Dù ung thư phổi có số lượng bệnh nhân mắc mới mỗi năm đứng thứ 2, sau ung thư gan, với hơn 26.000 ca, nhưng căn bệnh này vẫn chưa được thực sự quan tâm, việc điều trị đang gặp nhiều bất cập.

Hơn 26.000 người ung thư phổi mỗi năm: Việc điều trị còn nhiều bất cập

Hồ Quang | 16/05/2022, 15:04

Dù ung thư phổi có số lượng bệnh nhân mắc mới mỗi năm đứng thứ 2, sau ung thư gan, với hơn 26.000 ca, nhưng căn bệnh này vẫn chưa được thực sự quan tâm, việc điều trị đang gặp nhiều bất cập.

ThS-BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) thông tin như vậy tại hội thảo khoa học “Cập nhật, xử trí ung thư phổi - lý thuyết đến thực hành”.

Theo bác sĩ Vũ, bệnh nhân mắc và tử vong do ung thư phổi tăng dần qua các năm, từ 18 triệu ca mắc mới và 9,5 triệu ca tử vong do ung thư phổi vào năm 2018, dự kiến năm 2040 thế giới sẽ có 28,9 triệu ca mắc mới và 16,2 triệu ca tử vong do ung thư phổi.

Tại Việt Nam, căn bệnh ung thư phổi là loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất, đứng thứ 2, chỉ sau ung thư gan. Hiện mỗi năm có trên 26.000 ca mắc ung thư phổi và trong đó khoảng 23.000 ca tử vong.

hon-26.000-nguoi-ung-thu-phoi-moi-nam-cong-tac-dieu0tri-con-nhieu-bat-cap-hinh-ah(1).png
Ung thư phổi - Ảnh: BVCC

Căn bệnh này cũng đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả nam và nữ, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Căn nguyên gây tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu với thể ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm đến 85% các trường hợp.

Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi cho người bệnh là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc a mi ăng, yếu tố di truyền.

Hiện nay, với tiến bộ của y học nên việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của bệnh ung thư phổi đã tốt hơn. Phát hiện sớm kết hợp với điều trị kịp thời có thể mang đến cho người bệnh cơ hội hồi phục thành công.

Ở nước ta, bệnh nhân mắc ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn 3 - 4 chiếm đến 70 - 80%. Hiện có khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó khoảng 70% là loại carcinoma tuyến. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, tức tỷ lệ sống thêm trung bình từ 5 năm trở lên, chiếm 14,8%.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Vũ, việc tầm soát ung thư phổi ở nước ta chưa được quan tâm. Hiện nay, chỉ mới có tầm soát ung thư cổ tử cung là chương trình được tiến hành hiệu quả, chưa có chương trình quốc gia về tầm soát các loại ung thư khác, chỉ có khám sức khỏe lẻ tẻ tại một số bệnh viện.

Năm 2015, Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2015 - 2025, gồm cả bệnh ung thư, kế hoạch được cập nhật vào năm 2022, mục tiêu ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng theo hướng dẫn sàng lọc từng loại ung thư; 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên các xét nghiệm sàng lọc như nhũ ảnh, CT liều thấp… chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

Bác sĩ Vũ cho rằng xét nghiệm là chìa khóa điều trị ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng, nhưng hiện nay việc xét nghiệm này chưa được thực hiện rộng rãi.

Hiện chỉ có các trung tâm lớn tại TP.HCM, Hà Nội có thể thực hiện các kỹ thuật phức tạp, bệnh phẩm phải được chuyển về các nơi này nên có thể gây chậm trễ, hoặc gián đoạn điều trị, nhất là trong giai đoạn bùng phát COVID-19. “Thực tế cho thấy, kỹ thuật sinh thiết, chi phí, bảo hiểm y tế, thời gian trả kết quả... là rào cản tiếp cận điều trị”, bác sĩ Vũ nói.

Ngoài ra, các yếu tố ảnh hưởng tới chọn lựa điều trị như: giai đoạn bệnh, đặc tính sinh học, mong muốn của bệnh nhân, hiệu quả và độc tính của phương pháp, chi phí, bảo hiểm y tế… Việt Nam còn thuộc nhóm nước có thu nhập thấp/trung bình, nên chi phí điều trị là yếu tố chính trong chọn lựa điều trị.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 26.000 người ung thư phổi mỗi năm: Việc điều trị còn nhiều bất cập