Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết việc học tập trực tuyến trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đã gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực và khiến học sinh mệt mỏi.

Học trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn gây nhiều hệ lụy

Lam Thanh | 11/11/2021, 13:06

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết việc học tập trực tuyến trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đã gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực và khiến học sinh mệt mỏi.

Học trực tuyến gây ra nhiều hệ lụy

Báo cáo Quốc hội tạ phiên trả lời chất vấn ngày 11.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề.

Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 7 vạn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

“Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể hết...”, Bộ trưởng Sơn nói.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ ngừng tới lớp - không ngừng học tập, toàn ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, ra sức cố gắng để hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu chất lượng.

nks.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã động viên toàn thể cán bộ, nhân viên, nhà giáo và các cán bộ quản lý toàn ngành khắc phục khó khăn; đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề nghiệp và với học sinh để cùng nhau đoàn kết, ứng phó với dịch bệnh.

Đọc chép "văn mẫu" cho học sinh rất tai hại

Trả lời đại biểu về vấn đề văn mẫu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh.

Ông Sơn cho biết Bộ đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ văn theo văn mẫu, bởi vì việc dạy môn Ngữ văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại cho việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học. Ngoài ra, ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn mang tính chuyên môn, đồng thời tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn diện... để giải quyết vấn đề này.

Đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm trực tuyến, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) chia sẻ những khó khăn, thách thức của ngành giáo dục hiện nay. Ông đặt vấn đề dù Bộ đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Học sinh bị ép học thêm. Cử tri bức xúc kiến nghị Bộ cần thanh tra việc dạy thêm, học thêm trực tuyến.

Bộ trưởng Sơn nêu rõ việc dạy thêm học thêm trong trạng thái bình thường đã phải ngăn chặn, nhất là trong bối cảnh học sinh phải học trực tuyến đã rất căng thẳng, việc dạy thêm trực tuyến cần được lên án.

Bộ trưởng cho biết Bộ đã ban hành Thông tư 09 có quy định cụ thể về dạy và học trực tuyến, số giờ được dạy ở các cấp, các lớp. Ông đề nghị Sở GD-ĐT, các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định. Bộ cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để tích cực ngăn chặn việc này.

Sách giáo khoa có nhiều sạn?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) hỏi Bộ trưởng đã khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới đúng hướng nhưng điều đó phải đánh giá qua sách giáo khoa. Sách giáo khoa mới chỉ được thực nghiệm có 10%. Liệu chúng ta có cần một quy trình bất di, bất dịch? Bộ có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai sách giáo khoa mới trong thời gian qua chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sách giáo khoa đang được biên soạn để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018, so với sách giáo khoa trước đây có sự khác biệt. Sách giáo khoa hiện nay được xem là học liệu. Đây là căn cứ để xã hội hóa biên soạn sách.

Theo ông Sơn, quan điểm của Bộ là bất cứ học liệu nào được đưa vào nhà trường đều phải chuẩn mực và có chất lượng tốt nhất. Việc thực nghiệm sách thiên về xem giáo viên sử dụng, thực hành ra sao để thực hiện chương trình giáo dục. Còn tính khoa học, chính xác đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia.

Ngoài ra, Thông tư 33 hiện hành không nêu tỷ lệ thực nghiệm bao nhiêu phần trăm, mà chỉ quy định hồ sơ trình nộp có mô tả về thực nghiệm. Khi sửa Thông tư 33 nhằm tăng cường chất lượng sách giáo khoa, Bộ nêu mức tối thiểu thực nghiệm là 10%, 15%, 20% cho sách giáo khoa có đặc điểm khác nhau. "Chúng tôi sẽ xem xét hoàn thiện trước khi ký ban hành".

Trả lời đại biểu về việc sách giáo khoa có nhiều “sạn”, Bộ trưởng cho biết sau khi nhận phản ánh từ dư luận, Hội đồng chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã trao đổi với các tác giả, điều chỉnh kịp thời nội dung trước khi sách được in và chuyển đến tay học sinh. Về lâu dài, Bộ GD-ĐT đang tiến hành điều chỉnh các quy trình, điều kiện đảm bảo sách giáo khoa trong thời gian tới có chất lượng cao hơn.

Với 3 giáo viên cùng đứng lớp dạy môn tích hợp ở cấp THCS, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết trong quá trình thiết kế, Bộ đã hướng dẫn các trường sắp xếp để 3 giáo viên thuộc 3 phân môn khác nhau dạy học theo logic của nội dung. Đơn vị sắp xếp đúng, việc triển khai thuận lợi. Đơn vị sắp xếp cả 3 giáo viên cùng dạy sẽ lúng túng. Trong quá trình triển khai, Bộ cũng tập huấn cho hơn 9.000 giáo viên cốt cán và sẽ tăng cường hơn trong thời gian sắp tới.

Sẽ tăng cường chất lượng sách giáo khoa

Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng về một số bài học thiếu tính khoa học, giáo dục trong sách giáo khoa chưa thuyết phục. Bà Thúy cho rằng tập thể tác giả, NXB Giáo dục Việt Nam phải có trách nhiệm lắng nghe, giải trình trước công luận và đưa ra hướng khắc phục. Bộ GD-ĐT là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sách giáo khoa, trách nhiệm trước hết là của Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập, đến cơ quan tham mưu của Bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết điều ông có thể nói lúc này, cũng quan trọng nhất, là làm những gì để tăng cường chất lượng sách giáo khoa trong thời gian sắp tới. Theo tư lệnh ngành giáo dục, để có được bộ sách giáo khoa chất lượng cần nhiều yếu tố, trong đó người biên soạn rất quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến của các đối tượng liên quan khác nhau.

Ông Sơn cho biết thời gian qua, Bộ đang sửa đổi Thông tư 33 quy định về biên soạn, thẩm định và xuất bản sách giáo khoa. Văn bản này đang lấy ý kiến trên mạng. Theo ông Sơn, chủ trương là Bộ giám sát, đồng hành cùng nhóm tác giả ngay từ đầu, không đợi nhóm tác giả, nhà xuất bản mang bản mẫu đến Bộ thẩm định, không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản, nhóm tác giả.

Bộ GD-ĐT sẽ nâng cao yêu cầu, tiêu chuẩn của thầy cô, nhà khoa học tham gia soạn sách. Các tổ chức, cá nhân cần phải đăng ký trước. Tiêu chuẩn thành viên trong hội đồng cũng được điều chỉnh. Người tham gia biên soạn sẽ không tham gia hội đồng. Ngoài ra, toàn bộ hội đồng thẩm định có thể sẽ được ghi tên vào sách giáo khoa, cùng chịu trách nhiệm để tăng thêm áp lực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn gây nhiều hệ lụy