Lâu rồi tôi không nghe ai nhắc “chợ cũ” nên có lẽ cũng quên, cho đến khi tình cờ biết tin Chợ Cũ nằm trong diện giải tỏa.

Hồi ức mới về Chợ Cũ

Theo Người Đô Thị | 18/06/2022, 16:01

Lâu rồi tôi không nghe ai nhắc “chợ cũ” nên có lẽ cũng quên, cho đến khi tình cờ biết tin Chợ Cũ nằm trong diện giải tỏa.

Bao lâu rồi không rõ, có lần tôi tìm đến một quán cà phê nằm ở chung cư Tôn Thất Đạm. Tôi không nhớ điều gì xui khiến mình đến đó, chắc hẳn là từ lời rủ rê của bạn đồng hành, người thích lên mạng để “săn” quán cà phê đẹp…

Quán tối và vắng. Chúng tôi ngồi một hồi mà chưa thấy ai đem thực đơn ra. Bên trong quầy, một thanh niên râu ria độ ba mươi đang đứng, hình như là chủ quán, vừa xoay người đặt ổ bánh mì mới ra lò lên quầy, nhìn thôi đã thấy ngon mắt.

Lúc này thì người phục vụ vừa đến, tôi dợm hỏi có bán thức ăn không thì người bạn đồng hành vội ngăn lại. “Chút ra Chợ Cũ”.

Chợ Cũ? Đó cũng là lần đầu tiên tôi nghe về địa danh này, dù kỳ thực đã đi qua đó không ít lần. Thậm chí từng nghe trong các câu chuyện phiếm của các ông các bà vẫn quen gọi khu chợ trên đường Tôn Thất Đạm là “Chợ nhà giàu”.

Ngày nay, khi đi ngang qua chợ Tôn Thất Đạm không có vẻ gì gợi nhắc đến cái danh xưng phù hoa nọ. Chắc hẳn chợ được gọi thế không phải vì những gian hàng trong chợ do người giàu lập nên, mà ý chỉ những món hàng ngoại nhập cao cấp bán ở đó thì người giàu mới mua nổi.

chocu.gif
Chợ Tôn Thất Đạm còn được người Sài Gòn gọi là Chợ Cũ, “Chợ nhà giàu”, dự kiến chấm dứt hoạt động trong quý 2.2022 - Ảnh: Lê Quân

Chợ Cũ không chỉ có “chợ nhà giàu” Tôn Thất Đạm mà có phạm vi khá rộng, như một địa danh không chính thức cho cả một khu vực lân cận đường Tôn Thất Đạm, gồm các đường Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu... Một khu trung tâm đắc địa bậc nhất Sài Gòn, nơi có tòa Bitexco biểu tượng.

Tôi nhớ trong một bức ảnh đen trắng không rõ chụp năm nào, một dì bán hàng rong ngồi bên quang gánh. Hậu cảnh là một ngã ba, có hai người đàn ông ăn mặc lịch sự đang đi về hướng người chụp ảnh, có thể họ vừa bước ra từ quán giải khát gần đó, không phải một quán nước sang trọng, chỉ được che chắn bằng tấm mành, không tên và có lẽ chủ quán sợ không đủ nổi bật nên đã chọn vị trí ngay dưới tấm biển quảng cáo thuốc lá Bastos.

[Nhắc đến thuốc Bastos, tôi nhớ đến quảng cáo trên một tạp chí cũ, đặt dưới mục truyện hay tiểu phẩm gì đó mà bức ảnh không cho ta biết trọn nội dung, chỉ còn sót lại đôi dòng cuối:

Đồ mắt tục, làm gì nó hiểu được thơ
Từ đó hắn lang thang khắp vỉa hè thành phố này.

Chàng-Lê

Nhân vật “hắn” hiện lên trong hình dung của độc giả như một lãng tử trên bước đường lang thang trên vỉa hè Sài Gòn, trong những đêm gió rét, khuôn mặt đau khổ vì không ai hiểu được thơ chàng? Lạnh lẽo, chàng dừng lại bên đường và châm điếu thuốc, ngọn lửa que diêm hắt sáng khuôn mặt chàng, khói thuốc mỏng tỏa lên, và ngay phía dưới là quảng cáo:

Bastos Đỏ
Hương vị đậm đà. Gói thuốc của mọi giới và mọi người. Giá 12$ (đồng/xu/hào?)

Một hình ảnh “thi vị” với những lời tiếp thị mà bây giờ chỉ có thể sử dụng cho… mì gói. Khác xa với hình ảnh kinh dị “hút thuốc gây cái chết từ từ và đau đớn” ngày nay in trên gói thuốc.

Người chú thích ảnh ghi rằng, chỗ tấm biển quảng cáo thuốc lá đó, ngày nay, chính là tòa nhà Bitexco nằm ở góc đường Hàm Nghi - Hải Triều. Chẳng có gì ở quán nước bình dân trên bức ảnh đen trắng đó gợi nhắc đến cao ốc với những văn phòng và trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất hiện nay. Chỉ còn những con người - những linh hồn của thị thành vẫn bám trụ ở khu chợ kỳ lạ mà từ trên cao nhìn xuống, lọt thỏm và uốn lượn giữa những tòa nhà mới xây hiện đại, những ki-ốt, những mái tôn hợp lại thành một con rồng máy rỉ sét vì mưa nắng nằm chờ đợi đến thời khắc của mình. Và có lẽ thời khắc đó đã được ấn định, từ cuối 2021 đã có thông tin giải tỏa Chợ Cũ vào năm 2022. Ngày giờ cụ thể thì vẫn chưa được nói cụ thể.

Dĩ nhiên Chợ Cũ không phải vừa sinh ra đã mang tên… cũ. Vốn là khu chợ trung tâm nằm bên dòng kênh Chợ Vải, nhưng đến năm 1887, sau sự biến mất của con kênh (bị lấp để làm đường Charner, nay là đại lộ Nguyễn Huệ), nhà lồng Chợ Cũ ngày càng đông đúc, xuống cấp, cuối cùng cũng bị phá (1911) để xây tòa nhà ngân khố, và chợ mới Bến Thành được xây dựng gần đó để thay thế khu chợ vừa bị phá bỏ (khởi công 1912, hoàn thiện 1914).

Tuy nhiên, giống như Lỗ Tấn nói vốn không có đường, người ta đi mãi mà thành đường, thì kỳ thực vốn làm gì có chợ, vài ba dì mợ họp nhau buôn bán, rồi cứ thế mãi thành chợ. Dù nhà lồng chợ bị phá bỏ nhưng theo thói quen mua bán, người ta vẫn tấp nập đến vị trí cũ.

Những khu chợ truyền thống như phần linh hồn của Sài Gòn dầu là Sài Gòn xưa, hay đô thị hiện đại phát triển hôm nay.

chocu2.gif
Chợ Cũ ở góc Hàm Nghi - Võ Di Nguy năm 1966 (nay là tiệm bánh mì Như Lan) - Ảnh: F.M.H

Dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, khu Chợ Cũ buôn bán tấp nập với nhiều mặt hàng. Một bức ảnh màu trên tạp chí Life chụp giai đoạn 1955 - 1975, ghi lại một thiếu nữ đội nón lá, bị vây quanh bởi những cần xé đựng bánh mì to tướng. Hẳn ảnh được chụp ở đại lộ Hàm Nghi nổi tiếng với loại bánh mì thơm ngon. Trong vài bức ảnh khác, cũng có thể thấy bánh mì trước đây khá lớn, được đựng trong những túi giấy “văn minh sạch đẹp” hơn cả ngày nay. Giờ thì nếu còn sót lại gì từ ánh hào quang của ổ bánh mì nức tiếng “chợ cũ” khi xưa, hẳn là tiệm bánh mì Như Lan góc đường Hàm Nghi - Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu).

Bánh mì Như Lan cũng là ngụ ý của bạn tôi khi nói “Chút ra Chợ Cũ ăn” dù sau đó hình như chúng tôi làm gì, ăn gì, giờ tôi cũng không còn nhớ. Buổi cà phê hôm đó cũng không có gì đặc biệt và có lẽ cũng chẳng nhân sự kiện gì. Lâu rồi tôi không nghe ai nhắc “chợ cũ” nên có lẽ cũng quên, cho đến khi tình cờ biết tin Chợ Cũ nằm trong diện giải tỏa.

Thành thị hay đô thị đều có chất “thị” kèm theo như thể nếu thiếu vắng tính chợ, việc buôn bán thì cũng không làm nên sự trọn vẹn cho một thành phố. Những khu chợ truyền thống như phần linh hồn của Sài Gòn dầu là Sài Gòn xưa, hay đô thị hiện đại phát triển hôm nay.

Những ngôi chợ mới rồi sẽ thành chợ cũ, và những hình bóng xưa rồi cũng sẽ thưa vắng dần. Nhất là qua cơn dịch bệnh vừa qua, hình thức buôn bán truyền thống thay đổi và cả những con người cũ cũng đang gượng dậy để hồi phục. Mai sau, có lẽ dáng hình của những khu chợ chỉ còn được lưu trong những tấm ảnh, như hôm nay ta nhìn vào những bức ảnh xưa cũ để tìm dấu vết của những hạt bụi vàng ngày xưa.

Đề xuất hơn 15 tỉ đồng để chấm dứt Chợ Tôn Thất Đạm từ quý II.2022

Theo đề xuất của UBND Quận 1, sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND TP.HCM và các sở ngành, UBND Quận 1 sẽ triển khai thực hiện chấm dứt hoạt động Chợ Tôn Thất Đạm, dự kiến trong quý 2 năm 2022. Tổng kinh phí để thực hiện chấm dứt hoạt động Chợ Tôn Thất Đạm được dự toán 15.074.572.800 đồng, từ nguồn kết dư ngân sách quận từ năm 2021 trở về trước.

Báo cáo của UBND Quận 1 cho biết, Chợ Tôn Thất Đạm hoạt động trên lòng lề đường Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé (đoạn từ đường Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng, khoảng 200m - PV). Chợ không có quyết định công nhận hoạt động chợ của UBND TP.HCM, không có nhà lồng chợ, các hộ tự trang bị gian hàng bán kiên cố bằng vật liệu nhẹ đặt cố định trên lòng lề đường Tôn Thất Đạm để mua bán các mặt hàng: thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây, tạp hóa, bánh kẹo, đồ hộp, thực phẩm chế biến, quần áo, ăn uống... Chợ có 201 hộ kinh doanh và hai đơn vị với 21 hộ kinh doanh (Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Bến Nghé 7 hộ, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - Vissan 14 hộ).

Chợ nằm trong quy hoạch giải tỏa giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 17 ngày 12.9.2009 của UBND TP.HCM về ban hành Quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, và theo lộ trình tại Kế hoạch số 137 ngày 9.10.2009 của UBND Quận 1 về triển khai Quyết định số 17...

Minh Hoàng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồi ức mới về Chợ Cũ