Do Vinafood 1 và Vinafood 2 là hai đầu mối được Chính phủ chỉ định, giao dịch ký kết hợp đồng G2G, nên VFA yêu cầu các thương nhân xuất khẩu gạo không được phép giao dịch với thị trường Bangladesh, Malaysia và sắp tới là Philippines.

Thương nhân sống 'lay lắt' vì mất dần cơ hội xuất khẩu gạo

tuyetnhung | 12/06/2017, 16:15

Do Vinafood 1 và Vinafood 2 là hai đầu mối được Chính phủ chỉ định, giao dịch ký kết hợp đồng G2G, nên VFA yêu cầu các thương nhân xuất khẩu gạo không được phép giao dịch với thị trường Bangladesh, Malaysia và sắp tới là Philippines.

Cụ thể, vào ngày 6.6 vừa qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã có Công văn số 164/CV/HHLTVN gửi các thương nhân xuất khẩu gạo.

Trong công văn này nêu rõ, do Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là hai đầu mối được Chính phủ chỉ định đang giao dịch ký kết hợp đồng tập trung với Bangladesh, Malaysia và chuẩn bị dự thầu mua gạo của Philippines

Nên để chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm hiệu quả việc ký kết hợp đồng, VFA đã yêu cầu các thương nhân xuất khẩu gạo không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung nêu trên trong thời gian từ nay đến khi 2 tổng công ty kết thúc giao dịch và ký kết hợp đồng.

"Các trường hợp vi phạm được phát hiện. Hiệp hội sẽ báo cáo Bộ Công Thương xem xét xử lý theo quy định", VFA nhấn mạnh.

Trước đó, VFA đã nhiều lần ban hành lệnh cấm ở các thị trường khác như: Indonesia, Cuba, Philippines... Hiện lệnh yêu cầu của VFA tiếp tục gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp gạo trước bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường đã khó, nay bị "bó chân" thì càng khó hơn.

Thông tư 44/2010/TT-BCT, hướng dẫn chi tiết một số điều của Nghị định 109/CP quy định thương nhân không được giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo hoặc để bên mua tái xuất gạo vào thị trường có hợp đồng tập trung trong thời gian có giao dịch G2G; trừ khi được Bộ Công Thương xem xét chấp thuận bằng văn bản... đang được nhìn nhận bộc lộ nhiều bất cập, tạo môi trường thiếu bình đẳng, cạnh tranh trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng quy định này đã cảntrở các doanh nghiệp xuất khẩu vào các quốc gia có ký hợp đồng G2G (hợp đồng liên chính phủ), tạo đặc quyền cho một số doanh nghiệp thực hiện hợp đồng G2G.

Thông thường, các hợp đồng G2G thường chỉ xuất khẩu gạo phân khúc bình dân với giá rẻ, trong khi phần lớn các doanh nghiệp nếu xuất khẩu vào các thị trường này sẽ xuất khẩu gạo chất lượng cao, không ảnh hưởng tới các hợp đồng G2G.

Đánh giá về sự độc quyền của VFA cũng như 2 Tổng công ty nhà nước, PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II tại TP.HCM (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng quy định này đã vô hình trung thiết lập một vùng cấm di động, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi thị trường phát triển theo nhu cầu quốc tế thì các doanh nghiệp nhà nước dễ dàng bán được hàng, còn khi thị trường suy yếu, đầu ra của họ vẫn được đảm bảo, trong khi các doanh nghiệp khác "ngắc ngoải"

"Mặt khác, điều kiện này cũng khiến các doanh nghiệp nghĩ rằng bị phân biệt đối xử, đơn hàng tốt không đến lượt. Phần xương xẩu, thường khi giá lúa nguyên liệu tăng cao, đơn hàng G2G mới được đẩy ra ngoài. Theo đó, cần thiết phải đòi hỏi cơ chế đấu thầu rộng rãi quyền đàm phán G2G là công bằng và chính đáng", ông Khải cho hay.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định quy định này đang tạo ra nhiều bó buộc khác về đầu ra cho doanh nghiệp tư nhân. Có nghĩa là nhiều doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép xuất khẩu vào các thị trường nhỏ hoặc mới, trong khi các thị trường lớn với các đối tác lớn có thỏa thuận cấp Chính phủ thì được quản lý chặt chẽ theo quy chế tập trung.

Theo đó, VEPR đã đề xuất bãi bỏ những quy định về việc xuất khẩu gạo tại thị trường tập trung, bỏ quy định cấm các thương nhân, doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu gạo vào các thị trường G2G và bãi bỏ các điều kiện giao hàng xuất khẩu.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương nhân sống 'lay lắt' vì mất dần cơ hội xuất khẩu gạo