Nghe tiếng kêu cứu trong máy liên lạc, anh Dương nhấn ga, chiếc tàu chồm lên trên sóng nước, lao nhanh về phía cửa biển Mỹ Á để cứu tàu cá cùng ngư dân bị mắc cạn với nguy cơ bị sóng lớn xô vào đá vỡ tan tành...

Hiệp sĩ trên biển cả

Minh Kỳ | 31/12/2017, 09:11

Nghe tiếng kêu cứu trong máy liên lạc, anh Dương nhấn ga, chiếc tàu chồm lên trên sóng nước, lao nhanh về phía cửa biển Mỹ Á để cứu tàu cá cùng ngư dân bị mắc cạn với nguy cơ bị sóng lớn xô vào đá vỡ tan tành...

Nhiều bữa, anh bơi lặn trong làn nước lạnh buốt tìm cách trục vớt, lai dắt tàu cá bị sóng nhấn chìm và đưa vào bờ an toàn. Anh có biệt tài “đón nước” để thu những mẻ lưới cá nặng đầy khoang.

Thợ săncá

Anh Nguyễn Dương ở xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) với dáng người nhỏ thấp, giọng nói êm nhẹ tựa sóng biển rì rầm vỗ vào bờ cát. Anh rỉ rả: “Mùa này đánh bắt ít nhất trong năm. Mỗi đêm chỉ được trên dưới 10 triệu. Chủ tàu như tôi được 1 -2 triệu, bạn chài được chia vài trăm nghìn đồng”. Với nhiều ngư dân, đấy là khoản thu nhập cao vì thời điểm này là “mùa biển khó”, ra khơi phải luôn ngóng mây trời, gió, nước và theo dõi dự báo thời tiết để chạy vào đất liền tránh những trận cuồng phong trên biển.

Nhiều người phải chịu lỗ phí tổn, nhưng anh và bạn chài chung tàu vẫn thu nhập được tiền trăm, tiền triệu. Họ gọi anh là “thợ săn” vì luôn trúng những mẻ cá lớn. Có những đêm, chỉ với 3 mẻ lưới anh đã thu được hơn 9 tấn cá cơm, lãi trên trăm triệu đồng. “Anh Dương giỏi lùng tìm những đàn cá nên luôn trúng đậm. Nhiều chủ tàu khác than lỗ vốn nhưng đi với ảnh thì mỗi năm bạn chài được chia từ 50 -70 triệu đồng”,một ngư dân cho biết.

Anh Dương giãi bày biệt danh “thợ săn” của mình: “Họ thấy tôi đánh bắt nhiều cá nên gọi thợ săn vậy thôi. Cũng chẳng có bí quyết gì phải giấu cả. Tùy theo mùa để canh đón dòng hải lưu, chọn từng vùng biển để dò tìm bằng máy và giăng lưới đón đàn cá di chuyển. Trên vùng biển Quảng Ngãi thì từ tháng 2 -6 âm lịch, dòng hải lưu chảy hướng Nam -Bắc; tháng 6 đến tháng chạp, dòng hải lưu chảy hướng ngược lại. Theo đó mà chọn khu vực dò tìm rồi buông lưới thì sẽ có nhiều cá. Những tháng còn lại trong năm, cá di tản nơi khác nên tôi phải ra đánh bắt trên vùng biển Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế). Khi thủy triều lên hoặc xuống là cá chạy, nổi trên mặt nước, nên dễ đánh bắt. Lúc con nước áp vào bờ thì cá theo vào bờ, khi ấy mà buông lưới thì sẽ thu được những mẻ cá đầy khoang. Nhiều người cứ theo kinh nghiệm xưa mà nhìn trời, ngắm biển rồi cho rằng ít cá nên ở nhà, sợ lỗ phí tổn. Riêng tôi và bạn chài vẫn kiên trì bám biển, chỉ cần thay đổi khu vực và canh dòng hải lưu để buông lưới thì sẽ có cá với giá bán cao hơn hẳn thường ngày…”.

Kiểm tra lại giàn lưới và các ngư cụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới

16 tuổi, Dương thay cha điều khiển tàu cá công suất 33CV kiếm tiền nuôi sống gia đình. Sau nhiều năm lênh đênh trên biển, anh cùng với 2 người em trai sở hữu 4 chiếc tàu cá với trị giáhơn 4 tỉđồng. Trong đó, có 2 chiếc với tổng công suất 1.000CV hành nghề lưới vây rút trên vùng biển Hoàng Sa.

Biển cả cũng đã “ban tặng” cho các anh những căn nhà cao tầng cùng với trang thiết bị đắt tiền, các con được cắp sách đến trường. Riêng vợ chồng anh lo cho 4 người con ăn học và đã có việc làm ổn định. Con trai duy nhất của anh là Nguyễn Thành Đôn, nối nghiệp cha, hiện là thuyền trưởng tàu cá QNg -94259TS với công suất 500CV đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Anh cho nhiều ngư dân mượn vốn để sắm ngư cụ vươn khơi.

