Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay
Mao Trạch Đông qua sách báo Trung Quốc ngày nay

Kỳ 83: Đức Đạt - lai Lạt - ma tiên tri và tái sinh

13/11/2014, 04:35

Việc Mao Trạch Đông quyết định dùng vũ lực để “giải quyết vấn đề Tây Tạng” đã được đức  Đạt - lai Lạt - ma đời thứ 13 (1876 - 1933) tiên đoán và cảnh báo ở Potala từ đầu thập niên 1930…

Dầu đã biến Tây Tạng thành khu tự trị của Trung Quốc (1965), Mao Trạch Đông và các “hậu duệ” của Mao vẫn tiếp tục dùng vũ lực trấn áp. Từ Mao đến Đặng Tiểu Bình - Hồ Diệu Bang đã cử cả thảy 6 đại thần Trung Nam Hải lần lượt (trong vòng 25 năm) đến trấn đóng Lhasa, với chức danh Bí thư đảng ủy khu tự trị và với đặc điểm chung: tất cả đều xuất thân từ quân đội và đều đàn áp những đòi hỏi dân chủ của người dân Lhasa theo cung cách cứng rắn của “con nhà võ”. Chẳng hạn: mấy tháng cuối trong nhiệm kỳ của “thái thú” Ngũ Tinh Hoa nổ ra 10 vụ biểu tình phản kháng bị đàn áp. Cuốn “Hồ Cẩm Đào - con đường phía trước” ghi:

“Pằng, pằng, pằng… ngày 10.12.1988, trên đường phố Lhasa đã vang lên tiếng súng. Ngày hôm đó, một bộ phận lạt-ma và tín đồ đã giương ngọn cờ tuyết sơn sư tử, tiến hành hoạt động thị uy tại khu phố đông đúc và xảy ra xung đột nghiêm trọng với cảnh sát tới can ngăn, kết quả là một lạt-ma bị chết, 13 người bị thương” (Mã Linh - Lý Minh - sđd. Kỳ 77, tr. 202-203). Thấy “cây gậy” khạc lửa không công hiệu, Trung Nam Hải cách chức Ngũ Tinh Hoa (điều về Ủy ban dân tộc nhà nước ở Bắc Kinh). Người thứ 7 đến Lhasa thay thế là Hồ Cẩm Đào - “quan văn” đầu tiên (so với 6 đại thần “quan võ” tiền nhiệm). Tuy vậy, các đợt xuống đường đòi độc lập vẫn không lắng xuống (xem Kỳ 82)...

Biến động lịch sử hiện đại của Tây Tạng (với đôi nét thời sự trên) về đại thể đã nằm trong tiên đoán của đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13 (cũng như các Đạt-lai Lạt-ma đời trước nữa) qua tiên tri ghi trong cổ thư, hoặc khắc trên đá. Lobsang Rampa khẳng định “tiên tri Tây Tạng là một khoa học vô cùng chính xác dựa qua sự giám sát của môn chiêm tinh” - bằng chứng:

1. Những tiên tri của Tây Tạng về thế kỷ 20 như: Năm 1910: quân đội Trung Hoa xuất hiện ở Lhasa - Năm 1911: Trung Hoa có biến động (cách mạng Tân Hợi) - Năm 1914: Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Năm 1933: đức Đạt - lai Lạt - ma đời thứ 13 từ trần. Năm 1935: đức Đạt-lai Lạt-ma tái sinh”.Tất cả diễn ra đúng như thế. L. Rampa ghi nhận: sứ thần Anh quốc ở Lhasa là ngài Charles Bell tận mắt đọc những tiên tri đó và ghi vào tài liệu đặc biệt gởi về Bộ ngoại giao “đến nay vẫn còn được lưu trữ tại Thư viện hoàng gia Anh” (L. Rampa - sđd. Kỳ 80. tr. 93).

2. Tiên tri đời Đạt-lai Lạt-ma thứ 9 (Long-đa-gia-mục-thố 1805-1816) được khắc trên một tấm đá, rằng: 100 năm nữa người Anh sẽ mang quân đánh chiếm Tây Tạng (ghi cả năm xảy ra biến cố trên):

“Năm Mộc Long (1904) trong bốn tháng đầu, đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ được bình yên nhưng sau đó quân xâm lăng sẽ kéo vào lãnh thổ. Địch quân rất đông, gây nhiều tai họa và dân chúng sẽ phải chịu nạn đao binh. Đến cuối năm sẽ có một cuộc hòa giải và chiến tranh sẽ chấm dứt”. Chính thiếu tướng Young Husband, tư lệnh quân đội Anh (ở Tây Tạng), cũng đã được coi bản văn này và ghi nhận trong cuốn hồi ký của ông.

“Khi cuốn sách này được xuất bản lần đầu, có người hỏi tôi: “Tại sao biết trước như thế mà lại không tránh đi, việc gì cam chịu như vậy?”. Tôi chỉ có thể nói rằng nếu người ta có thể tránh khỏi những điều đã tiên tri từ trước thì điều tiên tri đó đã sai” (L. Rampa - sđd. tr. 91).

