Ông Tô Anh Dũng cùng cựu lãnh đạo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và nhiều bị cáo khác hầu tòa do có sai phạm liên quan đến vụ án ‘chuyến bay giải cứu’.

Hôm nay, xét xử cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng vụ án ‘chuyến bay giải cứu’

Nhã Thanh | 11/07/2023, 07:32

Ông Tô Anh Dũng cùng cựu lãnh đạo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và nhiều bị cáo khác hầu tòa do có sai phạm liên quan đến vụ án ‘chuyến bay giải cứu’.

356204466_1396357554543901_3986769981121509197_n.jpg
Việc đảm bảo an ninh trật tự cho phiên tòa được thắt chặt

Hôm nay 11.7, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), một số tỉnh thành và các đơn vị liên quan.

Trong vụ án này, 54 bị cáo này bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong số 21 bị cáo bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, có 18 người bị Viện KSND tối cao truy tố ở điểm a khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong số đó có Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao)…

to-anh-dung(1).jpg
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được dẫn giải đến phiên xét xử - Ảnh: D.T
356229821_1039232427345572_4876808524755165058_n.jpg
Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản
356196268_525439603041980_2733947574417391360_n.jpg
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G Việt Nam 19

Theo cáo trạng, tháng 1.2020, dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, tháng 3.2020, Chính phủ đã tổ chức 1 chuyến bay giải cứu đưa 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. Đến tháng 4.2020, Chính phủ tổ chức một số chuyến bay giải cứu chỉ thu phí vé máy bay và cách ly tại cơ sở quân đội (chuyến bay giải cứu).

Tháng 11.2020, do nhu cầu của công dân về nước rất lớn, trong khi việc cách ly và chi phí gặp khó khăn, Chính phủ đã tổ chức thí điểm 10 chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo) và giao tổ công tác của 4 bộ (Y tế, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Ngoại giao), sau đó bổ sung Bộ Công an cùng phối hợp tổ chức các chuyến bay.

Theo các chỉ đạo của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.

Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với đại diện các bộ trong tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.

Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao; UBND một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.

Về quy trình cấp phép các chuyến bay combo, theo cáo trạng, doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự); Cục Lãnh sự lấy ý kiến tổ công tác của các bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.

Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số người khác đã thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đó, cáo trạng xác định có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

VKS xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng.

Đối với hành vi sai phạm của bị cáo Tô Anh Dũng, cáo trạng của VKS kết luận ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã nhận hối lộ tổng số tiền 21,5 tỉ đồng.

Theo cáo trạng, ông Tô Anh Dũng và gia đình đã nộp số tiền 2 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa xét xử được diễn ra, luật sư bào chữa cho ông Dũng cho hay đến nay cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng và gia đình đã nộp 16,2 tỉ đồng khắc phục hậu quả.

Luật sư cho biết trong thời gian qua, ông Tô Anh Dũng bày tỏ nhận thức được hành vi của mình là không đúng và tự trách bản thân rất nhiều, ăn năn, hối lỗi, thành khẩn khai báo, hợp tác với cơ quan điều tra để sửa chữa lỗi lầm, mong được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Bài liên quan
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Truy tố cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng tội ‘Nhận hối lộ’
Ông Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” tổng số tiền 21,5 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hạn hán khô khát khốc liệt ở miền Tây Nam Bộ
35 phút trước Theo dòng thời sự
Kênh rạch khô nứt nẻ; đường sá sạt lở sụt lún khiến giao thông ách tắc; hàng vạn người dân thiếu nước sạch sinh hoạt… là những gì đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hôm nay, xét xử cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng vụ án ‘chuyến bay giải cứu’