Nằm sâu khoảng 42 mét - tương đương 14 tầng lầu - bên dưới Tokyo nhộn nhịp là hệ thống đường ống cùng hầm ngầm tạm thời chứa lượng nước mưa lớn để ngăn ngập lụt trên mặt đất.

Hệ thống ngầm giúp Tokyo ngăn ngập lụt

Cẩm Bình | 01/04/2023, 15:15

Nằm sâu khoảng 42 mét - tương đương 14 tầng lầu - bên dưới Tokyo nhộn nhịp là hệ thống đường ống cùng hầm ngầm tạm thời chứa lượng nước mưa lớn để ngăn ngập lụt trên mặt đất.

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xuất hiện bão mạnh hơn, đợt mưa dài hơn - khiến nguy cơ ngập lụt tăng lên đáng kể. Vì vậy giới chức thủ đô Nhật Bản quyết định tăng sức chứa từ 2,64 triệu m3 lên 3,6 triệu m3 đồng thời xây dựng thêm cơ sở tương tự.

Ngoài ra, một hầm 1,5 triệu m3 khác cũng sẽ được xây dựng vào năm 2030. Tokyo đặt mục tiêu đạt sức chứa 5,1 triệu m3 nước (đủ cho 2.040 bể bơi chuẩn Olympics). Đây là một phần trong kế hoạch 6,6 nghìn tỉ yên đảm bảo Tokyo đối phó được ngập lụt, bên cạnh kế hoạch nâng cao đê sông và kè biển.

hetokyo00.jpg
Một đường ống ngầm nối 2 hồ chứa - Ảnh: Tokyo Metropolitan Government

Hệ thống ngầm hiện tại có 28 hầm đủ cho 1.056 bể bơi chuẩn Olympics. Nhưng đội ngũ quy hoạch đô thị của Tokyo ngày càng lo ngại bấy nhiêu vẫn chưa đủ trước thời tiết cực đoan.

Quan chức Tetsuro Fujisaki cho biết Tokyo từng lâm vào tình thế nguy hiểm khi bão Hagibis đổ bộ trực tiếp vào tháng 10.2019, mang theo lượng mưa kỷ lục 650mm. Các đường ống và hầm chứa ngầm giúp giữ cho mức ngập trong phạm vi 0,85km2, nhưng sức chứa bị đẩy đến gần giới hạn: một hầm đầy 98% còn một hầm khác cũng lên đến 91%.

“Bão và mưa lớn xối xả sẽ ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu”, ông Fujisaki dẫn dự báo của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu.

Tokyo đang chia sẻ kiến thức sử dụng không gian ngầm đối phó ngập lụt với một số thành phố thủ đô như Kuala Lumpur, Jakarta. Cơ quan quản lý nước Singapore (PUB) cũng xem xét dùng không gian ngầm chống ngập vùng ven biển lẫn nội địa.

hetokyo01.jpg
Mô hình diễn giải cách thức hoạt động của hệ thống ngầm - Ảnh: Water SIM

Trong chuyến thăm hầm chứa ngầm dưới sông Kanda/đường vành đai số 7 gần đây, quan chức Sở Xây dựng Tokyo Kimihito Mukoyam cho biết cơ sở này kể từ khi đi vào hoạt động năm 1997 đã 44 lần thực hiện nhiệm vụ trữ nước.

Ông so sánh hai cơn bão ập đến trước và sau khi có hầm chứa để chứng minh cho hiệu quả của chúng: một cơn bão tháng 8.1993 mang đến lượng mưa 288mm gây ngập 85ha, một cơn bão năm 2004 lượng mưa 284mm nhưng chỉ gây ngập 4ha.

Tại hầm chứa ngầm dưới sông Kanda/đường vành đai số 7, mất khoảng 1 phút đi thang máy từ mặt đất xuống cơ sở ở độ sâu 42m.

Cơ sở dài 4,5km và có đường kính trong 12,5m, đủ sức chứa khoảng 540.000m3 nước. Khi nước sông chạm mức nguy hiểm do mưa bão, loạt cửa xả sẽ mở ra cho nước chảy vào hầm. Nước trữ sẽ được bơm ngược lên mặt đất khi mực nước sông hạ xuống.

Hầm chứa ngầm dưới sông Kanda/đường vành đai số 7 đang được xây nối với một cơ sở dài 3,2km dưới sông Shirako phía tây bắc Tokyo - nâng tổng sức chứa lên 1,43 triệu m3.

Hầm chứa ngầm dưới sông Kanda/đường vành đai số 7 không chỉ có công dụng phòng chống lũ lụt. Vào mùa khô từ tháng 12 - tháng 5 năm sau, khoảng 60.000 m3 nước trữ trong hầm được sử dụng khẩn cấp cho trường hợp nguồn cung gián đoạn do thảm họa (chẳng hạn như động đất).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống ngầm giúp Tokyo ngăn ngập lụt