Sáng 19.9, hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông, Q.5. TP.HCM) đã đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng cửa sạp...

Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị

thanhnien | 19/09/2017, 13:29

Sáng 19.9, hơn 2.000 tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông, Q.5. TP.HCM) đã đồng loạt ngưng kinh doanh, đóng cửa sạp...

Từ 5 giờ ngày 19.9, hơn 2.000 tiểu thương trong trang phục áo đỏ đồng phục tập trung trước cổng chính chợ An Đông (trên đường An Dương Vương, Q.5), bãi thị.

Cuộc bãi thị kéo dài đến hơn 9 giờ cùng ngày thì Chủ tịch UBND Q.5 Phạm Quốc Huy xuất hiện tại tiền sảnh chợ, cầm loa trả lời những yêu cầu của tiểu thương. Ông Phạm Quốc Huy nói ngắn gọn: "Chúng tôi ghi nhận những yêu cầu của tiểu thương và sẽ về báo cáo giải quyết sau chứ không phải ngay bây giờ".

Không đồng ý với trả lời của đại diện chính quyền Q.5, đến gần 10 giờ cùng ngày, các tiểu thương chợ An Đông tuần hành thẳng đến trụ sở UBND TP.HCM, mong được lãnh đạo thành phố giải quyết nhũng bức xúc.

Theo phản ánh của tiểu thương chợ An Đông, từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương đã được vận động đóng góp hơn 217 tỉ đồng để Q.5 nâng cấp chợ An Đông, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm thương mại vừa mọc lên trên địa bàn quận.

Tuy nhiên, gần 5 năm qua, cam kết nâng cấp chợ của UBND Q.5 vẫn chưa được thực hiện. Hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách lần lượt bỏ chợ ra đi. Điều này khiến tiểu thương chợ An Đông cảm thấy bức xúc.

Ngày 11.8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với tiểu thương chợ An Đông, nhấn mạnh việc sửa chữa chợ An Đông không chỉ bảo đảm môi trường kinh doanh sạch đẹp cho tiểu thương mà là tạo điểm tham quan du lịch mua sắm.

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng chỉ ra rằng việc chăm lo cho tiểu thương của Q.5 làm chưa tốt, cần xem lại cách làm, cách triển khai thế nào. Ông Tuyến cũng yêu cầu các cơ quan chức năng ghi nhận góp ý của tiểu thương, có phương án sửa chữa, nâng cấp chi tiết cho chợ An Đông càng sớm càng tốt. Tại buổi gặp gỡ, bà Trương Minh Kiều, Phó chủ tịch UBND Q.5, thừa nhận việc để chậm trễ sửa chợ là lỗi của quận.

3 nội dung kiến nghị của tập thể tiểu thương chợ An Đông:

Thứ nhất, yêu cầu UBND Q.5 ngay lập tức ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng (HĐ) cho thuê sạp có thời hạn đối với tiểu thương do vì HĐ này là vô hiệu do chợ truyền thống là không được thu tiền thuê quầy sạp.

Thứ hai, yêu cầu UBND Q.5 công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng tiền trước 1 năm để xây dựng chợ.

Thứ 3, yêu cầu UBND Q.5 phải gửi số tiền 217 tỉ đồng do tiểu thương chợ An Đông đóng góp để sửa chữa chợ từ năm 2013 vào ngân hàng do đại diện tiểu thương và ban quản lý cùng làm chủ tài khoản để giám sát việc thu chi.

UBND Q.5 cần giải quyết dứt điểm những kiến nghị của tiểu thương chợ An Đông

Trưa 19.9, trả lời PVThanh Niên, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết về những kiến nghị của bà con tiểu thương chợ An Đông, UBDN TP.HCM đã nhiều lần có chỉ đạo UBND Q.5 giải quyết dứt điểm, vì Ban Quản lý chợ trực thuộc sự quản lý của UBND Q.5.

Khi PVThanh Niênliên hệ qua điện thoại với ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5, ông Huy cho biết sẽ cung cấp thông tin cụ thể sau vì đang trực tiếp tham gia chỉ đạo giải quyết vụ việc.

Cũng trong trưa ngày 19.9, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định với PVThanh Niênlà UBND TP rất quan tâm đến những kiến nghị chính đáng của bà con tiểu thương.

"TP sẽ có những chỉ đạo cụ thể để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bà con tiểu thương, mong bà con bình tĩnh, đừng để bị kích động gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc buôn bán, đi lại của bà con", ông Tuyến nói.

Đình Phú

Nguyên Nga/Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông bãi thị