Trong phần này, McNamara sẽ tiếp tục kể lại con đường đi tìm sự “minh triết” của mình đồng thời cũng cho thấy ông đã bị “cho vào xiếc” như thế nào.

Hồi ký McNamara: Kỳ 5 - Lạc quan sai lầm từ những bản báo cáo gian dối

19/11/2014, 06:36

Trong phần này, McNamara sẽ tiếp tục kể lại con đường đi tìm sự “minh triết” của mình đồng thời cũng cho thấy ông đã bị “cho vào xiếc” như thế nào.

Trên cơ sở những gì chúng tôi được biết từ tất cả những nguồn tin đó, Ngoại trưởng Dean Rusk và tôi cùng các cộng sự thường gửi đến Quốc hội và báo chí nhiều bản phúc trình. Liệu các bản phúc trình này có chính xác hay không? Nhất định chúng phải chính xác. Song, sau này mới vỡ lẽ ra rằng các bản phúc trình về tình hình quân sự đó, kể cả của tôi đều quá lạc quan. Một vài mẫu báo cáo tiêu biểu về các chiến dịch quân sự của Mỹ như sau:

· 5/2/1962: “Các hoạt động mà chính phủ Nam Việt Nam (NVN) tiến hành chống lại hiểm họa lật đổ và xâm lược tại nước này đang bắt đầu có hiệu quả…Việc phối hợp những hoạt động do họ tự ý tiến hành và các hoạt động được yêu cầu từ phía chúng ta, theo ý tôi, đang dẫn đến một sự cải thiện tình hình, tuy rằng còn quá sớm để dự báo một kết quả có thể có”.

· 23/7/1962: “Sự hỗ trợ quân sự cho Việt Nam đang có kết quả. NVN đang tấn công những Việt Cộng (VC) nổi dậy ngay nơi hiểm yếu nhất thường xuyên hơn…Các dấu hiệu này đầy khích lệ và chúng ta tìm cách duy trì sao cho duy trì được cái đà thắng lợi này”.

· 9/10/1962: “Tôi nghĩ rằng còn quá sớm để nói rằng dòng nước đã đổi chiều hoặc để dự báo về một kết quả chung cuộc, nhưng trong năm qua đã có những tiến bộ lớn lao…
Chúng tôi hể hả với tiến bộ được báo cáo cho chúng tôi. Cho dù có được đo lường bằng tỉ lệ thương tổn của quân đội NVN so với của lực lượng Cộng sản hoặc bằng những biện pháp đo lường nào khác, tiến bộ đã hiển hiện.

Tại sao những nhận xét của tôi về tình hình chính trị ở NVN lại sát thực tế trong khi, nếu nhìn lại, các nhận định về tiến bộ quân sự lại quá đỗi lạc quan như vậy?

Các báo cáo quân sự phản ánh bức tranh trình bày bởi các chỉ huy quân sự của chúng tôi tại các cuộc họp ở Hawaii và NVN. Tại mỗi cuộc họp đó, tôi đều gặp tướng Paul D.Harkins của phái bộ cố vấn quân sự Mỹ tại VN (COMUSMACV).
Tướng Harkins và các thuộc quyền của ông báo cáo rằng quân đội NVN đang đẩy lui VC và đang kiểm soát nông thôn. Thí dụ như hôm 23/7/1962, tại Honolulu, Harkins bảo tôi rằng: “Không còn hồ nghi gì nữa, chúng ta đang đứng về phía thắng lợi. Nếu tiếp tục các chương trình của chúng ta, sẽ hy vọng thấy VC giảm hoạt động”.
Lúc đó và ngay bây giờ tôi không tin rằng ông ta và các sĩ quan khác đã cố ý lừa dối tôi. Điều đó đi ngược với sự đào tạo và truyền thống của họ. Vả lại, tôi còn có thể sử dụng các nguồn tin khác để kiểm tra chéo những gì họ báo cáo với tôi – CIA, bộ ngoại giao, báo chí.
Các lý do dẫn đến sự lạc quan sai lầm của họ nằm ở nơi khác. Giờ đây đã rõ rằng họ đã nhận được những thông tin sai lạc từ phía NVN, vốn có khuynh hướng báo cáo những gì mà họ cho rằng là người Mỹ thích nghe. Giám đốc CIA John McCone đã từng viết sau này:
“Tin tức cung cấp cho chúng ta từ MACV và tòa đại sứ về những hoạt động của VC tại một số tỉnh cũng như về tình thế tương đối khá của chính phủ NVN so với VC đều sai lạc cả, do lẽ các sĩ quan trên chiến trường đã bị các tỉnh và quận trưởng của NVN hoàn toàn báo cáo sai…Những người này cảm thấy họ bị buộc phải “nặn ra” những con số thống kê sao cho chính phủ trung ương tán thưởng phê chuẩn”.

Như nhiều người khác, trong một chừng mực nào đó, các sĩ quan Mỹ cũng dễ dãi với cách suy nghĩ ảo này.Vả lại, cũng như tôi, họ đều hiểu sai bản chất của cuộc xung đột. Họ nhìn thấy trước tiên cuộc xung đột này như là một chiến dịch quân sự trong khi thực ra lại là một cuộc đấu tranh vì tinh thần dân tộc rất phức tạp.

Việc theo dõi các thành quả tiến bộ tại Việt Nam đã được điều khiển rất tồi tệ. Cả các chỉ huy quân sự và tôi cùng nhận trách nhiệm về sự thất bại (trong công việc) này. Do không biết làm sao đánh giá các kết quả trong một cuộc chiến tranh không có chiến tuyến, các quân nhân đã cố đo lường thành quả với những biện pháp định lượng như số thương vong của quân địch (sau này sẽ trở thành việc đếm xác thật bỉ ổi), số vũ khí tịch thu được, số tù binh bị bắt, số phi vụ cất cánh vân vân và vân vân.
Sau này chúng tôi mới hiểu ra rằng đa số các sự đo đếm đó đã bị dối trá hoặc là sai lạc. Tôi đã nhiều lần nhắc nhở công khai giới quân nhân nên kiềm chế bớt lạc quan về những tiến bộ trong cuộc chiến, song những nhắc nhở đó đã không đủ.
Vào giữa năm 1962, mục tiêu rõ rệt và nhiều lần đã được công bố của chính phủ Kennedy là huấn luyện quân đội NVN. Đối với tôi, điều đó hàm ngụ việc phải ấn định một thời hạn cho công tác huấn luyện này…
Có hai phe trong chính phủ.Cả hai đều cho rằng nhiệm vụ của chúng ta là huấn luyện NVN tự bảo vệ lấy mình. Song một phe thì nghĩ rằng chúng ta nên ở lại cho đến khi nào NVN có được khả năng đó, bất cần có kéo dài bao lâu chăng nữa. Phe kia nghĩ rằng nên giới hạn công tác huấn luyện trong một giai đoạn nhất định nào đó và sau đó ra đi.
Nếu NVN không học được cách tự vệ lấy thân, thì điều đó có nghĩa là họ không thể huấn luyện được. Vấn đề cứ chập chờn và chẳng bao giờ được thảo luận hay giải quyết trọn vẹn. Điều này đã tác động lớn lên một quyết định của Tổng thống hôm 2/10/1963.
Vào khoảng thời gian đó, một cuộc khủng hoảng chính trị và tôn giáo nổ ra tại NVN. (còn nữa)
>> Võ Nguyên Giáp và McNamara

Danh Đức dịch (tiêu đề của Một Thế Giới)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồi ký McNamara: Kỳ 5 - Lạc quan sai lầm từ những bản báo cáo gian dối