Do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm, từ ngày 1.1.2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Điều chỉnh nâng lương hưu từ đầu năm tới

Lam Thanh | 10/11/2021, 16:30

Do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm, từ ngày 1.1.2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%.

Chiều 10.11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung.

Quy mô gói hỗ trợ còn thấp

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đại dịch COVID-19 không chỉ tác động sâu sắc tới ngành y tế, sức khỏe của mọi người mà còn tác động tiêu cực tới đời sống xã hội, việc làm. Điều này khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn, giảm sút về việc làm và thu nhập.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Đến nay, các gói hỗ trợ, các gói an sinh xã hội do trung ương và các địa phương ban hành và đang triển khai đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân chung tay vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống…

Tuy nhiên, theo ông Dung, trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh, an dân và xã hội đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại. Quy mô các chính sách hỗ trợ của chúng ta còn thấp, đòi hỏi phải sớm có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Ông Dung cho biết, qua đánh giá, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hầu hết đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60.000 tỉ, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 0,5 triệu đơn vị sử dụng lao động.

Về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, Bộ trưởng Dung cho rằng chính sách đã đúng hướng, hiệu quả. Tuy nhiên thời gian triển khai 4 tháng vẫn còn ngắn vì chỉ 50% nhóm chính sách trong đó là ngắn hạn, chi trả tiền ngay lập tức, còn 50% các chính sách cần thời gian để đo đếm, như hỗ trợ đào tạo nghề, giãn hoãn các khoản đóng góp.

Bộ trưởng so sánh với chính sách của gói 38.000 tỉ, hầu hết chi trả được ngay, chỉ trong một tuần đầu tiên, tất cả các doanh nghiệp thuộc diện đã được hỗ trợ, 75% người lao động cũng đã nhận tiền.

Không có chuyện hỗ trợ nhầm 22.000 người

Về vụ hỗ trợ nhầm ở Bình Dương, ông Dung cho biết thực chất không phải 22.000 người. Kết quả chỉ có 1.490 trường hợp nhận nhầm. Còn về con số 22.000, ông lý giải là chính sách riêng của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800.000 đồng/người.

dao-ngoc-dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Khi đến trực tiếp địa bàn kê khai, nhiều người cùng khai hộ người khác dẫn đến vọt lên con số quá lớn. Sau khi rà soát, Bình Dương phát hiện có 22.000 người trùng nhau về tên tuổi, trong đó có 1.990 người đã được phát hỗ trợ với số tiền khoảng 1,6 tỉ đồng. Đến nay vụ việc đã được giải quyết và đã thu hồi được 1,6 tỉ đồng.

COVID-19 khiến 2.532 trẻ bị mồ côi

Trả lời câu hỏi về việc COVID-19 khiến nhiều trẻ bị mồ côi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trên thế giới có khoảng 1,5 triệu trẻ em mồ côi, còn Việt Nam có 2.532 trẻ em mồ côi, trong đó 81 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, do COVID-19.

Ông Dung cho biết thời gian qua bộ đã có nhiều chính sách đối với vấn đề này. Mức chung hỗ trợ của các nước thì đối với chính sách chung về chăm sóc trẻ em mồ côi khá đồng bộ.

Trước khi ban hành chính sách, Bộ LĐ-TB-XH có tham khảo mức chung hỗ trợ của quốc tế và nhận thấy chính sách chung chăm sóc trẻ em tương đối đồng bộ, dao động khoảng 1,1-1,8 triệu đồng/trẻ. Hiện bộ đã ban hành chính sách hỗ trợ trẻ em dưới 4 tuổi có người đỡ đầu với mức 1,8 triệu đồng/trẻ.

Theo ông Dung, các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp một sổ tiết kiệm 20 triệu đồng, còn mồ côi cha hoặc mẹ được nhận 5 triệu đồng.

Theo ông Dung, chính sách chung nhằm đảm bảo tất cả cháu mồ côi cả cha và mẹ đều sẽ được chăm sóc dưới mái ấm gia đình, người thân. Hiện cả 81 cháu đều sống với người thân, nếu không có người thân thì có mẹ đỡ đầu, trường hợp xấu nhất mới đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Đầu năm sau sẽ được hưởng chính sách lương hưu mới

Về lương hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu, vừa qua phải dừng cải cách tiền lương, nhưng trong đề xuất của Chính phủ vẫn cho phép điều chỉnh lương hưu, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và người có lương hưu thấp.

