Đó là một ví dụ mà luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) được một doanh nghiệp tư nhân chia sẻ. Và ông đã chia sẻ lại điều này với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới khi bàn về vấn đề "doanh nghiệp sân sau” của quan chức.

'Doanh nghiệp sân sau': Ngày xưa vất vả chạy quan chức, giờ thì được họ chủ động đưa dự án

16/05/2019, 11:13

Đó là một ví dụ mà luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) được một doanh nghiệp tư nhân chia sẻ. Và ông đã chia sẻ lại điều này với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới khi bàn về vấn đề "doanh nghiệp sân sau” của quan chức.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Ảnh: Cafef

“Sân sau” cũng là một dạng tham nhũng

- Khái niệm “doanh nghiệp sân sau” hiện nay không chỉ là truyền miệng, mà đã được đưa vào các văn bản chính thức trên nghị trường và phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ. Theo ông, vấn đề này nên được hiểu thế nào?

Câu chuyện này đối với cá nhân tôi không xa lạ với tư cách là một luật sư chuyên về kinh tế - thương mại. Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu dưới hình thức liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước, nhiều tổng giám đốc của phía ta đã cho con em mình lập nên các doanh nghiệp riêng, chỉ nhằm trục lợi từ các dự án này với tư cách nhà thầu, đại lý hay nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ địa phương.

Giờ đây, sau bao năm thì hiện tượng này đã không những không giảm mà còn phát triển rộng rãi và ở cấp độ cao và tinh vi hơn, đặc biệt có sự tham gia của các quan chức trong bộ máy quản lý nhà nước.

Một cách khái quát, giới nghiên cứu quốc tế gọi nó chung trong một thuật ngữ là “Crony Capitalism”, tạm dịch là "Chủ nghĩa tư bản thân hữu". Trong bối cảnh Việt Nam khi đang thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tôi cho rằng đó là một dạng đặc thù của tham nhũng, mặc dù rất tiếc là Luật Phòng chống tham nhũng mới nhất được Quốc hội thông qua năm 2018 đã không quy định các hành vi loại này.

Cụ thể, theo tôi “doanh nghiệp sân sau” là một hình thức để các quan chức trong bộ máy nhà nước kinh doanh kiếm lời thông qua việc nắm giữ cổ phần sở hữu được che giấu, hoặc không nắm giữ sở hữu nhưng có quan hệ chi phối, tác động hay hỗ trợ để được chia lợi nhuận một cách thường xuyên từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hay từ các dự án, thương vụ cụ thể.

Cũng xin nói thêm rằng, trong hình thức kinh doanh này, không chỉ có các quan chức tham gia đơn lẻ, mà trong nhiều trường hợp còn có sự tham gia, phối hợp có tính hệ thống và tổ chức của cả nhóm quan chức một ngành hay liên ngành, thậm chí cả một cơ quan nhất định.

Đáng lưu ý là nhìn từ góc độ pháp lý, đó là một hình thức lách được cùng một lúc cả hai luật: Luật Doanh nghiệp, vốn cấm các quan chức nhà nước thành lập và quản lý doanh nghiệp và Luật Phòng chống tham nhũng, vốn chỉ nhằm vào các hành vi lạm dụng và trục lợi đơn lẻ trong khu vực công hoặc tư mà không động chạm tới mối quan hệ tham nhũng có tính tổ chức, thường xuyên giữa hai khu vực này.

- Nhiều ý kiến cho rằng khi mối quan hệ “sân sau” hình thành sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hình thành tình trạng bảo kê của quan chức với “sân sau” và vì vậy sẽ phát sinh các hành vi phạm tội, tham nhũng… Quan điểm của ông thế nào và theo ông, tình trạng “sân sau” gây ra những hệ lụy gì?

Có rất nhiều hệ lụy tiêu cực và nguy hiểm từ các hành vi và tình trạng này. Về mặt kinh tế, nó tạo ra sự bất bình đẳng và thiếu tự do, công bằng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, bởi “doanh nghiệp sân sau” đương nhiên được hưởng sự ưu ái về cả thương quyền và chính sách từ phía nhà nước hơn các doanh nghiệp thông thường.

Về mặt quản lý nhà nước, nó bóp méo cả hai khâu lập chính sách và thực thi chính sách, pháp luật.

Về mặt chính trị, nó góp phần hình thành các cá nhân và phe nhóm với quyền lực đen và quyền lực ngầm không thể kiểm soát trong chính bộ máy công quyền, qua đó vừa tạo động cơ vừa thúc đẩy, làm sâu sắc hơn các xung đột và đấu đá nội bộ.

