Nếu yêu thích phong cách hoạt hình Nhật Bản, hẳn cái tên Hayao Miyazaki không quá xa lạ với bạn. Ông là người đồng sáng lập Ghibli Studio, một trong những xưởng phim hoạt hình nổi danh hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc.

Hayao Miyazaki: Từ đứa trẻ chạy trốn chiến tranh đến ‘ông trùm’ phim hoạt hình Nhật Bản

CTV Như Ý | 09/03/2017, 07:45

Nếu yêu thích phong cách hoạt hình Nhật Bản, hẳn cái tên Hayao Miyazaki không quá xa lạ với bạn. Ông là người đồng sáng lập Ghibli Studio, một trong những xưởng phim hoạt hình nổi danh hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc.

Hơn 40 năm hoạt động nghệ thuật, vị đạo diễn tài hoa đã đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng - định hình sự phát triển của anime (hoạt hình Nhật). Miyazaki có sức ảnh hưởng ở cả thị trường điện ảnh Mỹ lẫn châu Âu. Trên thế giới, vô số tác phẩm mang thương hiệu Ghibli Studio được hâm mộ cuồng nhiệt. Thế nhưng, “tiếng thơm không đến dễ dàng”. Thử nhìn về chặng đường cuộc sống và sự nghiệp ‘bậc thầy’ làm phim thiếu nhi từng trải, sẽ khiến bạn ngẫm ra vài điều đặc biệt thú vị.

Tuổi thơ trốn chạy khỏi chiến tranh

Hayao Miyazaki sinh ngày 5.1.1941, tại thủ đô Tokyo. Trong thế chiến thứ hai, cha ông là chủ một hãng lắp ráp máy bay, chuyên phục vụ sản xuất phi cơ quân đội. Vừa lọt lòng mẹ không lâu, ông đã phải cùng gia đình rời xa quê nhà Tokyo, chạy trốn khỏi bom đạn chiến tranh. Thuở nhỏ, khi bạn bè cùng trang lứa ra ngoài chơi đùa, cậu bé Miyazaki chỉ thích ngồi hí hoáy họa lại các bảng vẽ bộ phận máy bay tinh vi tìm thấy trên bàn làm việc của cha. Từ đây, ông bắt đầu tự ‘ươm mầm’ năng khiếu họa hình. Tuy nhiên, mãi đến giai đoạn thiếu niên, Miyazaki mới nghiêm túc nghĩ về ước mơ làm họa sĩ.

Đạo diễn người Nhật có tuổi thơ ấm no. Dẫu vậy, sinh ra trong thời kì đất nước chưa dứt tiếng ‘súng nổ bom rơi’, ám ảnh chiến tranh từng liên tục “đeo bám” ông. Phản ánh rõ nét ở một số tác phẩm hoạt hình u buồn nhất của Miyazaki, là hình ảnh súng đạn, nạn đô thị hóa ồ ạt, những vùng quê nghèo hẻo lánh và thiên nhiên bị con người tàn phá. Cũng bởi nỗi trăn trở quá khứ, ông luôn khát khao tạo ra sản phẩm phim thiếu nhi mang ý nghĩa nhân văn, đề cao tình người và nỗ lực bảo vệ môi trường tự nhiên.

Một cảnh làng quê nghèo trầm buồn trong phim của Miyazaki

Anh thợ vẽ với chí hướng ‘khác người’

Năm 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, Miyazaki “đầu quân” cho Toei Douga, bấy giờ là xưởng phim hoạt hình lớn nhất châu Á. Từ năm 1971 đến 1984, ông rời Toei rồi ‘nhảy việc’ qua 3 nơi nữa, trước khi cùng người đồng nghiệp thân thiết là Isao Takahata, thành lập Ghibli Studio.

Miyazaki (áo đen) và người bạn lâu năm, đạo diễn Isao Takahata, bên trong xưởng vẽ Ghibli những ngày đầu tạo dựng

Ngay giai đoạn đầu vào nghề, ‘bậc thầy’ phim thiếu nhi đã được chú ý bởi tính kiên trì và chí hướng đặc biệt. Muốn làm ra một sản phẩm phim hoạt hình sống động lúc bấy giờ, người nghệ sĩ phải ngồi miệt mài suốt hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giờ để trao chuốt từng trang giấy vẽ. Nhưng Miyazaki không hề nề hà khó khăn. Ngược lại, chàng họa sĩ trẻ vô cùng đam mê kĩ thuật hoạt hình vẽ tay. Đến thời kì “đổ bộ” của công nghệ đồ họa máy tính, ông vẫn gắn bó cùng nhiều dụng cụ vẽ quen thuộc. Với vị đạo diễn tài hoa, chiếc bút vẽ có “uy lực” không gì sánh được. “Tôi không cho phép quá 10% phân đoạn phim của tôi có sự can thiệp của máy tính.” - ông từng tiết lộ. Tôn chỉ làm phim Miyazaki muốn duy trì đến cùng, là giữ gìn nền nghệ thuật hoạt hình vẽ tay truyền thống. Những tác phẩm ông tạo ra đều toát lên một thứ “khí chất” sống động riêng, là vì vậy. Bạn khó có thể tìm thấy bộ phim nào mang ‘thương hiệu’ Hayao Miyazaki mà lại thiếu đi cảm nhận đặc thù này.

Máy bay, tình yêu gia đình và những tác phẩm hoạt hình

Cho đến thời điểm này, năm 2017, Miyazaki đã tham gia sản xuất - đạo diễn hơn 30 tác phẩm hoạt hình đủ thể loại. Ông luôn muốn tích cực đóng góp vào mọi khâu làm phim. Từ lên ý tưởng, viết kịch bản, cho đến thiết kế, vẽ và dựng phim. Buổi đầu sự nghiệp, vị đạo diễn đa tài thậm chí còn xuất bản cả một số tựa manga (truyện tranh phong cách Nhật). Phần lớn chúng sau này được ông dùng làm nguồn cảm hứng cho các tác phẩm hoạt hình tại xưởng Ghibli.

Một trang truyện màu Hikoutei Jidai (trái) của Miyazaki và Porco Rosso (phải) - bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm

Những “đứa con tinh thần” của Miyazaki mang đa dạng chủ đề, chứa đựng đầy sắc màu cuộc sống. Phổ biến hơn cả là đề tài gia đình, bảo vệ thiên nhiên, và hàng không. Lớn lên quanh nhà xưởng sản xuất phi cơ, ông sớm bị ấn tượng về hình ảnh chiếc máy bay. Nếu hâm mộ phim Miyazaki, chắc hẳn bạn từng nhìn thấy các tạo hình từ con người cho đến vật thể bay lượn tự do trên bầu trời, ẩn hiện trong vô số tác phẩm.

Miyazaki trong họp báo ra mắt The Wind Rises (năm 2014), phim với cốt truyện cảm động về ngành hàng không

“Điểm sáng” khác tìm thấy nơi các tác phẩm của Miyazaki, nằm ở xu hướng xây dựng nhân vật. Ông ưa chuộng tạo hình nhân vật nữ chính với tính cách cương trực, mạnh mẽ. Điều này có thể được lý giải từ tình yêu và sự kính trọng đạo diễn người Nhật dành cho mẹ. Hình tượng công chúa Mononoke thông minh, kiên cường trong tác phẩm nổi tiếng của Miyazaki - Princess Mononoke - là một ví dụ rõ nét.

Một cảnh kinh điển trong Princess Mononoke (ra mắt năm 1997)

Nhiều nhà phê bình khen ngợi, phim thiếu nhi Miyazaki tạo nên luôn thật sự là những tác phẩm dành cho thiếu nhi đúng nghĩa. Chúng mang tính giáo dục nhẹ nhàng, tôn vinh niềm vui cuộc sống, tình thân gia đình và rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống tươi đẹp. Tuy nhiên, đạo diễn người Nhật không đặt nặng yếu tố thuyết giảng, hay chỉ tập trung khai thác tính giải trí. Ông từng chia sẻ: “Bạn không cần đưa vào [bộ phim] yếu tố hành động hay bạo lực. Chỉ cần nỗ lực thể hiện niềm vui, lòng phấn khích cùng sự thấu hiểu, là đã đủ khiến trẻ nhỏ say mê. Đây cũng là nguyên tắc làm phim của chúng tôi.”

Tác phẩm đem lại danh tiếng toàn cầu cho Miyazaki, Spirited Away (ra mắt năm 2001), từng đoạt giải Oscar và là phim có doanh thu cao nhất lịch sử nước Nhật

Với Miyazaki, việc làm phim phải đi liền với tạo ra tiếng cười và niềm thấu cảm ở người xem. Thế nhưng, ông hoàn toàn không cho rằng các khán giả nhí của mình là “khách hàng.” Miyazaki từng bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi nghĩ linh hồn trẻ thơ giống như những người kế thừa kí ức lịch sử từ nhiều thế hệ trước. Khi chúng lớn lên và đắm mình trong cuộc sống hiện thực, kí ức quá khứ chìm dần vào quên lãng. Tôi nghĩ mình muốn làm phim để khơi gợi lại nguồn kí ức kia. Nếu làm được điều này, tôi có thể chết trong hạnh phúc.”

My Neighbor Totoro (năm 1988), một trong những bộ phim “biểu tượng” của Miyazaki, kể về đề tài gia đình và tình bạn

Kỷ lục giải thưởng, doanh số phòng vé hay danh hiệu công chúng dành tặng Ghibli Studio và bản thân ‘bậc thầy’ làm phim người Nhật, vẫn chưa đủ để mô tả hết cống hiến Miyazaki tạo dựng đối với nền công nghiệp hoạt hình. Câu chuyện quá khứ cùng hành trình sự nghiệp đáng nhớ của ông, đang trở thành nguồn động lực lớn đối với những người làm nghệ thuật trên toàn thế giới. Còn nếu là fan hâm mộ, bạn có thể trông đợi được nhìn thấy Miyazaki ‘tái xuất’ với tác phẩm hoạt hình tiếp theo trong năm 2019.

Như Ý (theo BBC và The New York Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hayao Miyazaki: Từ đứa trẻ chạy trốn chiến tranh đến ‘ông trùm’ phim hoạt hình Nhật Bản