Bạn chài nể trọng vì anh tích lũy nhiều kinh nghiệm phòng tránh sự cuồng nộ của biển cả. “Trời nhuộm đỏ là ngày mai có gió lớn, chớp nháy sát mặt nước ở gần đảo Lý Sơn là sắp có bão vào vùng biển Quảng Ngãi. Sóng quá lớn, tôi cùng bạn chài ném những dàn lưới xuống biển để giảm áp lực đánh vào thân tàu. Khi vào cửa biển Mỹ Á gặp sóng lớn, tôi buộc 2 tảng đá cỡ vòng tay người ôm rồi thả xuống nước phía trước và sau thân tàu để giữ thăng bằng… Và tôi luôn theo dõi dự báo thời tiết để tránh rủi ro” – anh nói.

Dương Inox

Nhiều người gọi anh là “Dương Inox” vì anh có thể dầm mình trong làn nước lạnh buốt hàng giờ đồng hồ. Khả năng lặn sâu với thời gian kéo dài trong nước của anh bắt nguồn từ việc khá hy hữu, đậm nét tín ngưỡng của cư dân miền biển.

Hơn 30 năm trước, trong lúc làm sạch vảy cá để chế biến thức ăn trên tàu khi đang đánh bắt, một bạn chài vô ý đánh rơi dao xuống biển. Đây là điềm gở đối với ngư dân vì họ lo sợ sẽ gặp tai ương nếu lưỡi dao cắm vào lòng biển. Mọi người trên tàu nhìn nhau thở dài trước ánh mắt hối lỗi của người bạn chài. Không ngần ngại, anh lao ngay xuống làn nước và vớt được chiếc dao nằm dưới đáy biển thẳm sâu sau nhiều lần ngụp lặn. Từ đó, nhiều người tìm đến nhờ anh lặn tìm những vật dụng mà họ đã lỡ đánh rơi xuống nước sâu.

Kỹ năng lặn giúp anh thoát chết khi đưa tàu vào cửa biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) tránh bão số 5 năm 2007. Đi cùng anh có tàu cá của ngư dân Huỳnh Sỹ bị sóng bổ nhào, nguy cơ bị nhấn chìm. Anh giao vô lăng cho người cháu để lên phía trước tìm cách cứu giúp thì bị sóng đánh văng xuống biển. Anh vội lặn sâu xuống đáy để tránh sóng dữ. Khi hai chiếc tàu cá vào đến bờ, mọi người chắp tay vái lạy thủy thần cho anh sống sót sau những con sóng lớn đang gào thét ầm ào, xô vào bờ đá tung bọt nước trắng xóa. Anh ráng sức bám chặt vào đá, dành khoản thời gian giữa hai cơn sóng để thở rồi nhích dần lên tảng đá cao khỏi ngọn sóng và bất tỉnh dưới làn mưa bão.

Lúc tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trong vòng tay của người vợ với gương mặt đẫm lệ, thuê xe ôm vượt hơn 30km vào tìm chồng khi hay tin dữ. “Lâu nay mọi người thán phục nó với tài bơi lặn trong làn nước lạnh hàng giờ đồng hồ. Vụ đó nó không bị trầy xướcchi hết nên mọi người gọi luôn là Dương Inox. Nó thường giúp đỡ mọi người nên được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành nghiệp đoàn nghề cá của xã…”,ông Lê Văn Cường -Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Phổ Quang nói.

“Tôi cũng bằng da bằng thịt như người bình thường thôi. Do hồi còn nhỏ theo cha đi biển hành nghề thả lưới cao (hiện giờ không còn vì kém hiệu quả) nên sáng sớm lạnh run cũng phải ôm phao bơi lặn giữ lưới hoài rồi quen. Sau đó lại ráng sức lặn xuống tìm dao rồi lặn hoài nên quen luôn đến giờ” -anh bộc bạch.

Cứu người trên biển

37 năm gắn bó với biển, hàng chục lần anh bất chấp hiểm nguy vượt qua sóng gió để cứu ngư dân bị nạn. Bất kể đêm ngày, cứ nghe tín hiệu cấp cứu là anh vội chạy đến cứu nạn dù bạn chài trên tàu ngăn cản vì ngại lỗ phí tổn.

Vào cuối năm 2011, khi ra cửa biển Mỹ Á, tàu cá QNg - 48909 TS của ngư dân Hành Văn Hóa bị sóng nhấn chìm. Ngư dân Trần Cu Ly đưa tàu đến lai dắt thì bị sóng lớn bủa ngang, tàu lắc mạnh làm một ngư dân rơi xuống biển. Nghe tin, anh vội đến hiện trường và lao ngay xuống nước mặc cho sóng gầm thét dữ dội khiến nhiều người lo lắng anh sẽ bị đập vào kè đá hay cuốn ra khơi xa. Tuy không cứu được ngư dân bị nạn, nhưng anh và bạn chài đã trục vớt được khối tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng.

Trước đó, tàu cá của anh Nguyễn Ngàn ở thôn Hải Tân bị mắc cạn và sóng lớn sắp nhấn chìm khi vào cửa biển Mỹ Á. Nhận được tín hiệu cấp cứu trong đêm trên biển, anh Dương vội đánh thức các thuyền viên rồi mở ga hết tốc lực lao đến chiếc tàu bị nạn. “Sóng bổ mạnh như muốn nuốt chửng hai con tàu và gần 20 ngư dân giữa đêm đen. Tôi phải vật lộn với sóng dữ để điều khiển tàu cá tiến đến gần rồi ra hiệu cho bạn chài ném dây thừng sang lôi tàu bị mắc cạn ra biển buông lưới trong đêm” -anh nhớ lại. “Lúc ấy, có một số tàu cá ở gần nhưng họ không dám vào cứu vì trời quá tối. Tôi lo quá trời vì chậm chút nữa là sóng có thể xô tàu vào đá vỡ tan, một số bạn chài không biết bơi có thể bị sóng cuốn ra xa. May có anh Dương đến kịp thời”,anh Ngàn nói.

Cửa biển Mỹ Á cũng nhấn chìm chiếc tàu cá QNg -48641TS của anh Dương vào năm 2009. Bữa ấy, anh đang lai dắt tàu cá của ngư dân bị mắc cạn thì sóng lớn đẩy tàu anh va vào đá ngầm và nhấn chìm. Nhiều giờ liền, anh lặn ngụp dưới làn nước lạnh buốt để nối dây cáp giữa tàu chìm và những tàu cứu hộ. Rồi hai tàu cá tả tơi cũng được kéo về bến.

Tàu của anh bị thiệt hại gần 50 triệu đồng, nhưng anh vẫn nhất quyết “tàu ai người nấy sửa”. Ngư dân Nguyễn Văn Kiểu, chủ tàu cá QNg -4459TScho biết: “Tàu của tôi sửa chữa xong, chạy từ Tam Quan về Mỹ Á thì bị mắc cạn khi vào bến. Trên tàu có mẹ tôi không biết bơi. May có ảnh lai dắt kịp thời nên tàu chỉ bị hư hại nhẹ. Ảnh không chỉ cứu giúp tàu của ngư dân Phổ Quang, nhiều tàu cá ở nơi khác bị nạn trên vùng biển Mỹ Á đều tìm đến nhờ ảnh giúp đỡ. Ảnh đều vui vẻ nhận lời dù không lấy công gì cả”.

Ông Nguyễn Xếch – Vạn trưởng Vạn chài thôn Hải Tân nói: “Do phải luôn gắng sức chịu lạnh để bơi lặn cứu vớt ngư dân và ngư cụ bị sóng nhấn chìm nên giờ tai trái của nó bị điếc đặc. Nhưng hễ nghe ngư dân gặp nạn là nó lại cứu giúp dù phải bỏ cả chuyến biển và thiệt hại phí tổn”.

Tường nhà anh Dương treo nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp, ngành trao tặng vì tích cực cứu nạn trên biển. Nhưng điều khiến anh vui nhất là giành lại sự sống của ngư phủ từ tay thủy thần.

“Tiền bạc mất đi tôi có thể ráng sức kiếm được, nhưng chỉ chậm chút xíu là anh em bị sóng cuốn trôi, tàu và ngư cụ bị nhấn chìm, coi như trắng tay. Vậy nên nghe tin là tôi đến cứu giúp chứ không suy tính thiệt hơn gì cả. Mình sống tốt với mọi người thì Trời thương, sẽ làm ăn thuận lợi chứ không mất đâu mà sợ” – anh nói.

Chị Nguyễn Thị Kim Chung, vợ anh, tâm sự: “Đứng trên bờ thấy ảnh lặn tôi lo lắm. Tàu chìm tung lưới rối bời dưới nước. Sợ ảnh mắc kẹt trong đó thì chết. Vì vậy, cũng có đôi lần tôi định can ngăn, nhưng thấy ảnh lo cho anh em như vậy nên lại thôi và rồi thấy vui vì đã may mắn lấy được ảnh làm chồng”.

Bài và ảnh: Minh Kỳ
Bài liên quan
Ngư dân Hà Tĩnh trúng mẻ cá đù gần 100 triệu đồng
Một nhóm ngư dân ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) kéo lưới cách bờ khoảng 1km đã trúng một mẻ cá đù gần 1 tấn, bán được gần 100 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp sĩ trên biển cả