Ngày 24.6, HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát đối với UBND thành phố về thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025.

HĐND TP.HCM chất vấn về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân

Tú Viên | 24/06/2022, 23:22

Ngày 24.6, HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát đối với UBND thành phố về thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, giai đoạn 2016 - 2020, diện tích sàn nhà ở toàn thành phố đã tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn, vượt 3,7 triệu m2 so với kế hoạch. Trong đó, nhà ở người dân tự xây đóng vai trò chủ đạo, tăng 38,5 triệu m2 sàn, nhà ở thương mại đạt 13,98 triệu m2 sàn, nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.

Thành phố đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với diện tích sàn là 1,23 triệu m2, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra; đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng một dự án nhà lưu trú công nhân, tổng diện tích 7 ha, đáp ứng hơn 7.500 chỗ ở cho công nhân và một dự án ký túc xá sinh viên có tổng diện tích sàn hơn 4.215 m2, với hơn 420 chỗ ở.

nha-o-xa-hoi-1.jpeg
Nhà ở xã hội cho công nhân tại TP.HCM-Ảnh: P.V

Về chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, theo UBND TP, nguồn vốn ngân sách dành cho chương trình rất hạn chế, không đủ so với nhu cầu. Phần lớn các khu vực giải tỏa tuyến rạch không được mở rộng nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn nhà đầu tư, nên phải sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Do đó, trong 59 dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch bằng nguồn vốn ngân sách, thành phố chỉ bố trí vốn đầu tư công cho 32 dự án, đa số là vốn chuẩn bị đầu tư để thực hiện các công tác khảo sát, đo vẽ, lập hồ sơ… chưa bố trí vốn thực hiện bồi thường, di dời và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

Về cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975, UBND TP cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố thực hiện chủ yếu là cải tạo, sửa chữa và một phần nhỏ xây dựng mới tại 213/237 chung cư, đạt 89,8% so với chỉ tiêu đề ra. Thành phố đã sử dụng 275,5 tỷ đồng từ ngân sách để sửa chữa, nâng cấp 199 chung cư cũ bị hư hỏng nhưng chưa thuộc diện phá dỡ.

Về cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, UBND TP cho biết, giai đoạn 2016-2020, công tác lập quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 và lập quy hoạch lộ giới hẻm phục vụ quản lý nhà nước chưa theo kịp, nhiều trường hợp chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, công tác vận động hiến đất mở đường, hẻm gặp nhiều khó khăn. Các tuyến đường, hẻm do người dân hiến đất để mở rộng chỉ đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn ngắn hạn, chưa đảm bảo mở rộng hẻm đúng theo quy hoạch.

Do vậy, UBND TP kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đối với người hiến, tặng đất cho công tác xây dựng đường giao thông, thủy lợi, công trình công cộng, giúp xây dựng cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân hiến, tặng đất, góp phần tạo sự đồng thuận của người dân trong hiến, tặng đất để mở đường trên địa bàn thành phố.

Tại buổi giám sát, nhiều thành viên đoàn giám sát của HĐND đã bày tỏ trăn trở về vấn đề này. Trong đó, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị Sở Tài chính báo cáo rõ khoản thu 20% này.

z3517325146296_f0c10.jpeg
Quang cảnh buổi họp của HĐND TP.HCM về vấn đề nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân-Ảnh: P.V

Báo cáo đoàn giám sát, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trần Phú lý giải khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, sở này sẽ xác định mức nộp và trong đó có nhiều dự án đã thực hiện nghĩa vụ 20% nhà ở xã hội, trong đó thực tế đã nộp tiền vào ngân sách. Tại TP.HCM, khoản thu này, không được tách riêng mà tính chung vào khoản tiền sử dụng đất và hòa vào ngân sách thành phố.

Trong thời gian tới, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng rà soát những dự án cũ để bóc tách số liệu thành khoản riêng. Đối với dự án sắp tới, Nghị định 49/2021 đã quy định dự án trên 2ha phải bóc tách rồi, nên đơn vị này sẽ phối hợp để bóc tách ra luôn để theo dõi số thu từ đầu.

Lý giải thêm, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết liên quan tới vấn đề quỹ 20%, ông đã chủ trì họp và đã có kết luận. Trước đây, chưa tách bạch dự án nào được nộp tiền, dự án nào phải có quỹ đất, và phần 20% đó là bao nhiêu tiền để phân định ra quỹ nhà ở xã hội  sau này dùng quỹ này để đầu tư phát triển.

Theo ông Mãi, không chỉ riêng công nhân mới có nhu cầu mua, thuê nhà ở XH mà nhiều đối tượng khác như cán bộ công chức viên chức, hay các vận động viên, huấn luyện viên cũng rất mong muốn một nơi ở khang trang.

Với nhà trên và ven kênh rạch, ông Phan Văn Mãi nói: “Nếu kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (năm 2025) mà còn để nhiều nhà trên và ven kênh rạch như thế, trong khu 930ha còn những khu ổ chuột lụp xụp là chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ. Ít nhất TP.HCM cũng phải giải quyết được 50% trong số hơn 20.000 căn”. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhận định, nếu dự án Rạch Xuyên Tâm có thể vận hành được thì có thể khởi động các dự án khác.

Sau phần giải đáp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của Sở Tài chính và cho rằng nếu xét theo hướng dẫn thì “coi chừng thành phố làm sai”.

“Xung quanh khoản 20% phần thu lại đã có hướng dẫn của Bộ Tài chính từ năm 2018 thì lý do vì sao mình không làm mà bây giờ mới bóc tách. Như vậy, số liệu quay lại thời điểm có hướng dẫn thì như thế nào, xử lý ra làm sao, tôi đề nghị phải báo cáo rõ. Trách nhiệm của TP rất lớn ở chỗ này. Hôm giám sát ở Sở Tài chính đã yêu cầu báo cáo rõ, mà đến hôm nay báo cáo lại như vậy tôi thấy chưa đạt”, bà Lệ nói và yêu cầu Sở Tài chính hãy có trách nhiệm rõ ràng trong vấn đề này.

“Bây giờ mình cứ nói không có tiền, không có nguồn để đầu tư cho các dự án, trong khi đó nguồn thu không nói rõ được bao nhiêu. Nguồn thu này để tái đầu tư, đã có hướng dẫn rõ ràng, rành mạch nhưng mà mình cứ nhập nhằng thì không rõ trong tay có nguồn vốn là bao nhiêu, khó tính được khoản đầu tư sắp tới ra sao”, bà Lệ nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, TP.HCM thu hút lao động ngoài tỉnh khá lớn, đặc biệt là các địa phương giáp ranh. Do đó, UBND thành phố cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác phối hợp liên tịch giữa UBND thành phố và UBND các địa phương giáp ranh nhằm chia sẻ về nguồn lực đất đai trong xây dựng Chương trình phát triển nhà ở đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; đồng thời, phát triển thị trường bất động sản nhà ở bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
HĐND TP.HCM chất vấn về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân