Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.HCM Nguyễn Phước Trung, cần xem việc gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần là một tội ác và không thể chấp nhận việc tiếp tay cho tội ác. Do đó, bằng mọi giá, đơn vị này cũng phải tiêu hủy toàn bộ số heo trên.

Hội nghị Thành ủy TP.HCM: Bàn về an toàn thực phẩm và xây nhà trái phép

Phan Diệu | 03/10/2017, 21:20

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.HCM Nguyễn Phước Trung, cần xem việc gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần là một tội ác và không thể chấp nhận việc tiếp tay cho tội ác. Do đó, bằng mọi giá, đơn vị này cũng phải tiêu hủy toàn bộ số heo trên.

Ngày 3.10. hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X tiếp tục với việc các đại biểu bàn về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tiêm thuốc an thần cho heo là một tội ác

Tại hội nghị, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố hiện nay, nhất là sau vụ việc phát hiện 3.759 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại Cơ sở giết mổ Xuyên Á, (huyện Củ Chi).

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.HCM Nguyễn Phước Trung cho biết, đến nay Sở đã xử lý được khoảng 1.900 con heo bị tiêm thuốc ngủ an thần và còn tồn khoảng hơn 1.700 con. Tuy nhiên, ngày 2.10 vừa qua, một số người liên quan đã gây rối và lôi kéo gần 40 người chăn nuôi heo không chấp hành việc tiêu hủy. Sở đã đề nghị Công an huyện Củ Chi hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự.

Đồng thời, Sở cũng đã yêu cầu Chi cục Thú y đình chỉ ngay tổ trưởng và hai tổ phó thuộc Chi cục Thú y để phục vụ cho công tác; cũng như yêu cầu lãnh đạo Chi cục Thú y, Trạm Thú y huyện Củ Chi và 17 cá nhân liên quan ở lò mổ này làm bản kiểm điểm.

“Cần phải coi đây là một tội ác và không thể chấp nhận việc tiếp tay cho tội ác. Nếu phát hiện có tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ thì Sở sẽ xử lý nghiêm và có thể buộc thôi việc”, ông Trung nhấn mạnh.

Về việc xử lý tiêu hủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn nói rằng, cơ quan này đã liên hệ với lãnh đạo bãi rác Đông Thạnh để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, theo công suất và khả năng bình thường, bãi rác chỉ có thể tiếp nhận khoảng 500 con heo mỗi ngày. Sau khi vận động thuyết phục, phía bãi rác đã linh động tiếp nhận mỗi ngày 1.000 con, đem vào kho lạnh trữ sau đó đem tiêu hủy dần.

Trong khi đó, theo Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, ngay khi thanh tra của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phát hiện gần 4.000 con heo ở cơ sở giết mổ Xuyên Á bị tiêm thuốc an thần, đơn vị này đã kiến nghị và tham mưu UBND TP.HCM tịch thu, tiêu hủy số heo trên.

Thời gian tới, Ban quản lý an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tham mưu cho thành phố thực hiện nghiêm túc công tác an toàn thực phẩm, phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm tra giám sát tất cả các khâu từ chăn nuôi đến giết mổ đưa ra thị trường.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm, để không tái diễn trường hợp tương tự.

Lo ngại về vi phạm xây dựng tăng cao

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu cho biết họ rất quan tâm về số trường hợp vi phạm các quy định về xây dựng tăng lên.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho biếtthành phố đang có 22.835 công trình đang thi công. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 2.545 trường hợp vi phạm về xây dựng, tăng 35,6% so với năm 2016, trong đó 16/24 quận huyện vi phạm xây dựng tăng, chỉ 8 quận, huyện giảm về số trường hợp vi phạm.

Về các giải pháp trong thời gian tới, ông Trần Trọng Tuấn nói rằng sẽ tập trung chấn chỉnh và tăng cường quản lý Nhà nước với mục tiêu 100% công trình xây dựng kiểm tra, quản lý, các công trình không phép phải được phát hiện ngay từ đầu. Một trong những biện pháp quan trọng là tăng cường công tác quản lý cán bộ, chú trọng vai trò người đứng đầu.

Đồng thời, Sở sẽ nghiên cứu phối hợp Sở Nội vụ thảo luận với các quận huyện theo hướng kiện toàn thanh tra quận và lực lượng quản lý đô thị quận, theo đó chỉ giữ lại 15% lực lượng thanh tra xây dựng của thành phố, số còn lại đưa về các quận huyện.

Về tình trạng vi phạm xây dựng ngày càng tăng, theo Bí thư Thành ủy TP.HCMNguyễn Thiện Nhân, trong thời gian qua, có nhiều địa phương như quận 4, quận 11, quận 6 không có trường hợp xây dựng sai phép; thế nhưng ở nhiều quậnkhác lại có số trường hợp vi phạm về xây dựng tăng cao.

Cụ thể, quận 9 có 64 trường hợp; quận 12 có 85 trường hợp; huyện Cần Giờ có 92 trường hợp; huyện Bình Chánh có 263 trường hợp; huyện Củ Chi có 281 trường hợp… Do đó, ông Nhân đề nghị đối với các quận huyện có số vụ vi phạm từ 50 trường hợp vi phạm trở lên phải bàn lại các giải pháp, cách tổ chức lực lượng về quản lý xây dựng, không để mất kiểm soát tình trạng xây dựng không phép, sai phép.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cũng yêu cầu các sở ngành, quận huyện cần phân tích vì sao còn trường hợp xây sai phép, trái phép trên địa bàn thành phố. Từ đó, phải rà soát lại cơ chế chính sách vận hành về nhà ở, đất ở, đặc biệt chương trình nhà ở đã phù hợp với điều kiện phát triển dân cư, đô thị hay chưa. Còn công tác thanh tra chỉ là giải pháp cuối cùng. Có như vậy mới thực hiện tốt được công tác quản lý xây dựng.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị Thành ủy TP.HCM: Bàn về an toàn thực phẩm và xây nhà trái phép