Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, quy định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng.

'Hậu kiểm' đối với phim phổ biến trên không gian mạng

Lam Thanh | 29/03/2022, 15:03

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, quy định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng.

Sáng 29.3, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. Việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng.

phim-2.jpg
Hội nghị đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách

“Tiền kiểm” hay “hậu kiểm” việc phổ biến phim trên không gian mạng?

Về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21), theo Thường trực Ủy ban, phương án “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng là xu hướng chung trên thế giới, đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta, thống nhất trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, được đa số đại biểu quốc hội đồng tình. Do vậy, Thường trực Ủy ban tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu quốc hội, quy định thống nhất thực hiện “hậu kiểm” đối với phim phổ biến trên không gian mạng…

Liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, việc tiền kiểm hay hậu kiểm cần xuất phát từ bản chất của điện ảnh- đây là vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng.

Đại biểu nhấn mạnh, một tác phẩm điện ảnh như một phim đã được phát hành ra công chúng thì không thể thu lại từ tâm trí người xem, người tiếp nhận. Đặt yếu tố này trong bối cảnh thể chế, truyền thống văn hóa nước ta, thì việc học tập kinh nghiệm các quốc gia có thể chế chính trị khác cần hết sức cân nhắc, thận trọng.

Vì vậy, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động và bổ sung thêm cơ chế xử lý sau hậu kiểm để quốc hội xem xét, quyết định; bổ sung thêm nhiều thông tin trong báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này.

Ông Nghĩa cũng đề nghị xem xét bổ sung quy định phối hợp công tư trong quản lý phổ biến phim trên không gian mạng; kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm. Theo đó, cần bổ sung vào dự án luật quy định mang tính nguyên tắc, xác định các tiêu chí chung đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết các dấu hiệu mà một bộ phim có khả năng ảnh hưởng xấu đến chính trị, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Trên cơ sở đó, chủ thể phổ biến phim nếu xác định phim có dấu hiệu này phải gửi Hội đồng để phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng; các trường hợp khác, chủ thể phát hành phim tự quyết định phổ biến và chịu trách nhiệm.

Đồng thời, đại biểu này cũng cho rằng khoản 4 Điều 21 Dự thảo Luật quy định: Tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phổ biến phim trên không gian mạng vào Việt Nam có nghĩa vụ tương tự như tổ chức Việt Nam. Do đó, trường hợp Quốc hội quyết định hậu kiểm như tờ trình của Chính phủ thì cần tính đến yếu tố cạnh tranh của thị trường điện ảnh trong nước.

“Nên chăng cần có rào cản kỹ thuật đối với các tổ chức nước ngoài này. Mặt khác, cũng cần bổ sung quy định về cơ chế kiểm soát, xác định trách nhiệm đối với các chủ thể này chặt chẽ hơn so với các tổ chức trong nước”, ông Nghĩa nói.

phim-3.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13), đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ.

Theo đại biểu, Việt Nam mong muốn thu hút các nhà làm phim đến Việt Nam sử dụng các bối cảnh của Việt Nam để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, các quy định của Việt Nam làm quá chặt chẽ.

“Quan trọng tác phẩm đưa ra không vi phạm Điều 9 – những điều cấm của Luật Điện ảnh (sửa đổi) thì chúng ta hoàn toàn đồng ý việc các cảnh quay tại Việt Nam được xuất hiện trong phim còn không nhất thiết phải quy định các vấn đề khác,…”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị vấn đề cấp phép, phân loại phim cần rà soát đảm bảo thủ tục chặt chẽ nhưng linh hoạt, tránh rườm rà, mất thời gian.

Nghiên cứu 20 luật của các nước phát triển

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho rằng “chưa thấy sự gắn kết và mối tương quan giữa điện ảnh và phát triển kinh tế, nếu trong dự thảo chưa làm rõ vấn đề này, nếu quy định chung chung như hiện nay thì rất khó để đi vào thực tiễn cuộc sống vì vậy đề nghị ban soạn thảo quan tâm đầu tư thêm để có áp dụng trong thực tiễn…”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội và đặc biệt là sau phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với trách nhiệm là cơ quan soạn thảo, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra từng bước hoàn thiện dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

“Trong quá trình soạn thảo, cơ quan đã nghiên 20 luật của các nước phát triển khác nhau, đồng thời tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành Luật Điện ảnh để xem xét các vấn đề”, Bộ trưởng Nguyên Văn Hùng nêu rõ.

phim-4.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình các vấn đề đại biểu quốc hội nêu

Nhấn mạnh đây là bộ luật khó, có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, ông Hùng khẳng định sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu đối với 5 nhóm vấn đề đại biểu nêu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đảm bảo chất lượng trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: “Tinh thần chung là việc bổ sung các chính sách mới, đặc thù là cần thiết để tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy ngành điện ảnh, công nghiệp điện ảnh phát triển. Bên cạnh các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, việc bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh là rất quan trọng,..”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hậu kiểm' đối với phim phổ biến trên không gian mạng