Liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, theo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, việc lắp hộp đèn nóc chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải chứ không áp dụng đối với Grab như một số ý kiến đã nêu.

Hiệp hội Vận tải 'phản pháo' một số bộ ngành về Nghị định 86 sửa đổi

21/05/2019, 15:38

Liên quan đến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, theo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, việc lắp hộp đèn nóc chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải chứ không áp dụng đối với Grab như một số ý kiến đã nêu.

Ảnh minh họa từ Internet

Ứng dụng kết nối hay kinh doanh vận tải?

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (Hiệp hội Vận tải) vừa bày tỏ quan điểm về ý kiến của một số bộ ngành góp ý về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP.

Theo hiệp hội này, các ý kiến này đều theo xu hướng muốn giảm bớt vai trò quản lý nhà nước, tạo điều kiện cho một bộ phận người kinh doanh vận tải mà chưa đặt đúng yêu cầu về quản lý an toàn giao thông; muốn gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh để lách luật, né tránh sự kiểm tra, của cơ quan chức năng; né tránh nghĩa vụ đối với người lao động, giảm nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước; phá vỡ cơ cấu của ngành vận tải, không phản ánh đúng thực tế…

Hiệp hội Vận tải cho rằng nếu không tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, tạo sự công bằng cả về quyền và nghĩa vụ trong cạnh tranh lành mạnh thì ngành vận tải ô tô sẽ không phát triển bền vững được.

Theo đó, hiện nay trên thị trường có nhiều ứng dụng đặt xe như Grab, Go-Việt, Bee, FastGo… Đơn vị cung ứng nền tảng kết nối đồng thời trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; quyết định giá cước thì là doanh nghiệp vận tải và họ có đăng ký kinh doanh vận tải. Còn đơn vị không can thiệp vào việc điều hành phương tiện, lái xe, quyết định giá cước thì họ tự xác định chỉ là đơn vị công nghệ.

Vì vậy, Hiệp hội cho rằng cần quy định tại dự thảo Nghị định lần này để xác định rõ ai là chủ thể kinh doanh vận tải, từ đó sẽ xác định được các quyền và nghĩa vụ liên quan đến chủ thể kinh doanh như: dòng doanh thu, nghĩa vụ với người lao động, nghĩa vụ thuế.

“Trong Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa làm rõ vấn đề này nên Grab lúc thì nói chỉ là cung ứng dịch vụ kết nối; lúc thì nói là kinh doanh vận tải; lúc thì nhận là cùng đơn vị vận tải hợp tác kinh doanh, dẫn tới lỗ hở lớn về trách nhiệm duy trì điều kiện kinh doanh vận tải; công tác đảm bảo an toàn giao thông; quyền lợi của người lao động và đặc biệt là nghĩa vụ thuế với nhà nước không được thực hiện đầy đủ”, Hiệp hội Vận tải nói.

Đối với ý kiến đề nghị “bỏ quy định xe hợp đồng điện tử dưới 9 phải gắn hộp đèn nóc” hoặc quan điểm “đeo mào cho Grab là tư duy quản lý cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu”, Hiệp hội không đồng tình vì kết quả thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, Bộ cũng như địa phương thực hiện thí điểm kiến nghị quản lý loại hình này như taxi.

Tại văn bản số 9895/BGTVT-VT ngày 30.8.2017 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã nêu rõ những hạn chế của loại hình này là không có nhận diện rõ ràng nên “dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả”; đồng thời kiến nghị các địa phương “bổ sung biển báo phụ cấm đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ…, không cấp thêm phù hiệu đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ…”.

Về ý kiến của Bộ TT-TT cho rằng loại hình cung ứng dịch vụ kết nối như Grab thì coi là đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối, Hiệp hội nêu quan điểm, nếu Grab không được quyết định giá cước vận tải và nếu Grab xác định là cung ứng dịch vụ kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì Grab phải đưa ra mẫu hợp đồng điện tử có đầy đủ tiêu chí để bên vận tải và hành khách giao dịch, ký kết.

Lắp hộp đèn không áp dụng với Grab?

Theo Hiệp hội Vận tải, việc lắp hộp đèn nóc chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải chứ không áp dụng đối với Grab như một số ý kiến đã nêu.

Theo hiệp hội này, việc lắp hộp đèn nóc giúp phân biệt giữa xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân. Việc này đặc biệt cần thiết không những đối với cơ quan quản lý nhà nước mà đối với cả khách hàng.

Thời gian qua, hoạt động của loại hình vận tải khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ cực kỳ lộn xộn: tình trạng xe dù, bến cóc, xe trá hình hoạt động tràn lan, cơ quan nhà nước không quản lý được vì không phân biệt được xe kinh doanh với xe cá nhân, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng, thất thu thuế, quyền lợi khách hàng không được đảm bảo;

“Nếu có hộp đèn nóc thì sự ngăn chặn sẽ kịp thời; hạn chế ùn tắc giao thông và việc phát huy giám sát, phê phán của cộng động, người tham gia giao thông đối với xe vi phạm tốt hơn”, văn bản nêu.

Xét từ góc độ công nghệ và thực tế, hiệp hội cho biết không thấy có cơ sở khi cho rằng các phương tiện khi lắp hộp đèn nóc sẽ ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ, gây cản trở hoạt động doanh nghiệp, hoặc làm hạn chế việc đi lại của người dân.

Xét yếu tố bình đẳng trong kinh doanh, hoạt động của xe dưới 9 chỗ kinh doanh như Grab hiện chính nay là kinh doanh vận tải taxi. Việc này đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM phán quyết và nhiều tỉnh, bộ ngành có quan điểm như vậy. Vậy thì không có lý do gì mà cùng một loại hình kinh doanh taxi lại để tồn tại hai điều kiện kinh doanh khác nhau.

Xét về góc độ chi phí, việc lắp hộp đèn nóc cho phương tiện có thể phát sinh thêm chi phí của doanh nghiệp nhưng cũng tạo điều kiện cho người kinh doanh tiếp cận được thêm nhiều hành khách; được hưởng các chính sách ưu tiên cho phương tiện kinh doanh vận tải khách công cộng được vào các khu vực như nhà ga, sân bay, siêu thị, bãi đỗ công cộng… và xét từ góc độ công bằng thì điều này là cần thiết vì các doanh nghiệp kinh doanh taxi đang phải chịu các chi phí này.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Không để người dân thiếu nước
17 phút trước Bảo vệ môi trường
Trước tình hình thiếu nước ngọt do ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai linh hoạt các biện pháp ứng phó nhằm bảo đảm cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp hội Vận tải 'phản pháo' một số bộ ngành về Nghị định 86 sửa đổi