Thông tư mới của Bộ GD-ĐT cho phép học sinh cấp THCS bắt đầu được dùng điện thoại với sự cho phép của giáo viên. Điều này đã nhận được không ít ý kiến trái chiều.

Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Đừng giao thêm việc cho giáo viên

21/09/2020, 10:16

Thông tư mới của Bộ GD-ĐT cho phép học sinh cấp THCS bắt đầu được dùng điện thoại với sự cho phép của giáo viên. Điều này đã nhận được không ít ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến không đồng tình việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học - Ảnh: Internet

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Tú Anh (Trường THCS Lê Lợi, TP.Thanh Hóa) cho biết: bản thân giáo viên đã có quá nhiều công việc và áp lực trên lớp rồi, giờ lại còn thêm một việc là quản lý và cho phép học sinh dùng điện thoại trong tiết học của mình hay không nữa thì thật sự là "quá thêm việc". Chưa kể có những học sinh cứ nói tra cứu tài liệu ngay trong lớp, nhưng khi giáo viên gọi lên hỏi thì mặt rất ngơ ngác cho biết "em đang tra tài liệu nên chưa nghe được cô nói gì". Các em tuổi đang còn nhỏ, chưa biết việc nào là việc quan trọng cần xử lý trước, nếu cứ chăm chăm để giáo viên kiểm tra thì chính giáo viên còn không có hứng thú trong việc truyền tải kiến thức chứ đừng nói kiểm soát học sinh dùng điện thoại hay không.

Cũng đồng tình với ý kiến trên, thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng cho rằng nếu học sinh sử dụng điện thoại trong lớp ở một tiết học nào đó thì giáo viên có kiểm soát hết được mục đích của các em dùng hay không. Chưa kể đến việc các em sẽ lơ là, tiện thể vào các trang mạng hay tranh thủ nhắn tin chát chít với nhau. "Nếu để cho các em tự do dùng điện thoại thì sẽ không thể kiểm soát hết được, chưa kể sự tác động của điện thoại lúc các em tập trung nghe giảng là rất khó. Còn chưa kể là các gia đình khó khăn, ngay tại Hà Nội nếu một gia đình có 2 - 3 con theo học thì việc mua tới vài chiếc điện thoại để con cái dùng là điều khó có thể xảy ra chứ đừng nói ở các địa phương khác".

Không đồng tình với các ý kiến trên, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lômônôxốp (Hà Nội) cho hay, trên thực tế, nhà trường nhiều năm nay đã thực hiện việc này và rất ổn. “Mỗi lớp có một ngăn tủ đựng điện thoại tự quản, học sinh đến lớp thì để điện thoại vào tủ. Giờ học nào cần sử dụng tra cứu như Ngoại ngữ, Ngữ văn, các môn khoa học, xã hội... thì giáo viên cho phép và tổ chức cho học sinh sử dụng. Khi dùng xong thì các em tự động cất vào tủ. Do các lớp đều có camera nên học sinh tự giác không sử dụng khi không dành cho mục đích học tập”. Ông Tùng cho hay, hiện nay, với một số bài kiểm tra, học sinh của trường đã được sử dụng điện thoại để làm bài trên Microsoft Team ngay trong tiết học và được các học sinh và phụ huynh ủng hộ nhiệt tình.

Đưa ra ý kiến riêng của mình, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho biết hiện nay việc học sinh mở mang tư duy trong thời đại công nghệ là hết sức cần thiết. Điện thoại là vật hữu dụng nhất mà hiện nay học sinh nào cũng dùng, chính vì thế thay vì việc cấm, chúng ta chỉ thống nhất với học sinh việc dùng như thế nào cho phù hợp. Các em làm bài tập trắc nghiệm được tích hợp vào điện thoại hết sức thành thục, đáp ứng được phương thức thi THPT quốc gia trên máy tính của Bộ thời gian tới đây sẽ thuận lợi hơn. "Theo tôi, mỗi lớp cuối tuần đều có buổi sinh hoạt với học sinh, thì giáo viên sẽ thống nhất với học sinh cách dùng điện thoại sao cho phù hợp, cho các em biết điện thoại có ích lợi như thế nào nếu sử dụng đúng mục đích của nó. Học sinh thấy điện thoại không chỉ để liên lạc, giải trí mà còn phục vụ mục đích học tập một cách hiệu quả sẽ hào hứng hơn trong học tập.

Còn theo TS Hoàng Ngọc Vinh, Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng học sinh có thói quen dùng điện thoại có khả năng giảm tương tác với nhau để học hỏi. Lạm dụng thiết bị công nghệ cũng dẫn đến lười tư duy, lười suy nghĩ sẽ dẫn đến mất khả năng đào sâu suy nghĩ khi gặp vấn đề khó vì đã có sẵn công cụ tìm kiếm. "Quy định mới của Bộ GD-ĐT cũng có thể dẫn đến việc khó kiểm soát gian lận khi kiểm tra, đạo văn. Phụ huynh cũng cần cân nhắc trước khi giao điện thoại cho học sinh. Việc này đòi hỏi phải có nghiên cứu phù hợp giữa thời lượng sử dụng điện thoại trong giờ học ở các lứa tuổi khác nhau và tỷ lệ giáo viên có khả năng hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học".

Lý giải thêm về vấn đề cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định, các phụ huynh và giáo viên cần phải hiểu rằng việc cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Giáo viên là người làm chủ việc học trong lớp, phải tổ chức, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động học của học sinh, thậm chí ở ngoài lớp. Đó chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà Bộ đã hướng dẫn nhiều năm qua. Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô không việc gì phải cho học sinh dùng cả.

“Tôi mong muốn thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội hiểu đúng về quy định của Bộ là học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” - vị đại diện của Bộ khẳng định.

Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về việc cho phép học sinh được dùng điện thoại nếu giáo viên cho phép

Thông tư cho học sinh dùng ĐTDĐ trên lớp: Không kiểm soát được sẽ có hại với các em!

Dạ Thảo

Bài liên quan
Giám đốc Sở ATTP TP.HCM: 'Phụ huynh phát hiện bữa ăn học sinh không an toàn hãy báo cho Sở'
Các phụ huynh khi phát hiện bữa ăn của học sinh ở trường không được an toàn, thay vì đưa thông tin, hình ảnh đó lên mạng xã hội thì hãy báo cho Sở An toàn thực phẩm để kiểm tra, xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Đừng giao thêm việc cho giáo viên