Chính phủ đang lấy phiếu các thành viên, sẽ trình Thủ tướng xem xét quyết định vấn đề này. Trước đây dự kiến ngày 1.7.2022 sẽ điều chỉnh lương hưu, nhưng do dịch bệnh khiến đời sống người hưởng lương hưu khó khăn, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh sớm hơn, từ ngày 1.1.2022. Mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỉ đồng. Theo đó, phấn đấu đến ngày 1.1.2022, người về hưu được hưởng chính sách mới.

Đời sống khó khăn, người lao động phải bán sổ bảo hiểm

Trả lời về việc người lao động phải bán sổ bảo hiểm, Bộ trưởng Dung cho biết việc bán số bảo hiểm xã hội thực chất là người lao động đang tham gia bảo hiểm nhưng muốn rút bảo hiểm một lần. Đầu năm 2021 đến nay có khoảng 781 nghìn người rút bảo hiểm 1 lần, gia tăng rất nhiều so với năm ngoái.

Theo ông Dung, giải pháp là cần chăm lo đời sống người lao động. Đa số người rút bảo hiểm, bán sổ bảo hiểm rơi vào công nhân lao động, người khó khăn. Nếu đời sống được đảm bảo, chắc không bao giờ bán sổ bảo hiểm. Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích lâu dài của bảo hiểm, để có một phần lương hưu khi về già.

Giải pháp căn cơ cũng cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Phấn đấu năm 2022 trình Quốc hội xem xét. Bộ sẽ tăng cường các lợi ích khác đối với người lao động như tham quan, du lịch… nếu không rút bảo hiểm một lần.

Xâm hại trẻ em ở Việt Nam cao tương đương với các nước châu Á

Về xâm hại trẻ em, quan niệm của các nước trên thế giới khác nhau. Bộ trường cho biết, thời gian vừa qua, bộ đã điều tra ở một số địa phương thì vấn đề xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em của Việt Nam tương đương với các nước ở châu Á.

Hệ thống pháp luật của chúng ta đối với vấn đề này đã khá rõ ràng, nhưng tính chất chưa đủ mức răn đe. Thời gian tới, cần phát hiện sớm nhất, xử lý nghiêm minh nhất và chăm sóc các em tốt nhất.

Bài toán việc làm nan giải

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu nhiều cử tri cho rằng bài toán việc làm đang đặt ra với hàng triệu lao động sau dịch.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ đây cũng là vấn đề trăn trở của ngành. Trên thực tế, thị trường đang có 2 vấn đề lớn là đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường; chất lượng lao động thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, mức độ đào tạo, bằng cấp của lao động thấp so với khu vực. Thực tế này đúng là xuất phát từ việc dự báo cung cầu lao động còn yếu.

“Tôi từng làm việc với TP.HCM và đặt hàng địa phương thử dự báo nhu cầu cung cầu ngắn hạn trong 4 tháng. Kết quả, số người tham gia vào thị trường lao động ở khu vực còn thiếu, đang cần, có mức lương tốt lập tức thay đổi. Vậy nên nếu không nhanh chóng xây dựng công cụ dự báo cung cầu lao động tốt ở cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì thị trường sẽ còn những vấn đề bất cập”, Bộ trưởng trình bày.

Vấn đề khác, theo ông Dung là liên kết đào tạo nghề còn lỏng lẻo. Các quốc gia phát triển, sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường đã diễn ra hàng trăm năm.

Bộ trưởng Dung dẫn chứng, ở Đức, mỗi doanh nghiệp đều phải là một trường nghề, mỗi trường nghề đều có đủ máy móc, thiết bị cho học sinh học. Tuy nhiên, ông Dung cũng cho rằng ở các nước phát triển, doanh nghiệp nhận thức đào tạo người lao động là bắt buộc. Còn ở Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã bắt đầu xúc tiến việc này nhưng chủ yếu vẫn là trông chờ kết quả đào tạo nghề của trường lớp. Vậy nên việc liên kết này vẫn chưa đưa lại hiệu quả.

Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu các trường nghề lớn hiện nay ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới chỗ làm để sinh viên chưa ra trường đã biết bản thân mình về đâu.

Bài liên quan
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người Việt có gien về KH-CN, là lợi thế để phát triển ngành bán dẫn
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế về công nghiệp bán dẫn, trong đó đáng chú ý là người Việt có gien về khoa học công nghệ. Lợi thế này không kém gì lợi thế về địa chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Điều chỉnh nâng lương hưu từ đầu năm tới