Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng, dân chủ để đại diện nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng.
Tình hình thế giới có nhiều khó khăn như lạm phát, xung đột quân sự, dịch bệnh COVID-19 còn tiềm ẩn... đã tác động đến sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp An Giang đã triển khai thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, góp phần vào tăng trưởng, phát triển chung kinh tế cả tỉnh, đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn.
Tỉnh An Giang ước thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2022 là 3,16%, vượt kịch bản đề ra (2,7%). Trong đó, GO trồng trọt đạt 31.648 tỉ đồng, tăng 2,3% - tương đương 720 tỉ đồng (kịch bản đề ra tăng 573 tỉ đồng); GO chăn nuôi đạt 2.079 tỉ đồng, tăng 12,8% - tương đương 236 tỉ đồng (kịch bản đề ra tăng 207 tỉ đồng); GO thủy sản đạt 11.595 tỉ đồng, tăng 5,85% - tương đương 641 tỉ đồng (kịch bản đề ra tăng 620 tỉ đồng).
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho rằng, trong năm 2022, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Diện tích xuống giống và năng suất lúa, rau màu giảm nhưng tăng sản xuất nếp và các giống lúa chất lượng (Nàng Hoa, lúa Nhật, ĐS1, OM 18...); chuyển đổi sản xuất màu, dưa theo hướng ứng dụng công nghệ cao; diện tích cây ăn trái trong giai đoạn thu hoạch cũng tăng nên tổng thể chung của lĩnh vực trồng trọt có mức tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Chăn nuôi và thủy sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm. Trong sản xuất, đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn theo hợp đồng với các tập đoàn và thị trường nước ngoài, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
“Hiện nay, toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững. Bên cạnh đó, luôn chú trọng công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; dự báo, phòng chống thiên tai, dịch hại; tiêm phòng để đảm bảo ngành nông nghiệp phát triển ổn định, hỗ trợ hoạt động của người nông dân”, ông Lâm nói.
Còn theo đại diện Sở Công Thương tỉnh An Giang, tình hình xuất khẩu của các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh trong năm 2022 có sự ổn định và tăng trưởng. Các mặt hàng nông, thủy sản từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Điều kiện thời tiết không thuận lợi tại nhiều nơi trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản tăng mạnh đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; các doanh nghiệp trong tỉnh đã cố gắng tận dụng hết nội và ngoại lực đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của tỉnh.
“Tuy nhiên, đơn vị đã từng bước gắn kết lại các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, kết nối cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ chức sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm; đã tác động tích cực đến sự tăng trưởng liên tục ở từng mặt hàng so với cùng kỳ”, người này nói.
Tháo gỡ những vướng mắc và đề xuất của nông dân
Sáng 20.12, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chủ trì Hội nghị đối thoại giữa thường trực UBND tỉnh với nông dân tỉnh năm 2022 về chủ đề “Thúc đẩy liên kết và hợp tác - Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi và phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Dự hội nghị đối thoại có các lãnh đạo sở ban, ngành tham dự và hơn 202 nông dân đại diện cho hơn 110.000 hội viên nông dân trong tỉnh.
Hội nghị đối thoại là diễn đàn quan trọng, dân chủ để đại diện nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về thành tựu cùng những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đối thoại phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang nhận được sự quan tâm của nông dân và toàn xã hội.
Đồng thời, hiến kế, tham gia góp ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới văn minh, bền vững; phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xây dựng tổ chức hội vững mạnh..
Đối với các sở, ngành, cơ quan có liên quan khi được nông dân nêu câu hỏi, kiến nghị, đề xuất cần nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; không qua loa, né tránh; đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.
Hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh với nông dân diễn ra 3 phần: phát triển nông nghiệp bền vững; liên kết chuỗi và chuyển đổi số trong nông nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh An Giang đã trả lời các câu hỏi của nông dân trong tỉnh.
Các ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, xoay quanh các vấn đề: Giải pháp lâu dài để tăng giá trị của sản phẩm sản xuất nông nghiệp; Giải pháp để giúp đỡ, giải quyết khó khăn cho nông dân khi chi phí đầu như vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi đều tăng cao, nhưng đầu ra giá bán lại thấp, có lúc dưới giá thành sản xuất.
Bên cạnh đó là công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản; tháo gỡ khó khăn trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cho địa phương.
Các ý kiến, câu hỏi chưa trả lời trực tiếp sẽ được Hội Nông dân tỉnh tổng hợp, gửi đến các sở, ngành và xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh để có văn bản trả lời gửi đến nông dân.