Chỉ chiếm một lượng rất nhỏ dược tính đặc trưng của loại dầu tràm truyền thống xứ Huế, nhưng một chủ cơ sở buôn dầu tràm định “hô biến” hơn 1.000 chai dầu kém chất lượng thành dầu tràm thật.
Ngày 11.5, Công an TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết đơn vị này đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dầu tràm Phước Quy, địa chỉ 218, đường Chi Lăng, P.Phú Cát, TP.Huế về hành vi buôn bán sản xuất hàng nhái hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thông tin bước đầu được biết, khoảng 9 giờ ngày 8.5, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an TP.Huế bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh dầu tràm Phước Quy. Qua đó, phát hiện 1.087 chai dầu được dán nhãn mác “Phước Quy” và “Thiên An” nghi vấn không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng như đã công bố. Tiếp tục kiểm tra, các trinh sát phát hiện 3 thùng phi nhựa loại dung tích 180 lít bên trong chứa các chất nghi là dầu chổi. Làm vệc với cơ quan công an, chủ cơ sở dầu tràm này cho biết, số dầu chổi sẽ chiết vào các chai nhỏ 100 ml và được dán nhãn mác dầu tràm cung cấp ra thị trường với giá rẻ. Cơ quan công an đã lấy mẫu kiểm nghiệm và tạm giữ toàn bộ số sản phẩm được cho là “dầu tràm” nói trên.
Cơ quan công an kiểm tra và làm việc với người liên quan ở cơ sở SX-KD dầu tràm Phước Quy
Ngày 10.5, Công an TP.Huế đã nhận được kết quả từ Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên - Huế cho thấy toàn bộ số dầu tràm tạm giữ tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dầu tràm Phước Quy không đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Cụ thể là hàm lượng Cineol trong các chai dầu tràm nói trên chỉ đạt 5 - 10%, trong khi đó theo quy định hàm lượng Cineol của dầu tràm phải đạt tối thiểu từ 40 - 60%.
Dầu tràm được tinh chế từ cây tràm mọc tự nhiên (thường gọi là tràm gió) giữa những cồn cát cằn cỗi ở Huế và Cineol là một hoạt chất đặc thù, có tính khử khuẩn cao tồn tại trong các cánh lá tràm. Do tính lành, nên dầu này thường được các mẹ và bé sơ sinh ưa dùng; nhiều khách sạn nhà hàng cũng dùng loại dầu này như một thứ hương liệu tạo mùi thơm dễ chịu cho môi trường.
Cây tràm mọc tự nhiên vốn có hoạt chất Cineol cao để sản xuất ra tinh dầu tràm đặc trưng ở một số vùng đất nghèo của Huế
Sau một thời gian dài vắng bóng do những người hành nghề nấu dầu tràm gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ, thu nhập từ nghề nấu dầu tràm và bỏ nghề, nhiều năm trở lại đây nghề dầu tràm ở Huế được hồi sinh. Thậm chí có hiện tượng tại một huyện ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nghề nấu dấu tràm “trăm hoa đua nở”, gây ra những lo ngại về chất lượng loại dầu truyền thống này.
Đặc biệt, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, dùng hóa chất thay cho tinh dầu tràm đã xuất hiện và có chủ cơ sở từng bị xử phạt về hành vi này, tuy nhiên việc sản xuất, tiêu thụ và hàng thật hàng giả, hàng nhái tồn tại ngổn ngang trên thị trường ở Huế đang đặt ra nhiều thách thức cho lực lượng chức trách, nhất là trách nhiệm chính quyền các địa phương có nghề truyền thống sản xuất và tiêu thụ dầu tràm.
Tin, ảnh: Nhật Lam