Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Sau phần hội ý, HĐXX ra thông báo hoãn phiên tòa và dự kiến sẽ mở lại vào ngày 8.6 tới.

Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án tại SAGRI do một bị cáo xin vắng mặt vì hậu COVID-19

Tú Viên | 11/05/2022, 13:33

Đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo. Sau phần hội ý, HĐXX ra thông báo hoãn phiên tòa và dự kiến sẽ mở lại vào ngày 8.6 tới.

Sáng 11.5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) để xem xét kháng nghị của VKSND TP.HCM và kháng cáo của 7 bị cáo gồm: Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc SAGRI), Trần Vĩnh Tuyến (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM), Nguyễn Thị Thúy (nguyên Kế toán trưởng SAGRI), Đoàn Quang Hồi (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế), Nguyễn Thị Tuyết Mai (nguyên Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI), Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) và Hồ Văn Ngon (nguyên Phó tổng giám đốc SAGRI).

Trong phần thủ tục, Hội đồng xét xử thông báo, bị cáo Hồ Văn Ngon đã chết do bệnh vào ngày 1.1.2022. Bị cáo Trần Trọng Tuấn có đơn xin hoãn phiên tòa vì lý do sức khỏe. Trong đơn, bị cáo Trần Trọng Tuấn cho biết, sức khỏe yếu, bị khó thở, rối loạn tiêu hóa do di chứng hậu COVID-19 dẫn tới không đủ sức khỏe tham dự phiên tòa. Luật sư của bị cáo Trần Trọng Tuấn cũng có đơn xin hoãn phiên tòa.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện VKSND và luật sư, Hội đồng xét xử đã hội ý và quyết định hoãn phiên tòa. Phiên tòa sẽ được mở lại vào ngày 8.6 tới.

Theo nội dung bản án sơ thẩm, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do UBND TP.HCM thành lập và làm chủ sở hữu. Bị cáo Lê Tấn Hùng là Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật, người quản lý vốn Nhà nước tại SAGRI. Tuy nhiên, bị cáo đã chỉ đạo và cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (nay thuộc TP. Thủ Đức, TP.HCM), gây thất thoát đặc biệt lớn cho nhà nước.

Các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM và cán bộ thuộc UBND TP.HCM đã làm trái quy định về quản lý tài sản nhà nước và các quy định khác, tạo điều kiện cho bị cáo Lê Tấn Hùng chuyển nhượng trái pháp luật dự án trên.

Bị cáo Lê Tấn Hùng bị tuyên phạt 14 năm tù về tội "Tham ô tài sản" và 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", tổng hợp hình phạt 25 năm tù.

Các bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn bị tuyên phạt 6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". Bị cáo Hồ Văn Ngon lĩnh 5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí." Còn Nguyễn Thị Tuyết Mai lĩnh 6 năm tù, Đoàn Quang Hồi lĩnh 8 năm tù cùng về tội “Tham ô tài sản."

Sau bản án sơ thẩm, bị cáo Lê Tấn Hùng và Trần Vĩnh Tuyến cùng các bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trần Trọng Tuấn kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án một cách công tâm, khách quan và phù hợp quy định của pháp luật, không làm oan đối với bị cáo.

Bị cáo Hồ Văn Ngon, nguyên Phó giám đốc SAGRI kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, sau khi làm đơn kháng cáo, bị cáo Hồ Văn Ngon đã chết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án tại SAGRI do một bị cáo xin vắng mặt vì hậu COVID-19