Theo Bộ Y tế, hiện nay Việt Nam vẫn chưa ghi nhận một ca mắc viêm gan bí ẩn nào ở trẻ nhỏ.
Từ những ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Mỹ, đến nay, ít nhất 23 quốc gia đã ghi nhận trẻ bị viêm gan chưa rõ nguyên nhân, 9 trường hợp tử vong và 18 trẻ phải ghép gan vì bệnh nặng. Mặc dù đã xuất hiện ở Đông Nam Á nhưng Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào.
Theo các bác sĩ chuyên môn điều trị tại các bệnh viện Nhi và Nhiệt đới cho biết, bệnh viêm gan bí ẩn có những triệu chứng rất giống với các bệnh truyền nhiễm khác như: cúm, viêm phổi, tả, thương hàn... Mặc dù vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đa số điều trị qua các triệu chứng thông thường. Nếu bệnh nhân nặng có thể ghép gan, nhưng nếu không được ghép gan trẻ rất dễ bị tử vong do men gan tăng cao.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề ghép gan ở nước ngoài khá dễ dàng nhưng ở Việt Nam vẫn đang là thách thức và hơn nữa không phải lúc nào cũng có đủ gan để ghép. Vì vậy, nếu bệnh viêm gan bí ẩn xuất hiện ở Việt Nam thì cũng rất lo ngại và đáng cảnh báo. Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Châu Âu vẫn đang tiến hành các cuộc điều tra để xác định chính xác căn nguyên gây bệnh viêm gan bí ẩn. Tuy nhiên các trường hợp mắc viêm gan bí ẩn xảy ra tại những nơi lưu hành cao vi rút Adeno với các biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại vi rút phổ biến gây viêm gan vi rút cấp tính (vi rút viêm gan A, B, C, D và E).
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Huyền - Khoa khám bệnh Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện nay mặc dù khá lo lắng cho việc nhiều trẻ nhập viện bị nôn ói, sốt cao nhưng cha mẹ cũng không nên quá lo lắng mà đưa con trẻ đi xét nghiệm men gan một cách vội vàng. Tốt nhất là khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám, sau đó bác sĩ sẽ có chỉ định xem có cần thiết phải xét nghiệm hay không. Trường hợp phải xét nghiệm thì nên tiến hành ở cơ sở y tế uy tín, có độ tin cậy xét nghiệm cao để cho kết quả chính xác.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại bệnh viện Nhi Trung ướng có khá nhiều trẻ nhập viện vì nôn ói, tiêu chảy, sốt, đau bụng... nhiều cha mẹ đã lo lắng vì sợ con mình nhiễm bệnh viêm gan bí ẩn. Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, hiện nay đa số các trẻ em nhập viện do bị nôn ói, tiêu chảy đa phần là do vi rút Rota gây nên, không liên quan đến bệnh viêm gan đang cảnh báo. Bên cạnh đó, một số trẻ có thể bị tiêu chảy do ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh. Và có nhiều nguyên nhân gây đau bụng, nôn trớ ở trẻ mà phụ huynh cần theo dõi cụ thể con em mình để biết được chính xác tình trạng bệnh. Tùy theo từng nhóm nguyên nhân khác nhau mà tình trạng của trẻ có thể diễn biến cấp tính trong vài ngày hoặc kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng. Đau bụng và nôn cấp tính nhiều khi là các dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp. Có trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa cũng có thể gây ra đau bụng và nôn ói. Viêm dạ dày - ruột có thể xảy ra khi trẻ ăn thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc trẻ ngậm tay, chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Thời tiết nắng nóng của mùa hè làm gia tăng sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, kiến… dẫn đến dễ lây lan các mầm bệnh. Sử dụng đá, nước giải khát được làm lạnh dễ gây nhiễm khuẩn nếu nguồn nước ô nhiễm... Do chưa biết rõ căn nguyên lây bệnh, đường lây truyền, nên theo bác sĩ Hoa, cách duy nhất để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh là đảm bảo vệ sinh tay chân, uống nước sạch, xử lý rác thải gần nhà. Adenovirus có thể lây qua bề mặt tiếp xúc mà người bệnh để lại, nên việc vệ sinh bề mặt và sử dụng đồ dùng cá nhân riêng như ca, cốc, thìa, khăn mặt rất cần thiết. Ngoài ra, cần đảm bảo ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch. Đây là cách trước mắt để dự phòng các nguồn lây nhiễm.
Trước lo ngại của phụ huynh về bệnh viêm gan “bí ẩn”, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dựa trên những thống kê ca bệnh đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ trên thế giới, triệu chứng khởi phát của căn bệnh này là sốt, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan. Một số biểu hiện khác là vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu, chán ăn, mệt mỏi. Trường hợp nặng hơn có thể lơ mơ hoặc hôn mê. Tình trạng tổn thương gan cấp ở trẻ mắc căn bệnh này là suy giảm chức năng gan và tăng men gan. Nếu trẻ xuất hiện triệu chứng trên cần đưa đến cơ sở y tế sớm để thăm khám cũng như làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan. Từ đó, bệnh nhân phải được chẩn đoán có tình trạng tổn thương gan hay không.
Theo BS Cấp, hiện nay căn bệnh viêm gan "bí ẩn" vẫn chưa được xác định căn nguyên chính xác, vẫn còn rất nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra. Có giả thuyết phổ biến đưa ra căn bệnh này được gây ra bởi vi rút có tên Adeno; cũng có giả thiết khác nói rằng liên quan đến vi rút khác, thậm chí một số loại chưa được xác định. Tại Việt Nam chưa ghi nhận chùm ca bệnh có các triệu chứng như trên. “Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang theo dõi sát sao những trường hợp trẻ nhỏ nhập viện trong tình trạng sốt, nôn, tiêu chảy, đồng thời thăm khám xác định các cháu có tổn thương gan hay không. Ngay cả những trường hợp ngoại trú, các bác sĩ vẫn theo dõi diễn biến khác về tình trạng tổn thương gan. Tuy nhiên, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào có dấu hiệu bất thường. Hiện WHO và các nhà chuyên môn trên thế giới vẫn đang nỗ lực xác định loại vi rút nào gây tổn thương gan ở chùm ca bệnh trẻ nhỏ. Ngay khi thế giới xác định được chủng vi rút, hệ thống phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ lập tức phối hợp để theo dõi diễn biến ở Việt Nam”, bác sĩ Cấp nói.
Trước đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” trên thế giới; phối hợp với các địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam. Các chuyên gia dịch tễ cho biết, nếu viêm gan “bí ẩn” lây nhiễm qua đường tiêu hóa thì tốc độ lây truyền sẽ chậm hơn đường hô hấp. Đáng lo ngại nếu bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khả năng dịch bùng phát sẽ nhanh và mạnh hơn.