào thương lái.
“Có năm giá bán thấp hơn giá thành sản xuất, đối với mô hình sản xuất truyền thống thì chi phí sản xuất dao động từ 23 - 38 triệu đồng/ha, lợi nhuận mỗi năm nhiều nhất khoảng 18 triệu đồng/ha, có năm lỗ từ 5 - 10 triệu đồng/ha. Riêng mô hình sản xuất muối trải bạt đạt năng suất từ 28 - 102 tấn/ha, chi phí sản xuất dao động từ 55 - 67 triệu đồng/ha, lợi nhuận mỗi năm nhiều nhất 44 triệu đồng/ha.
Với thực trạng đó, diện tích sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu có chiều hướng giảm dần (trước năm 2000, diện tích trên 3.000ha; đến năm 2024 diện tích giảm hơn một nửa, còn hơn 1.419 ha). Do đó, nếu không có sự quan tâm kịp thời từ trung ương, địa phương thì nghề truyền thống ở Bạc Liêu sẽ tiếp tục giảm, ảnh hưởng đến an ninh muối của tỉnh cũng như cả nước”, ông Thiều cho biết.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua Bộ NN-PTNT luôn hỗ trợ đã giúp tỉnh tháo gỡ được phần nào khó khăn, vướng mắc của vùng sản xuất muối ở huyện Đông Hải (vùng sản xuất chủ yếu của tỉnh), nhất là dự án cơ sở hạ tầng vùng muối được bộ đầu tư. Đồng thời, Bạc Liêu sẽ tổ chức Festival muối quy mô toàn quốc vào cuối năm 2024. Đây là cơ hội để địa phương giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại cho thương hiệu muối của tỉnh với các địa phương trong cả nước và khách quốc tế; góp phần tìm kiếm đầu ra ổn định và bền vững; từ đó giúp diêm dân nâng cao thu nhập và duy trì được nghề truyền thống. Tuy nhiên, về giải pháp căn cơ để bảo tồn và phát triển nghề làm muối truyền thống, tỉnh Bạc Liêu sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, lâu dài.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 6 hợp tác xã (HTX) diêm nghiệp với diện tích sản xuất khoảng 357ha (chiếm 24,4% diện tích toàn tỉnh). Do đó, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển và hình thành các HTX trên lĩnh vực diêm nghiệp, tạo vùng nguyên liệu sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm của 2 doanh nghiệp sản xuất muối trên địa bàn và thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất muối.
Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu sẽ tận dụng hiệu quả việc công nhận chỉ dẫn địa lý muối ăn Bạc Liêu và công nhận nghề sản xuất muối truyền thống là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm muối của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, tỉnh sẽ rà soát công nhận lại nghề sản xuất muối truyền thống gắn với các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; đồng thời lồng ghép các chương trình, chính sách khác hỗ trợ để giúp cho lĩnh vực diêm nghiệp vừa được bảo tồn vừa phát triển hiệu quả và bền vững. Trong đó, tỉnh có các chính sách về ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất; chính sách về chế biến và đa dạng các sản phẩm từ muối, nâng cao giá trị gia tăng cho hạt muối (thực phẩm, mỹ phẩm chế biến từ muối…).
Bằng mọi cách nâng cao giá trị hạt muối Bạc Liêu
Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, việc hỗ trợ diêm dân bảo tồn và phát triển nghề muối cần nhiều giải pháp đồng bộ và mang tính lâu dài, trong đó có chính sách tín dụng cho diêm dân để bà con đầu tư sản xuất bằng phương pháp trải bạt nhựa trên nền sân kết tinh giúp tăng sản lượng (bình quân sản lượng cao gấp đôi so với phương pháp truyền thống). Việc đổi mới này vừa giúp hạt muối trắng hơn, giá bán được cao hơn và lợi nhuận thu được tăng lên.
Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương hỗ trợ diêm dân tiếp cận chính sách tín dụng theo hình thức tín chấp, thế chấp và hưởng lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này đã gặp một số khó khăn nhất định, nhất là thủ tục. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh dù chấp nhận giải ngân theo hình thức tín chấp, nhưng người vay phải có tài sản đảm bảo, mà thực tế hiện nay đa phần diêm dân điều kiện khó khăn (sổ đỏ đất muối gần như đã được thế chấp trước đó) nên không đáp ứng được yêu cầu vay vốn để phát triển sản xuất.
Theo ngành NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, năm 2009, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã thực hiện tập huấn cho bà con diêm dân về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất muối và cho triển khai thử nghiệm mô hình sản xuất muối trải bạt trên sân kết tinh với diện tích 5ha tại huyện Đông Hải. Theo đánh giá, hiệu quả mang lại của mô hình này là rất lớn (năng suất cao hơn 40%, lợi nhuận tăng gấp đôi) nên mô hình đã được nhiều hộ làm muối trong địa bàn huyện Đông Hải mạnh dạn đầu tư sản xuất. Tính đến vụ mùa 2023-2024, diện tích muối sản xuất theo mô hình trải bạt trên sân kết tinh là 257ha (tăng 252ha so với năm 2009).
Để phát triển diện tích sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt trên nền sân kết tinh, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh vận động người dân thành lập các HTX sản xuất muối, kết hợp với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu muối trắng. Giải pháp này từng bước được diêm dân và doanh nghiệp triển khai hiệu quả. Hiện doanh nghiệp và diêm dân đã thống nhất ký hợp đồng trước với sản lượng, giá bán ngay đầu vụ và có điều khoản tăng-giảm theo giá thị trường.
Toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có 11 sản phẩm từ muối được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, có 8 sản phẩm được phân hạng 4 sao và 3 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm chủ lực là muối tinh, muối tôm, muối chay, muối hạt, muối ớt, muối tiêu…
Các sản phẩm chủ yếu được bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, các siêu thị lớn trong nước. Ngoài ra, Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu đã có một số sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia.
Theo kế hoạch, "Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu" năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28.12.2024.