Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng”

Lam Thanh | 28/03/2022, 17:35

Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản số 831/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc đổi tên Luật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Về bố cục, đối với mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở cần thiết kế thành một chương riêng. Trong đó phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình tự, thủ tục thực hiện và tương ứng là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ của người dân; các điều luật phải cụ thể, chi tiết, rõ cơ chế, cách thức bảo đảm thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

dccs.jpg
Tổng thư ký Quốc hội đã văn bản số 831/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định phạm vi “cơ sở” để thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan, tổ chức, đơn vị; ở tổ chức kinh tế có sử dụng lao động để thực hiện dân chủ.

Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính chất đặc thù, đề nghị làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc có điều chỉnh hay không điều chỉnh trong luật, nếu có thì điều chỉnh ở mức độ nào là phù hợp; nghiên cứu phương án Luật này quy định các nguyên tắc chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc thực hiện dân chủ trong mối quan hệ giữa cơ quan, tổ chức, đơn vị với công dân trong quá trình giải quyết công việc của người dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thiết kế nội dung thực hiện dân chủ ở tổ chức kinh tế có sử dụng lao động thành một chương riêng, trong đó có các quy định chung, quy định nguyên tắc, quy định đặc thù.

Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát, nội dung kiểm tra, giám sát, hiệu lực và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân; nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đồng thời bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác cũng như cơ chế bảo đảm để các tổ chức chính trị - xã hội này thực hiện vai trò làm nòng cốt. Theo đó, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo đúng chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.

Kết luận cũng yêu cầu bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Điều này nhằm bảo đảm yêu cầu phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; quyền hạn gắn với trách nhiệm, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng, lạm dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc chuyển các quy định về Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang quy định trong luật này. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các luật có liên quan quy định về các hình thức kiểm tra, giám sát có tính chất tự quản tương tự của nhân dân (như Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ tự quản...) để có quy định phù hợp trong dự thảo Luật và dẫn chiếu đến các luật có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, văn bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật, nghị định có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời; xác định rõ mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng luật này với các luật khác nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh trùng lặp hoặc mâu thuẫn, chồng chéo.

Thông báo kết luận cũng nêu rõ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm báo cáo, tham mưu giúp Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chính thức của dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp 3 (tháng 5.2022).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng”