Sáng nay 12.10, tại phiên thảo luận thông qua nghị quyết của HĐND TP. Đà Nẵng, nhiều đại biểu đã đề xuất đặt tên cầu Nguyễn Bá Thanh.
Về nghị quyết đặt, đổi tên cho 166 tuyến đường lần này (30 đường đặt theo tên nhân vật), đại biểu Trần Văn Lĩnh đề xuất, HĐND TP nên nghiên cứu đổi tên cầu Sông Hàn, là cây cầu đầu tiên, cây cầu biểu tượng của Đà Nẵng gắn với công lao vận động xây dựng của nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh thành tên của ông. Hoặc có thể đổi tên cầu dây văng Thuận Phước, cây cầu cao và dài nhất thành phố thành tên cầu Nguyễn Bá Thanh.
Về việc này, đại biểu Vũ Hùng, Trưởng ban Văn hóa, xã hội HĐND TP. Đà Nẵng nói: “Việc đặt tên đường hay tên cầu, tên công viên là một cách vinh danh đối với những người có công trạng lớn. Tuy nhiên anh Thanh mất chưa được 1 năm nên chăng chúng ta cần có hội thảo phân tích về công lao của anh rồi đề xuất đưa ra HĐND kỳ họp tới”.
Đại biểu Mai Đức Lộc, Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng nói: “Việc đặt tên các danh nhân, người có công trạng cho các công trình đã có luật quy định nên cần theo đó mà làm”.
Trả lời đại biểu về đề xuất đặt tên cầu Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng cho hay: “Thay mặt hội đồng, rất trân trọng ý kiến của đại biểu Trần Văn Lĩnh và giao cho UBND TP nghiên cứu và có báo cáo đề xuất cho hội đồng trong kỳ họp tới”.
Ông Nguyễn Bá Thanh (18.4.1953 - 13.2.2015) nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam. Ông cũng từng là phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng - cơ quan trực thuộc Bộ chính trị.
Ông Nguyễn Bá Thanh nổi lên trên chính trường Việt Nam với vai trò là lãnh đạo của TP. Đà Nẵng (trực thuộc tỉnh Quảng Nam) và sau đó là TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Từng nắm giữ chức Chủ tịch UBND rồi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh được coi là người có công làm thay đổi diện mạo Đà Nẵng từ một đô thị nhỏ trở thành một trong những thành phố lớn của cả nước.
Dưới thời ông Thanh, Đà Nẵng đã chỉnh trang đô thị trên quy mô lớn, hàng loạt cây cầu ấn tượng như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý được xây dựng bắc qua sông Hàn. Cơ sở hạ tầng của đô thị Đà Nẵng cũng dần được thay đổi và đưa vào quy củ.
Ông Thanh cũng được xem là một nhà chính trị dám nói dám làm với những phát ngôn ấn tượng và sống gần gũi với nhân dân.
Lê Đình Dũng