Vì lý do khách quan, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo.
Ngày 6.4, TAND TP.Hà Nội mở phiên toà xét xử với các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP (Cienco-1).
Trong vụ án này có 7 bị cáo phải ra hầu tòa, gồm Cấn Hồng Lai (cựu Tổng giám đốc Cienco-1); Phạm Dũng (cựu Chủ tịch HĐTV Cienco-1); Nguyễn Ngọc Tuyển (cựu kiểm toán viên Công ty kiểm toán A&C, nay là Phó tổng giám đốc Công ty Kiểm toán và định giá ASCO) và 4 người khác.
Theo hồ sơ vụ án, Cienco-1 ban đầu thuộc Bộ Giao thông vận tải nhưng năm 2013 có chủ trương cổ phần hóa. Do vậy, Bộ Giao thông ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa do bị cáo Phạm Dũng là Trưởng ban, Cấn Hồng Lai là Phó ban thường trực.
Tháng 6.2014, Cienco-1 được cổ phần hóa thành công với đăng ký kinh doanh mới thể hiện vốn điều lệ doanh nghiệp này là 700 tỉ đồng gồm 35% của Nhà nước. Đến cuối năm, Bộ Giao thông thoái toàn bộ số 35% vốn này. Quá trình cổ phần hóa, các bị cáo trong vụ án và một số người, đơn vị liên quan có sai phạm gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng.
Cụ thể, ở sai phạm thứ nhất, nhóm Cần Hồng Lai đã xóa khoản nợ phải thu 184 tỉ đồng sai quy định. Theo điều tra, từ năm 2010 - 2012, Cienco 1 đã trích lập dự phòng với những khoản thu khó đòi của 50 công ty với số tiền 306 tỉ đồng.
Năm 2013, để xử lý các vấn đề khi cổ phần hóa, nhóm ông Lai xác định 50 công ty trên nợ Cienco-1 tổng số 364 tỉ đồng. Họ cho rằng có 184 tỉ đồng là “khó đòi” nên quyết định xóa, dù đây là tài sản công. Sau khi cổ phần, nhóm điều hành mới của Cienco-1 đã đòi được 65 tỉ đồng trong số này nhưng không bàn giao cho Nhà nước.
VKS xác định Cienco-1 trước khi cổ phần hóa phải bàn giao “các khoản nợ phải thu đã xử lý xóa nợ” cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam. Tuy nhiên, ông Lai và cấp dưới khi bàn giao đã “bỏ quên” 184 tỉ đồng.
Sai phạm thứ 2, Cienco-1 khi cổ phần hóa còn “bỏ quên” giá trị quyền sử dụng 4 khu đất vào giá trị doanh nghiệp. Số tài sản này, gồm 422m2 tại số 135 Nguyễn Văn Đậu, T.HCM; 916m2 tại TP.Tân An (tỉnh Long An); 16.706m2 tại Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) và 852m2 tại TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Theo quy định của Chính phủ, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, UBND cấp tỉnh sẽ có ý kiến chính thức để làm căn cứ xác định giá trị đất. Tuy nhiên, nhóm lãnh đạo Cienco-1 và các bị cáo thuộc Công ty A&C đã xác định 4 khu đất trên là “tài sản cố định vô hình” với tổng giá trị 12,6 tỉ đồng.
Ngược lại, Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự tại 4 tỉnh thành nói trên xác định năm 2013, tổng giá trị 4 khu đất của Cienco-1 là hơn 67,4 tỉ đồng. Do vậy, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 54,7 tỉ đồng.
Tại phiên toà xét xử sáng nay, luật sư đề nghị triệu tập Giám đốc Công ty định giá và một số cá nhân. Ngoài ra, một số luật sư của các bị cáo cũng vắng mặt.
Theo đại diện Viện KSND TP.Hà Nội, bị cáo Cấn Hồng Lai bị truy tố ở khung hình phạt cao, việc vắng mặt của nhiều luật sư sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông Lai. Theo đó, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo.