Thủ tục rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ ký vào sổ, không thế chân, không phương án sản xuất kinh doanh... là những đặc điểm chung của giao dịch của “ngân hàng ngầm”. 

Hoạt động tín dụng đen và sự thật về những “ngân hàng ngầm“

Một Thế Giới | 12/09/2015, 08:43

Thủ tục rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ ký vào sổ, không thế chân, không phương án sản xuất kinh doanh... là những đặc điểm chung của giao dịch của “ngân hàng ngầm”. 

“Ngân hàng ngầm” một cách gọi khác của tín dụng đen, tác nhân đẩy biết bao dân nghèo rơi vào cảnh khốn quẩn. Có nhiều yếu tố để các giao dịch vay tiền biến thành “tín dụng đen”, nhưng yếu tố chính yếu nhất là lãi suất ngất ngưởng, tưởng chừng như “cắt cổ”. Phóng viên đã tiếp xúc với một số nạn nhân và tìm hiểu vấn nạn này từ nhiều góc cạnh khác và không khỏi giật mình...
Tiếng kêu cứu của những nạn nhân
Tiếp xúc với PV, một nạn nhân tên là Vũ Anh Tuấn (trú tại Hà Nội) trình bày, do thiếu tiền kinh doanh, không vay vốn được từ ngân hàng, trong năm 2013, gia đình ông phải đi vay 300 triệu đồng, lãi tính theo ngày của những kẻ cho vay “ngoài xã hội”, ông cũng bị thuyết phục ký hợp đồng chuyển nhượng và giao sổ đỏ cho bên cho vay, nhằm bảo đảm có nghĩa vụ trả lãi và gốc. Ông Tuấn tin là như vậy vì không phải bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng.
Nhưng đến năm 2014, ông bắt đầu gặp các cán bộ của một số ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi nhà đất của mình. Khi hỏi các cán bộ ngân hàng, ông mới được biết là nhà đất của mình đã bị sang tên đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền.
Ông Tuấn kể: “Lúc này, tôi mới biết là mình đã bị lừa ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Chúng tôi rất ngạc nhiên về việc này, vì chúng tôi vẫn ở trong nhà của mình từ trước cho đến nay, không thấy bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh giá hay ký tá các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng”. Nạn nhân này cũng cho biết thêm, ông đã có rất nhiều đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an, các ngân hàng để kêu cứu. Tuy nhiên, sự việc vẫn là chờ đợi giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Lệ, tổ 36 Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Gia Lâm cũng là một nạn nhân của hoạt động “ngân hàng ngầm”. Bà Lệ cho hay, được một người quen tên là L. giới thiệu, bà đồng ý vay 150 triệu đồng của Chủ tịch HĐQT công ty CP CTN Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội do bà Nguyễn Thị H. làm Chủ tịch HĐQT.
Tin lời L., bà Lệ ký khống hàng loạt giấy tờ mà không biết đó là giấy tờ gì, đồng thời giao cho bà H. chứng minh nhân dân, sổ đỏ và sổ hộ khẩu. Thế nhưng, sau khi giao cho bà Lệ 80 triệu đồng, bà H. cầm giấy tờ bỏ trốn. Mãi khi “xã hội đen” và cả cán bộ ngân hàng xuống xem nhà để thu hồi nợ, bà Lệ mới biết nhà của mình đã bị bà H. mang đi thế chấp ngân hàng để vay 2 tỉ đồng.
Qua tìm hiểu được biết, gia đình bà cùng với nhiều hộ gia đình khác đã bị công ty CTN (do Nguyễn Thị H. làm Chủ tịch Hội đồng quản trị) lừa đảo ký giấy bán nhà để thế chấp tại ngân hàng. Bà Lệ cho biết, đã nhiều lần tìm gặp người cho vay để trả nợ, nhưng đối tượng này đã bỏ trốn và sổ đỏ của bà vẫn do ngân hàng giữ.
Những ví dụ trên đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp người dân nghèo bị rơi vào bẫy của những “ngân hàng ngầm”, một hình thức lừa đảo tín dụng do cả tin và thiếu hiểu biết.
Cạm bẫy đặt sẵn
Thượng tá Trần Thị Thúy, Phó trưởng phòng 5, Tổng cục cảnh sát, bộ Công an cho biết, từ lâu, “ngân hàng ngầm” hay tín dụng đen có thể được hiểu là “tín dụng phi chính thức”. Hiểu một cách thông dụng, tín dụng đen là hình thức tín dụng tư nhân, nằm ngoài hoạt động của các tổ chức tín dụng, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng, được sử dụng với ý nghĩa tiêu cực.
