Choáng ngợp với những hình ảnh cứ hiện ra như đang xem một cuốn phim tài liệu dài, theo qua từng trang viết… Khép lại những trang viết cuối cùng, lòng vẫn băn khoăn không dứt. Nó đọng lại trong lòng như sau một bữa rượu ngon. Hương vị đã qua nhưng dư vị như còn mãi.

Sương gió bơ vơ Nguyễn Hàng Tình

Đào Đức Tuấn - CTV Duy Thông | 08/03/2017, 15:16

Choáng ngợp với những hình ảnh cứ hiện ra như đang xem một cuốn phim tài liệu dài, theo qua từng trang viết… Khép lại những trang viết cuối cùng, lòng vẫn băn khoăn không dứt. Nó đọng lại trong lòng như sau một bữa rượu ngon. Hương vị đã qua nhưng dư vị như còn mãi.

Đạo diễn, Nhà quay phim Đinh Anh Dũng bạt gọn như thế về tập bút ký Sương gió bơ vơ(NXB Hội Nhà văn, 2016) của Nguyễn Hàng Tình. Đây là cuốn sách thứ hai của anh sau tập ký Giã biệt hoang vu(Giải Sách hay 2013). Lặng lẽ đọc, tôi nhận thấy ngòi bút của anh mỗi ngày càng thêm khói sương sương khói.

Nỗi đời lữ khách

Sương gió bơ vơ, Nguyễn Hàng Tình tiếp tục mạch văn đầy tiếc nuối về sự mất mát của thiên nhiên, văn hóa, lòng người. Anh đặt tên cho các chương trong cuốn sách lần này là Nước, Mây, Bụi, Nghệ sĩ ở trần gian. Từ rừng núi, cao nguyên, dòng sông đến suốt biển bờ biên cương đất nước. Ở đó có nỗi lòng của nhưng ngư dân can trường lụi lầm sống chết với biển; “cơn vật vã giác ngộ” của một vùng đất trước cơn lốc đô thị; những nợ nần của sông nước với thượng nguồn… “Những cuộc đời nối tiếp cuộc đời, những thế hệ nối tiếp thế hệ bên bờ biển. Sống đơn sơ, quen vậy, và hạnh phúc cũng đơn sơ, mà mãn nguyện. Đâu có xóm chài, làng ngư phủ nào rời bỏ bờ biển mà đi đâu” (Trên quê hương của con còng gió).

Tình ký họa như “đi trong gan ruột” những nhân vật tài hoa chìm nổi như: nhạc sĩ Yphôn Ksor (Nhạc rơi qua nữ thần mặt trời), kiến trúc sư Lữ Trúc Phương (Đợi Trăm Mái quay về), nhà thơ Khổng Vĩnh Nguyên (Trọn kiếp thi nhân), một người hát rong ở Lâm Đồng (Nghệ sĩ xó chợ),… “Hát là sống, nhưng rằng sống phải có cái bỏ bụng. Ông nói thật, rằng sẽ về hát ở Đạ Huoai khi biết mùa hái điều về. Hát ở Bảo Lộc khi biết mùa mưa trà có đọt. Hát ở Phú Sơn khi biết mùa chuối Laba già. Hát ở Di Linh khi mùa cà phê chín. Nông dân nghèo thì ông cũng nghèo theo. Nông dân rủng rẻng thì họ mới chia sẻ cho ông đôi đồng” (Nghệ sĩ xó chợ).

Tôi hiểu, một tâm hồn dễ tổn thương như Tình thì sẽ viết chắt chiu, ấm nồng như thế.

Tập bút ký “Sương gió bơ vơ” của Nguyễn Hàng Tình. (ảnh: H.Phiên).

Một hình dong khác

Hơn một lần về Đà Lạt, trong bâng khuâng các cuộc hẹn ngắn, tôi gọi cho Nguyễn Hàng Tình. May mắn thì ngồi với nhau một đêm ở căn gác trọ của anh. Sơ sẩy một chút thì Tình vừa rời đi Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Huoai hay sang Đắk Nông, xuống Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi. Những cuộc đi lầm lụi một mình dọc dài từ rừng đến biển, cùng với những cốt tứ ghi chép riêng mang. Đôi khi là những điều mơ hồ mà nhiều đồng nghiệp báo chí chẳng mấy quan tâm. Thế nhưng chính những “mơ hồ” đó lại chấn động, lóe sáng dưới ngòi bút Nguyễn Hàng Tình.

Trái với vẻ người rừng bụi bặm, tôi bất ngờ khi căn hộ gã thuê trọ ở khu Chi Lăng (Đà Lạt) lại hết sức ngăn nắp từ phòng khách, làm việc, ngủ, ăn, toilet,… Nhiều nhất trong nhà gã là sách. Sau một ngày lang thang quán, khuya về uống thứ trà hảo hạng trong nhà gã, tôi chợt hiểu vì sao đến lúc này gã vẫn “hàng tình”. Gã cô đơn nhưng không cô độc, bởi ngoài niềm mê đi và viết, gã vẫn còn đó niềm tin với sách, với nhạc và những vùng đất đã đến, chưa đến và viết để trải lòng, để sống. Vậy là gần chục năm rồi, gã tự dứt biên chế ra khỏi các tòa soạn báo, để được tự do đi và viết những điều mình thích.

Nguyễn Hàng Tình tâm sự về nghiệp viết: “Tôi thích cuộc lang thang ngút ngàn của mình. Nói như Hermann Hesse, dù có đau đớn quằn quại thì ta vẫn cứ yêu thương trần gian điên dại này… Đặc tính của tôi là mê đắm sự hoang vu, tôi đi vào cuộc sống nhưng tôi không thuộc về cuộc sống đó. Trong lúc đi chơi qua cuộc đời, tôi ghi lại điều đã thấy, không có ý thức của sự chủ đích: rằng phải có một tác phẩm ký, thuộc trường phái thể loại nào. Chỉ vui vì được ghi lại cảm xúc, được chơi như thế này…”.

Gần 50 rồi… Nguyễn Hàng Tình vẫn mình ên và an nhiên với kiểu sống của mình.

Đào Đức Tuấn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trong 2 năm, Tập đoàn Thuận An trúng nhiều gói thầu thuộc chương trình đặc biệt của Chính phủ
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Trong 2 năm (2022 - 2023), Tập đoàn Thuận An phát triển rất nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỉ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID-19.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sương gió bơ vơ Nguyễn Hàng Tình