Về pháp lý, đó chính là các điều kiện vật chất màu mỡ để phát triển các loại tội phạm có tổ chức, không chỉ theo chiều dưới lên mà còn cả chiều từ trên xuống. Thông qua đó, các hoạt động thực thi và bảo vệ pháp luật của các cơ quan chức năng sẽ bị tê liệt ngay từ bên trong.

Đề cập khía cạnh này, tôi nhớ câu chuyện thú vị được một chủ doanh nghiệp tư nhân chia sẻ, đại ý rằng: Ngày xưa, tôi vất vả chạy các quan chức để có dự án, còn giờ đây họ chủ động đưa dự án cho tôi làm.

Tóm lại, nếu các hành vi tham nhũng thông thường chỉ làm suy thoái đạo đức của một bộ phận quan chức nhà nước thì chủ nghĩa tư bản thân hữu, nếu lan rộng sẽ làm suy thoái hay làm méo mó sự phát triển của cả một nên kinh tế hay thậm chí cả một quốc gia.

Chính vì thế mà có người đã cảnh báo rằng, cái đáng sợ nhất trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không phải là sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp tư nhân, mà chính là sự phát triển của một nền kinh tế tư nhân dựa trên các "doanh nghiệp sân sau".

Cần chỉ đích danh quan chức có "sân sau"

- Về mặt thực tiễn, hiện nay chưa có doanh nghiệp nào bị cáo buộc là "sân sau" của quan chức, dù cho tình trạng quan chức “đỡ đầu” cho các công ty tư nhân, thân hữu rất phổ biến, thậm chí Thủ tướng cũng đã nói có người “14, 15 sân sau” chứ không chỉ một. Ông nhìn nhận điều này như thế nào? Liệu đây có phải sự yếu kém của cơ quan có trách nhiệm hay công cụ pháp luật đang thiếu?

Nếu nói sự yếu kém của cơ quan có trách nhiệm thì không trúng, bởi không có cái gọi là cơ quan chung chung mà chỉ có con người cụ thể trong đó, bao gồm từ lãnh đạo đến tầng lớp tham mưu, giúp việc và nhân viên phục vụ.

Khả năng có “doanh nghiệp sân sau” theo logic sẽ rơi vào nhóm lãnh đạo, và một khi điều ấy xảy ra thì cả cơ quan đó đã bị giảm hiệu lực hay vô hiệu hoá về chức năng rồi. Còn nói rằng cần có một công cụ pháp luật cụ thể để xử lý việc này, thì e rằng bất khả thi bởi vấn đề quá phức tạp và tinh vi như đã mô tả.

Theo tôi, nguyên nhân thuộc về cái gọi là “lỗi hệ thống”, tức đang tồn tại khiếm khuyết ở tất cả các khâu từ xây dựng, ban hành chính sách pháp luật đến thực thi và xử lý vi phạm, chưa nói tới khâu cán bộ hay con người. Nhưng điều ấy có chăng cũng chỉ là phần “xác”, có tính vật lý, cơ học.

Quan trọng hơn là dường như chúng ta không có phương thức nào để đạt được cái “hồn” của thể chế và bộ máy. Đó là tinh thần dân chủ, tính công khai và minh bạch, chưa nói tới mức độ cao hơn là sự công tâm, mẫn cán hay đạo đức công vụ và danh dự công chức.

Đơn cử, có quan điểm cho rằng công chức phải kinh doanh “ngoài luồng” để kiếm thêm thu nhập vì đồng lương không đủ sống hay không đủ để sống có danh dự. Tôi xin thưa, điều đó không sai với số đông, nhưng khi nói ra để biện minh cho việc làm này thì hoàn toàn ngụy biện.

Bởi thông thường, những ai có “doanh nghiệp sân sau” đều là những người đã giàu và rất giàu có. Cho nên, cái họ thực sự tìm kiếm không phải là thu nhập bổ sung mà xa hơn, chính là sự chuẩn bị chu đáo và bài bản cho một tương lai khác của mình và con cháu.

Một khi vấn đề đã trở nên sâu xa, tinh tế và nhạy cảm như thế rồi thì thử hỏi việc quy trách nhiệm cho cơ quan chức năng nhất định hay sử dụng công cụ pháp luật cụ thể nào đó còn có ý nghĩa gì?

Đồng thời, xin nói thêm rằng từ góc độ tâm lý, người dân sẽ buồn và mất niềm tin thế nào khi biết có nhiều quan chức nhà nước hành xử như vậy.

- Hiện nay cũng chưa có quan chức nào bị chỉ ra có "sân sau", dù biểu hiện nhiều khi rất rõ ràng. Qua một số vụ như vụ đánh bạc nghìn tỉ trên mạng, vụ Vũ Nhôm, Út Trọc, vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh (Đồng Nai), Điện Quang... nhiều ý kiến cho rằng đây chính là hiện tượng “sân sau”. Theo ông, nên chăng cần quy định chỉ rõ những quan chức và "sân sau" của họ?

