Tình hình mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM đang tiếp tục tăng cao trong tình trạng báo động, đặc biệt số ca nặng và tử vong đang tăng lên chóng mặt.
Tại cuộc họp báo vào chiều 12.5, ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết số ca mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong đang tăng lên chóng mặt so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tính từ đầu năm 2022 đến 12 giờ ngày 12.5, toàn TP có 7.127 ca, tăng 17,7 % so với cùng kỳ; đặc biệt số ca nặng lên đến 128 ca, tăng 532% so với cùng kỳ (tăng gấp hơn 5 lần); số ca tử vong 6 ca, tăng 200% so với cùng kỳ. “Đây là một dịch bệnh rất đáng báo động, Trung tâm kiểm soát bệnh tật cùng với ngành y tế TP đang giám sát chặt chẽ tình hình sốt xuất huyết”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, hiện nay bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc đặc trị, khác COVID-19 còn có vắc xin phòng ngừa và thuốc đặc trị là Monulpiravir. Vì vậy, đối với bệnh sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là phòng bệnh. Người dân phải diệt muỗi, lăng quăng, không để chỗ nước đọng cho muỗi đẻ trứng phát sinh lăng quăng, muỗi. Khi có trẻ em hay người lớn có triệu chứng sốt, nhức mỏi, đau cơ… nhất là có xuất huyết trên da là phải đưa đến bệnh viện để kiểm tra.
Riêng bệnh tay chân miệng, ông Tâm cho biết tính từ đầu năm 2022 đến 12 giờ ngày 12.5, TP có 1.283 ca, giảm 83 đến 85% so với cùng kỳ năm ngoái; có 2 ca nặng, giảm 94,87% so với cùng kỳ năm ngoái, không có ca tử vong. Tuy số ca tay chân miệng thấp hơn cùng kỳ nhưng đang có dấu hiệu gia tăng nhanh trong những tuần gần đây. Hiện ngành y tế đang giám sát chặt chẽ bệnh tay chân miệng.
Liên quan đến tình hình tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4, bà Lê Thiện Quỳnh Như – Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đã có Tờ trình 3088 trình UBND TP.HCM về dự thảo kế hoạch tiêm tổ chức vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4). Theo đó, sẽ có 3 nhóm người được tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 gồm: những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên bị suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người nhóm nguy cơ cao thuộc nhóm phơi nhiễm như: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu chống dịch, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.
Trong đó, dự kiến có khoảng 1.874.121 từ 50 tuổi trở lên sẽ tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19. Đây là số người đã được các quận, huyện và TP. Thủ Đức lập danh sách.
Thành phố sẽ tổ chức tiêm tại bệnh viện đối với người đang điều trị nội trú tại bệnh viện; tiêm tại các cơ sở tiêm chủng đối với người lao động làm việc tại đơn vị; tiêm tại nhà đối với người lớn tuổi không di chuyển được đến các điểm tiêm. Thời gian triển khai tiêm sẽ bắt đầu khi Bộ Y tế cung cấp vắc xin theo nguyên tắc đơn vị bảo đảm nguyên tắc an toàn trong tiêm chủng. Loại vắc xin tiêm mũi 4 là vắc xin mRNA do hãng Pfizer hoặc Moderna, Astrazeneca sản xuất và vắc xin cùng loại với mũi nhắc lần 1. Tiêm mũi 4 phải cách với tiêm mũi 3 là 4 tháng và trì hoãn 3 tháng kể từ ngày mắc COVID-19.