Theo một báo cáo hiện trạng, dự án trồng rừng với tham vọng nhất trên thế giới, Bức tường xanh vĩ đại của châu Phi, mới chỉ bao phủ 4% diện tích được đặt ra trong mục tiêu trong khi đã bước qua phân nửa thời gian còn lại trong lịch trình.

Hết nửa thời hạn, ‘Bức tường xanh vĩ đại’ của châu Phi mới được 4%

Hoàng Phương | 08/09/2020, 17:44

Theo một báo cáo hiện trạng, dự án trồng rừng với tham vọng nhất trên thế giới, Bức tường xanh vĩ đại của châu Phi, mới chỉ bao phủ 4% diện tích được đặt ra trong mục tiêu trong khi đã bước qua phân nửa thời gian còn lại trong lịch trình.

Các tác giả của nghiên cứu được công bố hôm 7.9cho biết dự án sẽ cần đến nhiều kinh phí hơn, nhiều hỗ trợ kỹ thuật hơn và sự giám sát chặt chẽ hơn nếu muốn kế hoạch trồng 100 triệu ha cây và các thảm thực vật khác này được thực hiện.

‘Bức tường xanh vĩ đại’ được Liên minh châu Phi lên kế hoạch vào năm 2007 như một rào chắn xuyên lục địa dài 7.000 km kéo dài từ Senegal đến Djibouti, nhằm mục đích ngăn chặn các sa mạc Sahara và Sahel. Những người ủng hộ dự án cho biết nó sẽ cải thiện sinh kế ở một trong những khu vực nghèo nhất thế giới, thu giữ Cacbon điôxít và giúp giảm xung đột, khủng bố và di cư.

Tại buổi ra mắt báo cáo, các bộ trưởng và quan chức Liên hợp quốc đã nêu bật những thành tựu đạt được cho đến nay: hơn 350.000 việc làm mới, doanh thu 90 triệu USDvà 18 triệu ha đất được phục hồi ở các nước tham gia.

Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Amina Mohammed cho biết: “Bức tường xanh vĩ đại là một kỳ quan thế giới mới đang được hình thành. Dự án cho thấy rằng nếu chúng ta chịu làm việc với thiên nhiên, thay vì phá hủy nó, chúng ta có thể xây dựng một tương lai bền vững và công bằng hơn".

Tuy nhiên, xét về mục tiêu đã đạt được, tiến độ dự án kém ấn tượng hơn nhiều. Sau khoản đầu tư hơn 200 triệu đô la, chỉ có 4 triệu ha đất đã được gieo trồng trong thập kỷ qua. Để đạt được mục tiêu năm 2030, cần phải khôi phục hơn gấp đôi diện tích đất đó mỗi năm với chi phí hàng năm là 4,3 tỷ đô la.

Josefa Sacko, ủy viên phụ trách kinh tế nông thôn và nông nghiệp của Liên minh châu Phi, cho biết: “Thời gian để bình chân như vại đã chấm dứt”, trong lời kêu gọi nhằm đạt được nền nông nghiệp bền vững hơn, có năng lượng sạch và sự quản lý nước để đối phó với các vùng đất khô hạn ở châu Phi.

Kết quả đạt được có sự khác nhau giữa các quốc gia. Ethiopia, quốc gia bắt đầu trồng rừng sớm hơn các quốc gia khác trong khu vực, đang là nước dẫn đầu, đã trồng 5,5 tỷ cây giống trên 151.000 ha rừng mới và 792.000 ruộng bậc thang mới.

Các quốc gia khác bị tụt hậu do vấn đề địa lý, trình độ quản lý và phát triển kinh tế khác nhau. Nước Burkina Faso đã trồng 16,6 triệu cây và nước Chad 1,1 triệu cây, mặc dù cả hai quốc gia đều nhận được nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho dự án.

Một vấn đề quan trọng là sự giám sát. Các quốc gia đều đưa ra ước tính của riêng họ, nhưng có rất nhiều nghi ngờ, chẳng hạn như có bao nhiêu trong số 12 triệu cây được trồng ở Senegal còn sống sót.

Salwa Bahbah, nhà phân tích nghiên cứu của Climatekos, công ty được thuê để lập báo cáo cho biết: “Một trong những vấn đề chính là chúng tôi phải cố gắng theo dõi dự án vì không có một hệ thống giám sát và đánh giá tốt. Chúng tôi không biết chính xác tiền được đưa đi đâu và tiền này được sử dụng vào việc gì”.

Một số nhà khoa học đã bày tỏ sự hoài nghi về việc tạo ra những bức tường cây cối trong khi khu vực đồng cỏ có thể hiệu quả hơn ở một số vùng nhất định. Các mô hình khí hậu thay đổi cũng đã làm chậm lại hoặc đảo ngược sự mở rộng của một số sa mạc. Ngoài ra còn có sự ủng hộ lớn hơn đối với việc đầu tư vào phục hồi đất và quản lý nước ở các khu vực sản xuất thay vì trồng cây ở những vùng xa xôi, thưa thớt dân cư. Điều này đã ảnh hưởng đến mục tiêu, nếu không muốn nói đến sự tâm huyết và hiệu quả của dự án.

Chris Reij của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết kết quả khiêm tốn cho đến nay cho thấy sự cần thiết phải tập trung hơn vào những gì đã và chưa đạt hiệu quả.

“Tôi là một người ủng hộ của Bức tường xanh vĩ đại. Đó là một sáng kiến ​​rất hữu ích, cho thấy ý chí chính trị của các chính phủ trong việc chống lại sự suy thoái đất”, ông nói. “Đồng thời, tôi cũng phải phê bình. Ý tưởng ban đầu về việc trồng một bức tường cây xanh ở những khu vực có lượng mưa dưới 400mm nhằm ngăn chặn đà phát triển của sa mạc Sahara phần lớn đã bị lãng quên, dù họ vẫn còn nhắc đến nó.”

Hoàng Phương (theo The Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
23 phút trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hết nửa thời hạn, ‘Bức tường xanh vĩ đại’ của châu Phi mới được 4%