Việc chỉ đích danh các quan chức có “doanh nghiệp sân sau” buộc phải gắn với quy trách nhiệm pháp lý, và do đó hoàn toàn không đơn giản. Cụ thể, nếu mối quan hệ của một quan chức với “sân sau” của mình hữu hình, tức thông qua sở hữu cổ phần trực tiếp hay ít nhất thông qua người thân thuộc đối tượng bị cấm của pháp luật thì điều này có thể thực hiện được.

Tuy nhiên trên thực tế, phần lớn các trường hợp thuộc về các quan hệ vô hình nên sẽ khó phát hiện để truy cứu trách nhiệm theo pháp luật. Cho nên tôi cho rằng, việc này nếu tiến hành chỉ có thể làm trong khuôn khổ của các vụ án tham nhũng cụ thể.

"Doanh nghiệp sân sau" hình thành trong cổ phần hóa

- Trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hiện nay, nhiều ý kiến cũng lo ngại về tình trạng “sân sau”, ông có thể phân tích thêm điều này?

Câu chuyện này không còn dừng ở e ngại mà đã trở thành thực tế, tuy ít bị phát hiện nhưng dường như ai cũng biết. Như tôi đã phân tích rằng việc hình thành các “doanh nghiệp sân sau” gắn với quá trình chuẩn bị chu đáo và bài bản cho tương lai, thì cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là cơ hội hoàn toàn thích hợp cho điều này.

Tại sao? Bởi đó là một quá trình được sắp xếp, tổ chức và tiến hành chủ động của chính những người trong cuộc. Nếu tôi có quyền xây dựng và thực thi một đề án chuyển đổi sở hữu của doanh nghiệp với các tài sản có giá trị và tiềm năng lớn do chính tôi đang quản lý, thì tại sao tôi lại không tính toán cho lợi ích của mình trong đó?

Trong tình huống này, không chỉ bản thân tôi đăng ký mua cổ phần bình đẳng như mọi cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp mà tôi còn thu xếp để làm sao ngay sau khi “cổ phần hoá”, sẽ mua gom lại cổ phần của đa số những cán bộ, nhân viên vốn đã được mua rẻ cổ phần nhưng không có đủ thông tin, năng lực cũng như ý định quản lý doanh nghiệp trong tương lai.

Còn trong tình huống khác, nếu doanh nghiệp được phép bán đa số cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thì chính người thân hay bạn bè tôi sẽ được chỉ định hay thu xếp để trúng thầu làm nhà đầu tư ấy.

Qua những phương thức chủ yếu như vậy, tôi sẽ có một doanh nghiệp đúng nghĩa “sân sau” sau cổ phần hoá.

Với tư cách một chuyên gia, trong câu chuyện này, có một điều tôi thắc mắc từ rất lâu. Đó là tại sao chúng ta không học tập mô hình và kinh nghiệm thành công của các nước Đông Âu trước kia trong tư nhân hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Các doanh nghiệp nhà nước của họ được chuyển giao cho một cơ quan tập trung để thống nhất điều hành quá trình chuyển đổi sở hữu, thay vì cho để cho chính các doanh nghiệp nhà nước “tự bán mình”, hay cơ quan chủ quản của nó điều hành. Mỗi nước có con đường riêng của mình.

Tuy nhiên theo cách đó, các nước Đông Âu đã chuyển đổi thành công sang nền kinh tế thị trường với nền tảng là kinh tế tư nhân, là điều mà chỉ đến nay, sau gần 30 đổi mới chúng ta mới bàn đến.

- Để xử lý tình trạng sân sau, theo ông đâu là giải pháp? Có cần thiết phải mở rộng chống tham nhũng sang cả khu vực tư? Việc này vốn rất khó khăn vì ngay cả chống tham nhũng ở khu vực công hiện nay vẫn còn rất gian nan?

Vâng, nếu được gọi là giải pháp trước mắt, tôi cho rằng cần coi hiện tượng “doanh nghiệp sân sau” là một dạng tham nhũng để xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, bởi Luật Phòng chống tham nhũng đang quy định theo hướng tách bạch các hành vi tham nhũng của 2 khu vực công và tư, do đó rất cần bổ sung thêm các hành vi tham nhũng của khu vực thứ ba.

Đó là sự liên kết, móc ngoặc giữa 2 khu vực công - tư cho mục tiêu lạm dụng quyền lực và chức quyền để kinh doanh, trục lợi.

- Cảm ơn ông!

Trí Lâm thực hiện

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Doanh nghiệp sân sau': Ngày xưa vất vả chạy quan chức, giờ thì được họ chủ động đưa dự án