Quả nhiên, quân đội Anh do tướng Young Husband chỉ huy tiến đánh Tây Tạng và thủ đô Lhasa thất thủ sau 6 tháng cầm cự vào mùa thu 1904. Sang mùa đông năm đó, để bảo vệ nền tự trị Tây Tạng, thân phụ của lạt-ma Lobsang Rampa (xem Kỳ 81) được ủy nhiệm của đức Đạt-lai Lạt-ma và hội đồng nội các điện Potala đã thương thuyết để ký với nước Anh hòa ước năm 1905 nhường 3 tỉnh phía tây của Tây Tạng cho Anh.

Do vậy hòa bình lập lại. Nhưng không bao lâu đến lượt Trung Hoa (nhà Thanh) trách Tây Tạng nhường đất cho Anh, lấy cớ Đạt-lai Lạt-ma có đường lối ngoại giao thân các nước Tây phương (tạo mối đe dọa an ninh đối với “thiên triều”) nên kéo quân xâm chiếm. Ngài Đạt-lai Lạt-ma (đời thứ 13) phải sang Ấn Độ tỵ nạn (1910). Năm sau, cách mạng Tân Hợi bùng nổ (1911), hoàng đế Phổ Nghi phải thoái vị (1912 - xem Kỳ 71 và 72), quân Trung Hoa rút khỏi Tây Tạng và Đạt-lai Lạt-ma về lại Lhasa, truyền Lobsang Rampa đến gặp ngài ở điện Potala theo một lối đi riêng. Ngài báo trước:

- Không lâu nữa, Tây Tạng lại sẽ phải đứng trước cuộc xâm lăng bằng vũ lực (của Mao Trạch Đông) từ bên ngoài vào…

Và thông báo phải sơ tán, chôn giấu ngay những bí mật quốc gia bao gồm các cổ thư cùng nhiều tài liệu của tiền nhân để lại, khóa kín cửa vào kho tàng vô giá của Tây Tạng trước khi kẻ địch hung hãn đặt chân đến Lhasa. Đạt-lai Lạt-ma (thứ 13) bảo Rampa: - Con là một người lãnh sứ mạng ra ngoại quốc để chuẩn bị cho đấng Đạt-lai Lạt-ma tương lai (thứ 14) sẽ phải lưu vong tại đó (L.Rampa - sđd. tr. 90). Rõ hơn nữa (lời sư phụ):

- Quân Trung Hoa sẽ xâm lăng xứ này, đến khi đó thì con đã sống ở ngoại quốc, còn ta sẽ không còn ở cõi đời này nữa (L. Rampa - sđd. tr.73).

Theo sứ mệnh được giao, lạt-ma Rampa sang Trung Quốc (lúc Mao Trạch Đông và đảng CSTQ đang sửa soạn bước vào Vạn lý trường chinh) thành lập đoàn Y sĩ du hành (Barefoot Doctor) để cứu trợ các nạn nhân chiến cuộc (thiện nguyện) để rồi “bị người Nhật nghi ngờ và tra tấn gần chết - được đưa về Anh điều trị và sau đó đã giảng dạy môn Đông y tại châu Âu” (L. Rampa - sđd. tr. 119). Tiếp đó, Rampa đi nhiều quốc gia trên thế giới và bùi ngùi nhìn lại đất nước Tây Tạng của mình, tự nhận xét (tóm lược):

Bề ngoài Tây Tạng không có nguồn lợi kinh tế nào đáng kể, vì mặt đất cằn cỗi toàn đá cứng, đồng ruộng núi đồi quanh năm tuyết phủ. Nhưng thực ra, trong lòng đất “Tây Tạng cũng có đủ những mỏ vàng, mỏ bạc và uranium”, nhiều không kể xiết “những tượng Phật đúc bằng vàng khối, những đĩa vàng, chén vàng, những xác ướp bọc vàng- tại xứ này vàng không phải là một kim loại hiếm quý - mà là một kim khí linh thiêng”. Người dân bao đời giữ niềm tin mỏ vàng mỏ bạc “là long mạch của quốc gia” nênnếu khai quật sẽ mang lại tai ương không lường trước được. Tài nguyên ẩn kín và vị trí chiến lược của Tây Tạng trên dãy Hymalaya thu hút “lòng tham không đáy” của các quốc gia quen lấy “sự chiếm đoạt tài sản của nước khác” làm tài sản của mình, đã nâng các cuộc xâm lược đẫm máu lên hàng quốc sách (L. Rampa - sđd. tr. 88). Trung Quốc đang khuấy động Hymalaya - Tây Tạng (tổ sơn) và khuấy nhiễu biển Đông (tổ long), sẽ phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp ra sao? Mời bạn đọc theo dõi câu trả lời qua tài liệu đặc biệt Kỳ 84 của loạt bài này: “Tiên tri về tương lai Trung Quốc”…(còn nữa)

­Giao Hưởng

Bài liên quan

(0) Bình luận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 83: Đức Đạt - lai Lạt - ma tiên tri và tái sinh