Loạt công ty trong hệ sinh thái của Shark Thủy đang nợ tiền bảo hiểm xã hội, nợ học phí, tiền lương giáo viên lên tới hàng trăm tỉ đồng...
Ngày 26.3, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Thủy (tức "Shark Thủy", Chủ tịch Tập đoàn EGroup) và Đặng Văn Hiền (Trưởng ban Quan hệ cổ đông, Công ty EGame) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Shark Thủy hiện là Tổng giám đốc công ty cổ phần Anh ngữ Apax. Tuy nhiên từ năm 2020, hệ thống trung tâm Apax Leaders ở nhiều địa phương như TP.HCM, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bình Dương... bị phụ huynh tố cáo chất lượng dạy học không đảm bảo, không tiến hành giảng dạy...
Theo thống kê, tổng số học sinh của các trung tâm ngoại ngữ Apax Leaders trên địa bàn TP.HCM là 11.295 học sinh, bao gồm số học sinh đang học trực tiếp là 839 học sinh, số học sinh bảo lưu kết quả là 6.072, số học sinh rút phí là 4.384.
Số tiền học phí đơn vị phải hoàn trả là 108,1 tỉ đồng, trong đó đã trả 14,3 tỉ đồng, còn nợ khoảng 93,8 tỉ đồng. Apax Leaders đề xuất phương án từ tháng 1.2025 đến tháng 12.2025, mỗi quý trả 4 triệu đồng, chia đều định mức cho phụ huynh đến khi hoàn thành. Phần nợ còn lại chuyển tiếp sang năm sau.
Ngoài ra, Apax Leaders còn nợ lương giáo viên và nhân viên đến tháng 2.2023 là 11,5 tỉ đồng và tiền thuê mặt bằng là 9 tỉ đồng.
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng ghi nhận chi nhánh của Apax Leaders còn chậm đóng các bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội là 31 tỉ đồng đối với người lao động Việt Nam và 1,3 tỉ đồng với người nước ngoài.
Trước đó, theo văn bản Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố, tính đến cuối tháng 11.2023, loạt doanh nghiệp trong hệ sinh thái của Shark Thủy đã nợ bảo hiểm xã hội lên tới hơn 100 tỉ đồng.
Apax Leaders của Shark Thủy đã chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với tổng số tiền hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này nợ tiền bảo hiểm của lao động trong nước 45 tháng qua với 55,8 tỉ đồng và nợ tiền bảo hiểm của người nước ngoài 48 tháng với 5,4 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp khác thuộc hệ thống Apax Holdings là Công ty CP Phát triển giáo dục Igarten cũng bị nêu tên do đang chậm đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động. Theo đó, Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Igarten đã nợ bảo hiểm của người lao động 21 tháng với tổng số tiền gần 19,3 tỉ đồng. Tiếp đến là chuỗi dạy toán học tư duy CMS với số tiền chậm nộp gần 10 tỉ đồng trong 34 tháng.
Ngoài hai doanh nghiệp thuộc hệ thống Apax Holdings, một doanh nghiệp khác liên quan tới Shark Thủy là Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup cũng đã 41 tháng không thực hiện nghĩa vụ đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động với số tiền hơn 3,7 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp còn lại gồm English Now, Egame và công ty mẹ Egroup cũng đang chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động suốt thời gian dài... Tổng cộng, hệ sinh thái của ông Nguyễn Ngọc Thủy đang nợ Bảo hiểm xã hội Hà Nội tại thời điểm cuối tháng 11.2023 là khoảng 101,8 tỉ đồng.
Với Công ty Cổ phần đầu tư Apax Holdings, đơn vị này liên tục dính vào các vấn đền liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Hàng loạt phụ huynh đã đến Apax Leaders để khiếu nại, yêu cầu hoàn trả học phí với lý do trung tâm không thực hiện đúng cam kết.
Thời điểm 31.12.2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỉ đồng, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỉ đồng gồm vay ngắn hạn là 617 tỉ đồng và vay nợ dài hạn là 1.298,4 tỉ đồng...