Thị trường Trung Quốc đang là cứu cánh của nhiều bộ phim Hollywood, khi một số bom tấn bị hắt hủi bởi chính thị trường quê nhà như Warcraft.
Gần đây, nếu bạn chú ý sẽ thấy rằng hầu hết các bộ phim mới nhất của Hollywood đều có "yếu tố Trung Quốc", như một cảnh quay, một nhân vật nào đó có liên quan đến Trung Quốc thậm chí là một nhân vật phụ nào đó do một diễn viên Trung Quốc thủ vai.
Ví dụ rõ nhất gần đây là trong bộ Alice Through the Looking Glass của đạo diễn James Bobin thì nhân vật Alice của chúng ta lại đi buôn hàng hóa ở Trung Quốc, mặc một bộ váy "âm hưởng Trung Hoa", dù bối cảnh của phim vào cuối thế kỷ 19 thời điểm mà Trung Quốc bế quan tỏa cảng...
Câu chuyện "yếu tố Trung Quốc" có thể dễ hiểu hơn khi chú ý đến bộ "bom xịt" gần đây của Hollywood là Warcraft, bộ phim bị giới phê bình điện ảnh gắn mác "trống rỗng", "một thiên sử thi thất bại". Bộ phim tồi tệ đến mức các chuyên gia phê bình điện ảnh còn cẩn trọng hơn khi ghi chú với khán giả là "phải tránh nó bằng mọi giá" trong mùa hè này.
Kết quả là, phần lớn khán giả Âu, Mỹ đã nghe lời khuyên chân thành của các chuyên gia và không đi xem Warcraft. Điều đó khiến trong tuần đầu công chiếu tại thị trường Mỹ bộ phim Warcraft chỉ thu về được 24 triệu USD dù có kinh phí sản xuất lên tới 160 triệu USD, quả là một thất bại kinh hoàng.
Thế nhưng, nhờ thị trường Trung Quốc, Warcraft thoát án là một phim thất bại, khi chỉ trong tuần đầu công chiếu tại Trung Quốc bộ phim này thu về tới 65 triệu USD. Tính đến nay Warcraft đã thu về 222 triệu USD chỉ tại Trung Quốc, biến "bom xịt" này trở thành bộ phim có doanh thu đứng thứ 3 phòng vé tại đất nước tỉ dân trong năm nay.
"Cảm ơn chúa vì đã có Trung Quốc", Charles Chuck Roven, nhà sản xuất kỳ cựu của Hollywood người hiện là chủ của Atlas Entertainment công ty hậu thuẫn dự án phim Warcraft nói.
"Nó (Warcraft) thật sự gây thất vọng ở Mỹ, nhưng giờ đây có cơ hội để làm phần tiếp theo như là kết quả của sự thành công trong một lãnh thổ nhất định", ông Roven nói.
Sự thành công của Warcraft tại Trung Quốc rõ là một điển hình về cách mà dòng tiền từ Trung Quốc đang thay đổi cả nền công nghiệp điện ảnh. Sức mạnh chi tiêu, số lượng vé có bán ra và quan trọng nhất là số lượng rạp chiếu khổng lồ là điều khiến ngành công nghiệp sản xuất điện ảnh tại Hollywood phải thay đổi vì Trung Quốc.
"Chúng tôi biết thị trường Trung Quốc là quan trọng, nhưng tốc độ có lẽ đang tăng vọt. Warcraft đã khiến nhiều người phải đến rạp. Trung Quốc là thị trường điện ảnh lớn thứ 2 thế giới và Warcraft đã chứng minh một bộ phim phương Tây có thể thành công ở đây", ông Roven tự tin cho biết.
"Có một diễn viên Trung Quốc trong phim, dù bạn không thể nhận ra anh ta vì anh ấy là một Orc", Nhà sản xuất kỳ cựu của Hollywood tiết lộ chi tiết thú vị về Warcraft.
Trước Warcraft, nhiều "bom xịt" khác của Hollywood đã được thị trường Trung Quốc cứu như Pacific Rim hay bộ phim mà khán giả phương Tây "ngán tới tận cổ" Transformers.
Kết quả là, với sự quan trọng của mình các nhà sản xuất phim phương Tây đang cố thay đổi tiêu chuẩn làm phim của mình để "phù hợp" với thị trường Trung Quốc, nơi một số cảnh "phi thực tế" có thể sẽ không qua được kiểm duyệt.
Một thách thức khác đến từ số lượng phim Hollywood được cập bến Trung Quốc, con số được định sẵn ở mức là chỉ có 34 bộ phim nước ngoài được chiếu tại Trung Quốc trong một năm. Điều này càng khiến các nhà sản xuất phim Mỹ cố tạo ra các tình tiết để lấy lòng nhà nhập khẩu phim độc quyền của Trung Quốc là China Film Group (CFG).
Một khi đã được nhập khẩu vào Trung Quốc, một bộ phim sẽ được tiếp cận 30.000 rạp chiếu phim trong năm nay và 50.000 rạp trong năm tới. Nhưng với 50.000 rạp thì Trung Quốc còn cần có số lượng rạp tăng gấp 10 lần mới đạt độ phủ như ở Anh quốc.
Để vượt qua hạn ngạch nhập khẩu phim quá ngặt nghèo của Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất phương Tây đang có "lách luật" bằng cách hợp tác với một công ty sản xuất phim Trung Quốc trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khiến các nhà sản xuất phương Tây thích hợp tác với nhà sản xuất Trung Quốc là vì tỉ lệ ăn chia lợi nhuận.
"Thường thì chúng tôi nhận được 20%. Nhưng nếu chúng tôi có một tác phẩm cộp mác hợp tác thì sẽ nhận được 44%. Đó là một sự khác biệt thật sự rất lớn", ông Roven nói.
Và tất nhiên, đổi lại việc được nhiều lợi nhuận thì một bộ phim hợp tác sẽ có nhiều "yếu tố Trung Quốc" hơn như là một hệ quả tất yếu.
Thiên Hà (theo The Telegraph)