Đó là những khoản cho vay với lãi suất rất cao và có phần tham gia của các tổ chức tội phạm, gắn với các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật. “Các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm bắt giữ người trái pháp luật để xiết nợ, đòi nợ thuê, một số vụ việc các đối tượng sử dụng vũ khí để đe dọa, đánh đập, “khủng bố tinh thần” bằng cách ném chất bẩn, đặt vòng hoa trước nhà con nợ, gây sức ép khi đòi nợ, truy sát con nợ ngang nhiên giữa nơi đông người hoặc ngay tại nhà của con nợ dẫn đến chết người, gây thương tích nặng cho nạn nhân. Tội phạm vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra liên tiếp ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi”, Thượng tá Thúy phân tích.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền, công ty Luật hợp danh Thiên Thanh cũng cho rằng, thực tế các giao dịch cho vay ngoài không bao giờ ghi "mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng nên rất khó chứng minh hành vi vi phạm để xử lý”.
Trong khi đó, Trung tá Lê Khắc Sơn, (PC45, Công an TP. Hà Nội) nhận định trong rất nhiều trường hợp, cơ quan bảo vệ pháp luật muốn bảo vệ người dân bị lừa đảo nhưng các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại lập luận đó, nên dù muốn bảo vệ cũng khó. Có những gia đình, tất cả các thành viên đều đồng tình ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà cho đối tượng cho vay tín dụng đen, vì vậy, khi đưa ra tòa xét xử thì người vay vẫn là bên yếu thế.
Đồng tình với Trung tá Sơn, ông Chu Quang Tiến, Phó cục trưởng cục Thi hành án Dân sự (bộ Tư pháp) nhận định, quá trình xử lý nhiều vụ án cho thấy, hiểu biết của người dân rất hạn chế, dẫn đến không rõ nội dung giấy tờ mình ký. Thậm chí có tâm lý chủ quan, ký bừa, cho rằng không ai lấy được nhà của họ. vì vậy, việc xét xử, thi hành án gặp nhiều khó khăn.
Bần cùng hóa những "người cùng khổ"
Dựa vào tình hình thực tế, ông Chu Quang Tiến xác nhận, nhiều hộ gia đình, cá nhân cần vay vốn để kinh doanh, nhưng vì thiếu hiểu biết về thủ tục vay vốn ở ngân hàng nên họ đã chọn con đường vay tín dụng đen. Thủ tục của các “ngân hàng ngầm” rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ, không cần thế chấp, không phương án sản xuất kinh doanh...
Để vay được tiền từ những “ngân hàng ngầm”, bên vay đã phải ký: Hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho đối tượng cho vay tín dụng đen, với giá chuyển nhượng bằng số tiền vay, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng; hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho bên cho vay tín dụng đen toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình và thủ tục công chứng, chứng thực, bên cho vay có sẵn đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng, chứng thực, thậm chí việc công chứng chứng thực được thực hiện ngay ở quán café, quán cóc vỉa hè, đến tại nhà, tại chợ...
Hai bên thống nhất khi nào bên vay trả tiền vay cho bên tín dụng đen thì sẽ hủy hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và hợp đồng ủy quyền. Việc ký kết hợp đồng chỉ là hình thức, không có việc giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng. Nhưng trên thực tế. sau khi ký hợp đồng mua bán chuyển nhượng, bên cho vay tín dụng đen đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà, rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.
Trong khi đó thì người đi vay tín dụng đen vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất của mình. Khi các đối tượng “tín dụng đen” vay và rút tiền ngân hàng để sử dụng vào mục đích riêng, với số tiền lên tới hàng tỉ đồng, không có khả năng thanh toán hợp đồng tín dụng, ngân hàng đã yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, Tòa án triệu tập giải quyết tranh chấp. Lúc này người có tài sản mới biết là nhà đất của mình đã được sang tên cho... người khác. Và lúc này đã quá muộn để làm lại từ đầu.

Những vụ án liên quan đến tín dụng đen

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức và liên quan với 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 558 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 104 vụ hủy hoại tài sản... (Số liệu được Thượng tá Trần Thị Thúy, Phó trưởng phòng 5, Tổng cục Cảnh sát - bộ Công an cung cấp). 

Thanh Xuân / Theo Đời sống & Pháp luật

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 phút trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động tín dụng đen và sự thật về những “ngân hàng ngầm“