TP.HCM đặt mục tiêu trong năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới là 50.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ được hơn 18.000 doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh không muốn 'lên đời',TPHCM khó đạt chỉ tiêu doanh nghiệp mới

Phan Diệu | 15/06/2017, 17:33

TP.HCM đặt mục tiêu trong năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới là 50.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ được hơn 18.000 doanh nghiệp.

Ngày 15.6, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017.

Doanh nghiệp thành lập mới không như kỳ vọng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch -Đầu tư TP.HCM, TP hiện có 18.030 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 227.514 tỉ đồng, so cùng kỳ tăng 10,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 57,5% về vốn đăng ký.

TP cũng có 26.137 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 265.165 tỉ đồng; so cùng kỳ tăng 10,2% về số lượt doanh nghiệp và tăng gấp 3,5 lần về vốn bổ sung.

Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 492.679 tỉ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên hệ thống (đã trừ giải thể) là 312.079 doanh nghiệp.

Phân theo loại hình doanh nghiệp thành lập mới, công ty TNHH một thành viên chiếm tỷ trọng cao nhất (58,3%) với 10.515 doanh nghiệp; tiếp theo là công ty TNHH hai thành viên trở lên chiếm 28,7% với 5.181 doanh nghiệp; công ty cổ phần là 2.069 doanh nghiệp chiếm 11,5%; doanh nghiệp tư nhân là 264 doanh nghiệp chiếm 1,5%; công ty hợp doanh có 1 doanh nghiệp chiếm 0,01%.

Đáng chú ý, trong số này, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (40%) với vốn đăng ký 90.971 tỉ đồng; tiếp theolà buôn bán, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy chiếm 19,7% với vốn đăng ký 44.761,5 tỉ đồng; xây dựng là 35.386,1 tỉ đồng chiếm 15,5%.

Đặc biệt, TP tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, đến nay đã có 544 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Giải pháp đưa ra chưa thu hút doanh nghiệp

Sau khi nghe xong báo cáo này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng TP đặt mục tiêu trong năm 2017 sẽ thành lập là 50.000 doanh nghiệp, thế nhưng 6 tháng đầu năm thì chỉ mới hơn 18.000 doanh nghiệp được thành lậpmới. Như vậy, liệu 6 tháng còn lại TP có đủ con số 32.000 nữa hay không?

“Chúng ta phải thống kêxem trong lĩnh vực sản xuất đã có bao nhiêu doanh nghiệp thành lập mới? Chính cái này mới tạo ra giá trị. Bây giờ đã hết 6 tháng rồi, liệu 6 tháng còn lại có đủ con số 32.000 nữa hay không? Chúng ta đã thực sự tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất hay chưa? Những giải pháp chúng ta đặt ra không thu hút các ngành kinh tế. Thực tế, khi đi vào những chính sách, quy định thì phải làm sao cho doanh nghiệp cùng TP thực hiện”, ông Phong nói.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Liêm,Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng để phát triển doanh nghiệp, TP phải xác định lấy nguồn từ đâu? Đó là từ 24 quận huyện, tất cả đều có nguồn. Ông Liêm cho biết dữ liệu báo cáo cho thấy cuối năm thường có khả năng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao hơn. Mặc dù doanh nghiệp thành lập chưa như kỳ vọng nhưng bù lại, số vốn bỏ ra tăng gấp 2-3 lần sovới cùng kỳ.

Quận nào cũng kêu khó

Cũng bàn về số doanh nghiệp thành lập mới, tại cuộc họp báo do UBND TP.HCM tổ chức diễn ra cùng ngày,bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch -Đầu tư nói rằng, trong 6 tháng đầu năm do có 2 tháng Tết thì doanh nghiệp không thành lập nên số doanh nghiệp thành lập mới không cao. Trong 6 tháng cuối năm, con số này sẽ tăng và 32.000 doanh nghiệp thành lập mới là khả thi.

“Tuy nhiên, chúng ta không chỉ chờ con số doanh nghiệp thành lập mới mà chờ TP ban hành quyết định để sở ngành rà soát các chính sách hỗ trợ, kiến nghị cho doanh nghiệp. TPgiao chỉ tiêu cho từng quận huyện để có kế hoạch cụ thể. Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã làm việc với từng quận huyện và lên kế hoạch triển khai những chỉ tiêu của TP”, bà Minh thông tin.

Về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cũng nhận định nếu không làm thêm nhiều việc, TP sẽ gặp khó.

“Hộ kinh doanh cá thể không thích chuyển lên thành doanh nghiệp vì họ thích kiểu kinh doanh cá thể, nó có lợi và cơ chế quản lý hộ kinh doanh hiện chưa chặt chẽ. Chúng ta đi vận động và nói rằng họ sẽ được nhiều hơn nếu lên doanh nghiệp. Thế nhưng, vấn đề là chúng ta chỉ nói được nhiều hơn nhưng không nói rõ là nhiều hơn cái gì, nhiều hơn bao nhiêu thì chưa ra cụ thể.

Chúng ta nói nhiều, có ý tưởng, có đề xuất nhưng vấn đề cần làm nhất là cụ thể thì lại chưa làm được. Tất cả phải đưa vô cụ thể, chứ như thế này thì khó lắm.Quận nào cũng kêu khó. Đã đến lúc chúng ta phải hệ thống hóa, giải quyết bài toán cụ thể để bà con thấy có lợi mới chuyển lên thành doanh nghiệp”, ông Hoan nhấn mạnh.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hộ kinh doanh không muốn 'lên đời',TPHCM khó đạt chỉ tiêu doanh nghiệp mới